Elon Musk đứng giữa con phố trong một khu dân cư. Buổi ra mắt sản phẩm hợp tác giữa Tesla và SolarCity được tổ chức vào một buổi chiều muộn tháng 10/2016 tại phim trường Universal Studios, Los Angeles. Musk mặc một chiếc áo len màu xám và quần jean màu đen, ngồi trên bục diễn thuyết được dựng lên tại trung tâm vùng ngoại ô từng được làm bối cảnh cho seri phim Những bà nội trợ kiểu Mỹ. Musk bắt đầu bài thuyết trình của mình bằng những thông tin ảm đạm - nồng độ CO2 đang tăng lên, khủng hoảng ấm lên toàn cầu - nhưng 200 khán giả ngồi dưới lại rất phấn khích. Họ háo hức muốn xem giải pháp tuyệt vời nào sắp được tiết lộ. Khi Musk nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển sang sử dụng năng lượng bền vững, một người tham dự quá khích đã hét lên: "Hãy cứu chúng tôi, Elon!"
Và tiết lộ lớn của Musk là: "Những ngôi nhà xung quanh các bạn đều là nhà năng lượng Mặt trời. Các bạn có nhận thấy điều đó không?" Musk mỉm cười và chỉ tay về phía những ngôi nhà. Những tấm lợp mái trông có vẻ rất bình thường, nhưng theo Musk đó là một sản phẩm mới có tên Mái nhà năng lượng Mặt trời - một hệ thống chuyển đổi có vẻ ngoài không khác mái nhà truyền thống. Musk cam kết những tấm lợp mái này sẽ bền hơn và tiết kiệm hơn, đặc biệt còn có thể tạo ra điện.
Những mái ngói này là bước tiến mới nhất trong kế hoạch lớn của Musk giúp chúng ta không còn lệ thuộc nhiên liệu hóa thạch. Bên trong gara của mỗi căn nhà, Musk cho biết, là một chiếc xe Tesla và pin Powerwall thế hệ mới, loại pin sạc được Tesla phát triển vào năm 2015 để dự trữ năng lượng cho các hộ gia đình. Ban ngày, các tấm lợp Mặt trời có thể tạo ra điện và nạp cho Powerwall. Sau khi Mặt trời lặn, pin tiếp nhận và cung cấp năng lượng độc lập với mạng lưới điện truyền thống. "Đây là một tương lai tích hợp. Bạn đã có một chiếc xe điện, pin dự trữ Powerwall và một mái nhà năng lượng Mặt trời. Nó thực sự khá đơn giản, đúng vậy. Và có thể là lời giải cho toàn bộ phương trình năng lượng", Musk cho biết.
Tuyên bố của Musk không chỉ cứu hành tinh của chúng ta mà còn cứu cả SolarCity, công ty của 2 người em họ Peter và Lyndon Rive. Nhờ sự giúp đỡ của Musk, SolarCity đã được thành lập năm 2006 với mục tiêu mang điện năng lượng mặt trời tới người dân. Hãng đã thành công trong gần một thập kỷ, nhưng gần đây phải đối mặt với nhiều thách thức. Cổ phiếu giảm liên tục 77% kể từ khi lên đỉnh vào tháng 2/2014. Số nợ tăng chóng mặt, lên đến 3,4 tỷ USD, tăng trưởng doanh thu chậm lại và công ty phải vật lộn trong cuộc khủng hoảng tiền mặt. Tháng 6 vừa qua, Musk đề nghị Tesla mua lại SolarCity với giá 2,8 tỷ USD. Sự kiện hôm nay được tổ chức chủ yếu để thuyết phục các cổ đông của Tesla và SolarCity, những người sẽ bỏ phiếu trong ba tuần nữa về việc có thông qua vụ sáp nhập hay không.
