Vụ tiếp thị ngày Cá tháng Tư không thành công: Voltswagen hay Volkswagen?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc hãng xe Đức Volkswagen đổi tên thương hiệu tại thị trường Mỹ thành "Voltswagen" chỉ là một chiêu marketing nhân ngày Cá tháng Tư. 
Nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen sẽ không đổi tên Hoa Kỳ thành “Voltswagen. Ảnh: CNBC
Nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen sẽ không đổi tên Hoa Kỳ thành “Voltswagen. Ảnh: CNBC

Tin tức đầu tuần này về việc hãng xe lâu đời Volkswagen có kế hoạch đổi tên thương hiệu tại thị trường Mỹ thành "Voltswagen" gây chấn động toàn mạng, giá cổ phiếu sau đó tăng vọt. Sau khi thấy sự việc đi quá xa, Volkswagen xác nhận rằng kế hoạch đổi tên chỉ là một trò đùa ngày Cá tháng Tư nhằm thu hút sự chú ý của công chúng đến nỗ lực của hãng trong lĩnh vực xe điện.

Tuy nhiên, hiệu ứng này đã phản tác dụng. Trò đùa của công ty đã bị chỉ trích trên mạng xã hội. Công ty con của Volkswagen tại Mỹ đã vội vàng "chữa cháy" bằng cách xin lỗi.

Trước đó, vào ngày 29/3, Volkswagen đã đăng thông báo rằng chi nhánh tại Mỹ sẽ có thay đổi nhỏ ở tên gọi, trở thành Voltswagen (thay chữ 'k' bằng chữ 't'). Công ty này cho biết, tất cả các mẫu xe điện được phát hành trong tương lai sẽ sử dụng nhãn hiệu Voltswagen, trong khi các mẫu xe chạy bằng nhiên liệu sẽ tiếp tục sử dụng logo hiện tại.

Sáng 30/3, hãng Volkswagen vẫn đăng dòng trạng thái kèm đoạn video về tên mới của hãng này lên trang Twitter. Ảnh: Twitter

Sáng 30/3, hãng Volkswagen vẫn đăng dòng trạng thái kèm đoạn video về tên mới của hãng này lên trang Twitter. Ảnh: Twitter

Tới ngày 1/4, Volkswagen đã chính thức xác nhận thông báo trên chỉ là một trò đùa vui và xin lỗi vì sự nhầm lẫn gây ra. Công ty tuyên bố động thái này là một chiến lược marketing nhằm thu hút sự chú ý vào các dự án xe chạy điện của hãng.

Volkswagen dự kiến năm 2030 sẽ đạt 70% doanh số bán xe điện tại Châu Âu, tăng gấp đôi so với mục tiêu trước đó là 35%. Tại hai thị trường tiêu thụ lớn hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Volkswagen dự kiến một nửa doanh số bán hàng của mình sẽ là mảng xe điện.

Tuyên bố sai khiến giá cổ phiếu Volkswagen tăng vọt

Logo của Volkswagen. Ảnh: NetEase
Logo của Volkswagen. Ảnh: NetEase

Không chỉ giới truyền thông, một số nhà phân tích trong ngành cũng đưa tin về vụ đổi tên của Volkwagen. Một nhà phân tích đã viết một báo cáo nghiên cứu cụ thể về vấn đề này, trong đó ca ngợi kế hoạch đổi tên của Volkswagen. Ngân hàng đầu tư Wedbush nhận xét rằng, động thái của Volkswagen càng củng cố cam kết của công ty đối với kế hoạch phát triển xe điện và các sáng kiến ​​liên quan trong vài năm tới.

Cổ phiếu của Volkswagen tại Mỹ đã tăng trong hai ngày liên tiếp vào thứ Hai và thứ Ba, với mức tăng cộng dồn là 16%. Nhưng sau khi hãng thông báo rằng việc đổi tên là một trò đùa, cổ phiếu đã giảm hơn 6% vào thứ Tư, cuối cùng "đóng cửa" ở mức giảm 3,84%.

Mặc dù Volkswagen khẳng định việc gây ra biến động giá cổ phiếu "không phải mục đích của hãng", nhưng vụ việc vẫn đặt ra câu hỏi về hành vi "thao túng giá cổ phiếu". Việc giá cổ phiếu của công ty tăng đột biến gần đây đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan quản lý.

Những trò đùa ngày Cá tháng Tư gây phản tác dụng

Sau khi Volkswagen thừa nhận đưa ra những tuyên bố sai lệch, công ty đã bị chỉ trích mạnh mẽ trên mạng xã hội. Theo đó, những sự việc đáng xấu hổ trong quá khứ được khơi lại, chẳng hạn như vụ bê bối khí thải diesel, lừa dối khách hàng và các cơ quan quản lý trong nhiều năm.

Năm ngoái, một video quảng cáo xe của Volkswagen bị nghi ngờ chứa nội dung phân biệt chủng tộc và làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trên các trang mạng xã hội. Volkswagen cuối cùng đã rút lại quảng cáo và xin lỗi công khai.

Tờ Automotive News trong một bài đánh giá có tiêu đề "Trước đây, Volkswagen nói dối để bán xe động cơ diesel, bây giờ hãng nói dối để bán xe điện" đã chỉ ra rằng, "Volkswagen dường như vẫn tin rằng việc nói dối công chúng là một chiến lược có thể chấp nhận được".

Năm 2015, Volkswagen thừa nhận đã sử dụng phần mềm bất hợp pháp để thao túng kết quả kiểm tra động cơ diesel tại Mỹ, gây ra cuộc khủng hoảng doanh nghiệp lớn nhất ở Đức. Vụ việc này gây thiệt hại hơn 38 tỉ USD, bao gồm cả tiền phạt, tiền thu hồi và phí pháp lý. Năm 2020, Cựu Giám đốc điều hành Volkswagen, ông Martin Winterkorn vẫn phải ra hầu tòa về vụ bê bối gian lận khí thải.

Theo NetEase