Tesla đặt cược rằng pin Powerwall, kết hợp với mái năng lượng Mặt trời Solar Roof sẽ tạo nên một bộ thiết kế thu hút
Có nhiều vấn đề mà các cổ đông cần cân nhắc, trong khi các chuyên gia quản trị doanh nghiệp, các nhà phân tích còn phải thận trọng nhiều hơn nữa. Ban giám đốc cũng như các nhà đầu tư của Tesla và SolarCity có nhiều quyền lợi chồng chéo trên cả phương diện tài chính và mối quan hệ cá nhân. 6/7 giám đốc của Tesla có quan hệ chặt chẽ với SolarCity. Ban giám đốc của Tesla bao gồm một cựu giám đốc tài chính của SolarCity, một giám đốc của SolarCity và hai giám đốc có ghế trong hội đồng quản trị của SolarCity, cùng với anh trai của Musk là Kimbal. Musk là chủ tịch của cả hai công ty và là cổ đông lớn nhất của SolarCity. Ông đã bỏ ra 475 triệu USD tiền cá nhân để mua thêm cổ phần của SolarCity và Tesla khi có lợi. Công ty hàng không vũ trụ SpaceX của Musk đã mua 165 triệu USD trái phiếu do SolarCity phát hành. Một số nhà phân tích cảnh báo Musk có thể tư lợi khi giải cứu các khoản đầu tư của mình và công ty của 2 người em họ thông qua thương vụ này. Jim Chanos, một quản lý quỹ đầu tư dự phòng, người đã theo dõi Tesla và SolarCity, gọi vụ mua lại này là "một ví dụ đáng hổ thẹn về quản trị doanh nghiệp khi doanh nghiệp lâm vào tình cảnh tồi tệ nhất" và "sự cứu trợ" SolarCity "là một điều cực kỳ điên rồ".
Tuy nhiên, các nhà đầu tư của Musk đã quen với những ý kiến hoài nghi. Họ biết hành động của Musk thường đầy rủi ro nhưng họ tin vào sứ mệnh và tin vào các sản phẩm của ông. Ba tuần sau bài thuyết trình của Musk, 85% cổ đông chấp thuận việc sáp nhập Tesla và SolarCity, một kết quả đầy bất ngờ khi mà những tấm lợp mái năng lượng mặt trời đầu tiên sẽ chỉ được lắp lên mái nhà khách hàng trong ít nhất 7 tháng nữa. Chức năng của những tấm lợp tại phim trường Universal Studios chưa thực sự hoàn thiện.
Nhưng đó là sự kỳ diệu của Musk. Rất ít doanh nhân có thể tạo lập uy tín vững chắc như vậy. Trong khi 2 người em họ phải vật lộn bán ý tưởng tại phố Wall suốt nhiều năm điều hành SolarCity thì Musk chỉ cần 14 phút. Đối với Musk, tương lai mà các công ty hợp nhất của ông cứu con người trước những tác nhân gây nên biến đổi khí hậu là "hợp lý" và "khá rõ ràng", những cụm từ được lặp đi lặp lại khi trao đổi với phóng viên Austin Carr của tạp chí Fast Company một vài tháng sau khi thương vụ kết thúc. Musk khẳng định: "Về lâu dài, việc chúng ta dùng năng lượng bền vững là hoàn toàn hợp lý, vì năng lượng không bền vững, đúng như bản chất của nó, là không bền vững".
Musk luôn luôn tiếp cận sự đổi mới theo cách này: đặt cược lớn vào điều tất yếu của tương lai thay vì vào những thứ mà ông có thể mang đến trong hiện tại. Ông thiết kế tương lai và nỗ lực biến nó thành hiện thực bất chấp sự hoài nghi của mọi người. Tesla và SpaceX, trước đó bị nhiều người coi là trò đánh bạc điên rồ của một doanh nhân quá tham vọng muốn lãng phí hàng tỷ USD của mình (và những người khác), thậm chí còn mạo hiểm hơn. Năm nay, trên thực tế, Tesla đã trở thành cổ phiếu bán khống cực kỳ nguy hiểm, lấy đi của các nhà đầu cơ hàng tỷ USD - nhiều hơn tổng các khoản thua lỗ mà các nhà đầu tư phải chịu khi đặt cược vào Apple, Amazon và Netflix. Hay nói cách khác, Musk đại diện cho sự cứu rỗi đối với một số người này và là động lực cho những người khác. "BMW sử dụng một bức ảnh của tôi để "doạ" các chuyên viên phải sử dụng xe điện một cách nghiêm túc. Tôi không đùa đâu. Nó giống như một lời khen châm biếm vậy", Musk cho biết. Tất cả những điều này khiến Musk hiển nhiên trở thành người đưa ngành năng lượng Mặt trời phát triển khi Lyndon Rive, giám đốc điều hành của SolarCity, công bố rời khỏi công ty vào ngày 15/5.
Mặc dù vậy, trong nội bộ Tesla vẫn có những hoài nghi về vụ sáp nhập. "Gần như không ai nắm được vai trò của SolarCity khi sát nhập, bao gồm cả Elon", một nguồn tin cho biết. Tuy nhiên, Musk nổi tiếng với việc làm chủ thông tin một cách nhanh chóng và một lần nữa, ai sẽ đánh cược Musk thua? Nếu Musk sai, SolarCity có thể là một gánh nặng nghiêm trọng lên vai Tesla. Năng lượng mặt trời có thể là một phần không thể thiếu trong tương lai của chúng ta - ngành công nghiệp này đã tạo ra số lượng việc làm gấp đôi ngành than vào năm ngoái và chiếm gần 40% công suất điện mới bổ sung vào lưới điện, nhiều hơn năng lượng gió hoặc thậm chí cả khí tự nhiên - nhưng bản thân SolarCity thì không phải. Trong báo cáo lợi nhuận cuối cùng trước khi sáp nhập, công suất lắp đặt, một chỉ số tăng trưởng quan trọng trong ngành năng lượng mặt trời, của SolarCity đã sụt giảm 26% so với năm trước.
Tuy nhiên, nếu đúng, Musk sẽ bước gần hơn đến hiện thực hoá ý tưởng về một hành tinh sạch hơn. Khi mà Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, mọi con mắt đang đổ dồn vào vai trò của khu vực tư nhân trong việc bảo vệ môi trường mà Musk là người dẫn đầu.
Không ngạc nhiên khi Musk rất lạc quan thương vụ mua lại sẽ thành công và khẳng định vấn đề chỉ phụ thuộc vào thời gian.
Sau vụ mua lại, Musk thường xuyên lái xe từ nhà máy của Tesla tại Fremont, California đến trung tâm nghiên cứu và phát triển của SolarCity để kiểm tra mô hình tấm lợp mái năng lượng mặt trời Solar Roof. Theo quan sát của phóng viên, các tấm lợp này được lắp trên hai mái mẫu trong bãi đậu xe phía sau văn phòng và trông giống mái của một ngôi nhà lắp ghép sẵn đang chờ chuyển đi. Peter Rive, cựu giám đốc công nghệ của SolarCity, hiện là phó chủ tịch phụ trách các sản phẩm năng lượngmMặt trời của Tesla cho biết trong một buổi chiều nhiều mây: "Khi chúng tôi nghĩ sản phẩm đã sẵn sàng, chúng tôi sẽ báo Elon tới đây. Elon sẽ cho chúng tôi biết nó đã thành công hay thất bại".
Nhìn dưới lên, các tấm lợp trông mờ đục mang phong cách Tuscan hoặc giống các tấm lợp bằng đá. Nhưng nhìn từ phía trên, lớp kính trong suốt bao phủ các tấm lợp giúp tia sáng Mặt trời chiếu xuống các khối pin năng lượng Mặt trời bên dưới. Các kỹ sư của SolarCity đã nhận phản hồi cần tinh chỉnh sản phẩm từ các nhà thiết kế của Tesla và mất hàng tuần để thử nghiệm các sắc thái khác nhau của màu đen. Phản ứng của Musk thế nào? "Chưa tốt lắm. Hãy làm cho nó đẹp hơn nữa", đó là những gì Musk đã nói với nhóm nghiên cứu hồi đầu năm.
Musk nhấn mạnh rằng sự hợp tác như vậy không thể xảy ra trước khi sáp nhập. Là hai công ty tách biệt (với nhiều mâu thuẫn về quyền lợi), SolarCity và Tesla phải vận hành theo nguyên lý cánh tay vươn dài (ALP) trong giao dịch. Bất kỳ mối quan hệ đối tác nào giữa hai công ty phải được kiểm toán để đảm bảo lợi ích của mỗi công ty. "Mỗi khi chúng tôi thực hiện điều gì đều phải thông qua hai hội đồng khiến mọi việc cực kỳ chậm trễ. Bây giờ chúng tôi có thể đưa ra quyết định ngay thay vì phải mất một tháng", Musk cho biết.
Lyndon thừa nhận rằng Musk ngay lập tức đã mang lại những kỹ năng về sản phẩm rất cần thiết cho SolarCity. Theo Lyndon, thường có những thách thức về kỹ thuật mà đối với mọi người là không thể, là "một bức tường gạch". Elon đủ thông minh để vượt qua bức tường gạch đó và đưa ra các giải pháp xử lý vấn đề. Rất hiếm người có những phẩm chất hết sức vượt trội như Elon.
Musk cảm nhận yếu tố thẩm mỹ rất quan trọng đối với SolarCity trong việc thu hút những người tiêu dùng không muốn lắp các tấm pin mặt trời truyền thống trên mái nhà của mình. Musk so sánh Tesla được phát triển từ chính quan điểm của ông về những chiếc xe điện "xấu xí, chậm chạp và nhàm chán giống như một chiếc xe golf". Musk đã tạo ra Powerwall, bởi tất cả các loại pin hiện tại "chất lượng thấp, đắt đỏ, không đáng tin cậy, xấu xí, tồi tệ trên mọi phương diện". Nếu có một chỉ trích ngụ ý về hai người em họ Peter và Lyndon Rive trong suốt sự kiện giới thiệu sản phẩm vào mùa thu năm ngoái, thì đó là họ đã không thể chuyển đổi thành công từ một sản phẩm hữu ích thành một sản phẩm giàu tính thẩm mỹ. Trong bài thuyết trình, Musk chia sẻ: "Chìa khoá chính là biến năng lượng mặt trời thành một thứ được mọi người khao khát, khiến bạn muốn đặt nó ở phần nổi bật nhất trong ngôi nhà, để bạn có thể gọi những người hàng xóm qua và khoe mái nhà của mình".
Các tấm lợp mái có thể cũng sẽ giống chiếc xe hơi điện của Musk: "sexy" trong con mắt khách hàng. Gavin Baker, người đang điều hành một danh mục đầu tư trị giá 13,8 tỷ USD tại Fidelity, đã tăng vốn đầu tư của công ty trong SolarCity ngay trước thương vụ mua lại. Baker cho biết ông lạc quan về sản phẩm. Tuy nhiên ngành công nghiệp năng lượng mặt trời cho các hộ gia đình vẫn rất phức tạp và phân mảnh, liên quan đến nhiều thứ như giấy phép xây dựng, rào cản pháp lý và đánh giá mái nhà. Ngoài ra còn có vấn đề về giá cả. Mái của SolarCity đòi hỏi lợp lại hoàn toàn, không giống các tấm pin mặt trời truyền thống có thể lắp trên những tấm lợp hiện có. Apple bán một chuỗi các sản phẩm của mình - iPhone, iPad, MacBook - nhưng sự tích hợp tương tự như vậy không khả thi khi bạn định mua một chiếc xe Model S trị giá 70.000 USD, pin Powerwall có giá 6.000 USD và mái nhà năng lượng mặt trời có chi phí lên đến 65.000 USD hoặc nhiều hơn.
Mục tiêu của công ty sau khi mua lại là phát triển các mô hình tài chính giúp cho công nghệ trên có chi phí hợp lý, tối ưu hóa quá trình triển khai (nhờ vào đội ngũ lắp đặt của SolarCity) và tận dụng lợi thế bán lẻ có sẵn của Tesla. Mặc dù giá trả trước của tấm lợp Solar Roof có vẻcao, SolarCity khẳng định tín dụng thuế và giá trị năng lượng ước tính được tạo ra trong thời gian bảo hành 30 năm của sản phẩm sẽ giúp khách hàng tiết kiệm tiền về lâu dài. Công ty này cho biết năng lượng Mặt trời là một thị trường khổng lồ với khoảng 5 triệu mái nhà mới được xây mỗi năm chỉ riêng ở Mỹ và SolarCity hy vọng sẽ giành được 5% thị phần, tương đương khoảng 250.000 ngôi nhà mỗi năm - một mục tiêu đầy tham vọng khi công ty chỉ lắp được 325.000 hệ thống năng lượng Mặt trời trong một thập kỷ hoạt động trước khi được sáp nhập.
SolarCity không phải là công ty đầu tiên sản xuất tấm lợp năng lượng mặt trời và hầu hết các đối thủ trong ngành này đang gặp khó khăn. Nhưng việc sáp nhập với Tesla cho phép hãng phát triển sản phẩm theo chiến lược hội nhập hàng dọc và có thể đáp ứng tất cả nhu cầu năng lượng của khách hàng. Peter Rive khẳng định: "Nếu bạn chỉ tạo ra một tấm lợp năng lượng mặt trời, bạn sẽ thất bại. Tôi nghĩ không ai ngoài sự kết hợp của SolarCity và Tesla có thể thành công".
Khi được thành lập, SolarCity không hề quan tâm đến sản phẩm. Anh em nhà Rive – những người lớn lên cùng Musk ở Pretoria, Nam Phi, thành lập và sau đó bán đi công ty phần mềm CNTT ở Bay Area- đang tìm kiếm ý tưởng khả thi cho dự án khởi nghiệp tiếp theo. Theo Lyndon, Musk đã đề xuất năng lượng mặt trời. Sau đó, SolarCity được thành lập vào năm 2006 với khoản đầu tư trị giá 10 triệu USD từ Musk.
Họ đưa ra kế hoạch giảm chi phí bằng cách kiểm soát quy trình từ bán hàng đến lắp đặt (trong khi bên sản xuất thứ ba cung cấp các tấm lợp). Họ thuê 150 nhân viên, chủ yếu là công nhân xây dựng. Một năm sau, công ty đã lắp đặt khoảng 70 hệ thống năng lượng mặt trời mỗi tháng tại Bắc California. Từ kinh nghiệm bán các tấm lợp ngay từ những ngày đầu, Lyndon nhận thấy rào cản lớn nhất để sản phẩm đến với khách hàng là giá cả: Khách hàng đơn giản không có tiền để mua một hệ thống có chi phí lên đến 40.000 USD. Nếu họ có thể cho thuê thì sao? Các công ty khác đã tìm ra mô hình tài chính tương tự nhưng các ngân hàng cho biết không thể đưa mô hình cho thuê vào thị trường nhà ở. Lyndon nhớ lại: "Nhưng chúng tôi vẫn không ngừng kiên trì".
SolarCity là công ty đầu tiên đạt được một thỏa thuận cung cấp hệ thống năng lượng mặt trời cho các chủ nhà mà không cần bất kỳ tiền trả trước nào. Hãng sẽ giải quyết tất cả các chi phí ban đầu - cho việc tư vấn, thiết kế mái nhà, tấm lợp và lắp đặt - và làm việc với các ngân hàng để hỗ trợ tiền cho người mua. Quy trình này mang lại doanh thu định kỳ dài hạn cho SolarCity. Khách hàng sẽ phải thanh toán cho SolarCity và các đối tác tài chính trong suốt quá trình thuê 20 năm với mức chi phí hàng tháng lý tưởng thấp hơn hóa đơn điện truyền thống của họ. (Mô hình tài chính này khả thi một phần nhờ tín dụng thuế năng lượng mặt trời liên bang là 30% mà SolarCity có thể hưởng mỗi lần lắp đặt.)
Kinh doanh của hãng bắt đầu phát triển và mở rộng trên nhiều bang. Musk, vào thời điểm này đang bận rộn xây dựng Tesla và SpaceX, không tham gia nhiều ngoài vai trò là thành viên ban quản trị. Nhưng anh em nhà Rive không chỉ có cùng niềm đam mê những môn thể thao mạo hiểm như xe đạp leo núi mà còn đem phong cách làm việc của Musk đến SolarCity.
Khi SolarCity phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào cuối năm 2012 với mức giá 8 USD/cổ phiếu, giá đã tăng vọt 47% trong ngày đầu tiên giao dịch và doanh thu của công ty đã tăng gấp đôi mỗi năm sau đó. Đầu năm 2014, công ty thông báo có hơn 70.000 khách hàng và đạt 86 USD/cổ phiếu - mức giá cao nhất mọi thời đại. Lyndon đã đặt ra một mục tiêu mang-phong-cách-Musk cho nhân viên của mình: 1 triệu hệ thống được lắp đặt đến năm 2018.
Dĩ nhiên bất kỳ bùng nổ ban đầu nào cũng đi kèm sự hỗn loạn. Peter và Lyndon đã thành công trong việc đưa ý tưởng năng lượng mặt trời tới các hộ gia đình nhưng văn hóa công ty bắt đầu thay đổi, đặc biệt là với sự xuất hiện của hai nhà điều hành có tư tưởng đối lập, Tanguy Serra và Hayes Barnard (SolarCity đã thâu tóm công ty tiếp thị Paramount Solar của Barnard với giá 120 triệu USD). Bầu không khí, theo cảm nhận của nhiều nhân viên, trở nên ‘kích động' và bị ám ảnh bởi doanh thu. Theo một cựu quản lý kinh doanh, mọi thứ hoàn toàn bị thay đổi, giống như một phòng họp hội đồng. Đội ngũ kinh doanh là nam giới ngày càng đông, gồm toàn những gã vốn chỉ quen ngồi văn phòng và gọi điện để thuyết phục khách hàng.
Mái năng lượng mặt trời bằng gốm Terra-Cotta [Nguồn: Tesla]
SolarCity đã thực hiện một số vụ đầu tư thông minh giúp sản phẩm của hãng khác biệt và giảm chi phí. Serra, phụ trách giám sát hoạt động đầu tư, là người đứng sau thương vụ mua lại Zep Solar, một startup phát triển hệ thống lắp tấm năng lượng mặt trời. Sau vụ thâu tóm này, thời gian lắp đặt trung bình của SolarCity đã giảm từ vài ngày xuống chỉ còn vài giờ. Tuy nhiên, Serra và Lyndon lại mở rộng thị trường tới Mexico và mua lại công ty công nghệ sản xuất tấm năng lượng mặt trời có tên Silevo với giá ít nhất là 200 triệu USD. Thương vụ đã tiêu tốn một lượng vốn đáng kể vào thời điểm giá các tấm năng lượng mặt trời rơi xuống mức giá hàng hoá phổ biến.
Nếu có một dấu hiệu cho thấy công ty bước gần hơn đến thất bại vì tự mãn, theo cảm nhận của nhiều người, thì đó là đội ngũ bán hàng tốn kém, lộn xộn tại Las Vegas vào khoảng tháng 3/2015. Trong một cảnh quay của seri Thung lũng Silicon của HBO, Barnard (lúc đó đang quản lý hoạt động bán hàng cho SolarCity) nhảy lên sân khấu của nightclub Hakkasan trước sự chứng kiến của Lyndon, Peter cùng 1.300 nhân viên (Musk khi đó chưa đến), rap theo bài hit "Truffle Butter" của Drake và Nicki Minajvới các vũ công khiêu gợi vây quanh. Lúc khác Barnard lại xuất hiện trong bộ trang phục của thần Mặt trời Hy Lạp Helios với bộ áo giáp màu xanh lá cây được thiết kế bởi người đã tạo ra bộ trang phục Iron Man trong bộ phim cùng tên. Theo lời mô tả của nghệ sĩ hip-hop Chingy Jackpot, bữa tiệc diễn ra tràn ngập năng lượng. Tất nhiên họ có lý do để ăn mừng khi SolarCity trở thành hãng dẫn đầu và giành được 1/3 thị trường cung cấp năng lượng mặt trời cho các hộ gia đình với nhiều đơn hàng lắp đặt hơn 50 đối thủ cạnh tranh cộng lại.
Để đạt tốc độ tăng trưởng đầy tham vọng, SolarCity đã thuê 100 nhân viên bán hàng mỗi tuần và hậu quả là có một số thủ đoạn đáng ngờ. Nhiều nguồn tin cho rằng để thu hút khách hàng, đội ngũ trên có thể lờ đi những nguy cơ liên quan đến việc khách hàng có tuân thủ hợp đồng cho thuê hay không. Theo một cựu giám đốc kinh doanh, đội ngũ bán hàng SolarCity không được đào tạo cơ bản. "Chỉ cần ký vào đây thôi! Đừng lo, anh có thể huỷ bất cứ khi nào!" là cách họ thuyết phục khách hàng. "Mọi người xem việc huỷ đơn hàng như việc đăng xuất khỏi iTunes vậy".
Theo nhiều nguồn tin, tỷ lệ hủy bỏ trung bình của công ty lên đến 45% hoặc cao hơn, trong đó số đơn hàng từ đội ngũ bán hàng tận nhà chiếm 70%. (Cơ quan liên bang thực thi luật chứng khoán của Mỹ SEC được cho là đang thăm dò việc tỷ lệ huỷ bỏ không được công khai trong ngành năng lượng Mặt trời. Đại diện của SolarCity cho biết, tỷ lệ này đã được cải thiện và công ty quan tâm báo cáo về "tài sản đã lắp đặt" chứ không phải về "tỷ lệ hủy bỏ trước khi lắp đặt"). Khi cạnh tranh trong ngành ngày càng tăng, SolarCity phải chạy đua giá cả với các đối thủ khiến lợi nhuận của hãng rơi xuống đáy.
Mô hình kinh doanh của SolarCity trở nên phức tạp hơn. Để gây quỹ cho các hệ thống lắp đặt đang tăng lên nhanh chóng, công ty đã dùng nhiều cách như huy động thêm vốn cổ đông, trái phiếu và chứng khoán nợ. Google đã đầu tư 300 triệu USD để tài trợ lắp đặt cho một số hộ gia đình của SolarCity (một phần trong tín dụng thuế liên kết). Một nguồn tin hiểu khá rõ về tình hình tài chính của SolarCity cho biết: "Thực tế, để huy động vốn trong ngành năng lượng mặt trời, phần lớn các khoản tiền mặt từ các nhà đầu tư như Google chỉ được trả nhiều tháng sau khi lắp đặt. Chúng tôi bắt đầu có những khoảng trống khổng lồ trong dòng tiền khi công việc kinh doanh phát triển".
Cổ phiếu của SolarCity có xu hướng giảm vào nửa cuối năm 2015. Tháng 8, Jim Chanos, quản lý quỹ phòng ngừa rủi ro, người nổi tiếng sau dự đoán về sự sụp đổ của Enron, gọi SolarCity là một "công ty tài chính cho vay" chứ không phải là một công ty năng lượng và so sánh việc cho thuê năng lượng mặt trời của hãng với cầm cố thứ cấp. "Ông ấy [không] hiểu rõ thực tế", Lyndon phản bác, và cho biết tỷ lệ khách hàng của SolarCity không trả được nợ dưới 0,5%.
Lyndon chịu sức ép ngày càng tăng từ bên ngoài. Những chính sách vốn có lợi cho SolarCity tại nhiều bang trở nên không chắc chắn, chủ yếu do sự "thù địch" từ các công ty cung cấp dịch vụ thiết yếu (nước, ga, điện) bảo thủ. SolarCity buộc phải hoàn toàn rút khỏi bang Nevada sau khi một ủy ban của các công ty trên tại bang Nevada bỏ phiếu thông qua cắt giảm đáng kể các khoản hỗ trợ cho các hộ gia đình dùng năng lượng mặt trời. Tồi tệ hơn, khoản tín dụng 30% cho năng lượng mặt trời của liên bang sắp hết hạn. Khi khoản này bất ngờ được gia hạn vào cuối năm 2015, ngược lại lại làm giảm nhu cầu vì một số khách hàng của SolarCity nhận ra rằng họ có nhiều thời gian hơn để tận dụng khoản hỗ trợ.
Tấm lợp mái kính năng lượng Mặt trời có bề mặt nhẵn mịn [Nguồn: Tesla]
Khi tốc độ tăng trưởng các hệ thống năng lượng Mặt trời chậm lại, công ty bắt đầu chuyển hướng. Thay vì tiếp tục thúc đẩy việc mở rộng vốn đang ngày càng trở nên tốn kém, Lyndon lại nói SolarCity sẽ chuyển hướng và tập trung tạo ra lợi nhuận. Trong buổi báo cáo với các cổ đông vào tháng 10/2015, Lyndon tuyên bố: "Nhìn lại 9 năm qua, chiến lược của công ty luôn là tăng trưởng ... để đạt được quy mô". Sẽ khó duy trì mức tăng trưởng gấp đôi hàng năm mà các nhà đầu tư đã quen. Theo Lyndon, "với mục tiêu mới này, chúng ta sẽ giảm tỷ lệ tăng trưởng xuống còn 40% vào năm 2016".
Tuy nhiên, chỉ có những kế hoạch thất vọng trong báo cáo lợi nhuận cuối năm vào tháng 2/2016 và cổ phiếu của hãng đã giảm gần 1/3 chỉ sau vài giờ giao dịch. SolarCity đã luôn nhấn mạnh công ty đang tạo ra những "giá trị dài hạn" từ việc cho thuê các hệ thống mái nhà năng lượng mặt trời mà công ty đồng sở hữu với các đối tác tài chính. Công ty giống như một đơn vị cung cấp năng lượng sạch tính phí hàng tháng cho các chủ hộ. Do đó, khi chuyển hướng kinh doanh tăng lợi nhuận, thay vì cho khách hàng thuê các tấm năng lượng Mặt trời, chiến thuật mới của hãng là bán chúng cho khách hàng thông qua các khoản vay để giảm gánh nặng nợ nần của SolarCity. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là khách hàng sẽ sở hữu hệ thống – hay nói cách khác, không còn thanh toán theo tháng. Tháng 5/2016, Serra, khi đó là giám đốc tài chính, đã cố gắng giải thích sự thay đổi này trong một cuộc họp báo cáo tài chính trực tuyến. Một số nhà phân tích tỏ ra bối rối về sự thay đổi gần như đã chắc chắn này và đặt ra câu hỏi: "Chính xác mô hình kinh doanh của SolarCity là gì?"
"Đây là một công ty, theo tôi, đang trong một cuộc khủng hoảng trầm trọng nhưng lại hoạt động như là tất cả mọi thứ vẫn đang tốt đẹp", Jim Cramer chia sẻ trên kênh truyền hình CNBC và gọi đó là "cuộc họp trực tuyến tồi tệ nhất năm 2016".
Tháng 2/2016, Musk gọi Lyndon và đề nghị đã đến lúc kết hợp hai công ty. Mùa xuân năm 2015, Musk đưa ra một tuyên bố hấp dẫn về Powerwall, một sản phẩm lưu trữ pin mà ông gọi là "mảnh ghép còn thiếu" trong công cuộc thay đổi cách chúng ta tiêu thụ năng lượng, bên cạnh xe điện và các tấm năng lượng Mặt trời. Tesla bắt đầu đẩy mạnh sản xuất tại Gigafactory, nhà máy sản xuất pin khổng lồ gần Reno, Nevada. Tuy nhiên, Musk nhanh chóng nhận thấy quy trình bán hàng và lắp đặt "vô cùng cồng kềnh và rắc rối". Để lắp đặt Powerwall trong một ngôi nhà, khách hàng phải thuê đội lắp đặt địa phương vì Tesla không có sẵn đội ngũ "dịch vụ tại chỗ". Tệ hơn nữa, để pin được cung cấp năng lượng mặt trời, khách hàng sẽ "nhờ cậy" đến một công ty khác, ví dụ như SolarCity hoặc một trong những đối thủ của hãng. "Việc này giống phải mua laptop rồi mua riêng ổ cứng vậy", Musk cho biết.
Musk muốn Tesla kiểm soát quy trình từ đầu đến cuối và SolarCity thực sự là mảnh ghép còn thiếu. Khi được hỏi tại sao phải đến tháng 2/2016 mới nhận ra điều này - đặc biệt khi nhìn vào tất cả thách thức mà SolarCity phải đối mặt - Musk thừa nhận rằng việc mua lại đáng lẽ nên được thực hiện 1 năm hoặc 2 năm trước đó. Đã có thể thấy rõ mọi việc sẽ đi đến đâu, nhưng, theo như Musk kể, chỉ đơn giản là đang có quá nhiều thứ diễn ra tại Tesla.
Lời đề nghị chính thức vẫn chưa được đưa ra trong cuộc gọi vào tháng 2 và họ thống nhất ý tưởng trên cần được cân nhắc kỹ càng trước khi thực hiện. Musk nêu ý tưởng trên trước hội đồng quản trị của Tesla vào cuối tháng 2. Ban đầu, các giám đốc từ chối lời đề xuất: họ cho rằng vụ mua lại sẽ là gánh nặng cho Tesla, đặc biệt là khi hãng đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình sản xuất Model X. (Một tháng sau, SpaceX mua trái phiếu trị giá 90 triệu USD từ SolarCity và được cho là khiến Washington không đồng tình vì một số nhà lập pháp lo ngại rằng Musk đang sử dụng các hợp đồng đắt tiền của chính phủ để cứu công ty năng lượng Mặt trời của mình). Đến tháng 5, khi các vấn đề sản xuất của Tesla gần như đã được giải quyết, Musk nêu lại đề xuất trên trước ban giám đốc. Không ai ở SolarCity hay ban điều hành, kể cả anh em nhà Rive, biết Musk vẫn đang thúc đẩy việc mua lại trong thời gian này.
Ngày 20/6/2016, ban cố vấn của Tesla gửi email tới luật sư của SolarCity đề nghị mua lại hãng này với giá 2,8 tỷ USD. Thông thường, quá trình thẩm định và trả giá phải được thực hiện bí mật nhưng do xung đột lợi ích, Tesla phải công khai ý định thâu tóm trước khi SolarCity có thể xem xét đề nghị. Trong một bài blog, Musk dùng cụm "không cần phải suy nghĩ" để mô tả về kế hoạch này, nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa thấy thuyết phục. Cổ phiếu của Tesla giảm khoảng 10% khi tin được tung ra. Sự bối rối trước thông báo tiền sáp nhập khiến các đối tác tài chính của SolarCity tạm thời đóng băng vốn, gây nên lỗ hổng 200 triệu USD tiền mặt hàng tháng. Đây vốn điều đáng lo ngại nhất về tình hình tài chính của SolarCity. Trong một bài viết đăng đầu tháng 8 trên Wall Street Journal của Spencer Jakab, SolarCity tốn đến 6 USD tiền mặt cho mỗi USD kiếm được trong năm 2015, trong khi con số đó ở Tesla là 50 cent. "Tesla không khác gì một người bị đắm tàu bám được vào một mảnh gỗ đang cố cứu một người khác nguy cấp hơn, ở đây là SolarCity".
Để thuyết phục các nhà phân tích và cổ đông, Musk đã tham gia một buổi họp báo cáo tài chính trực tuyến của SolarCity vào ngày 9/8 để thảo luận về giá trị thương vụ. Ông đã "đưa ra mồi nhử" là "tấm lợp mái năng lượng Mặt trời" – một sản phẩm sắp được ra mắt. "Nếu chúng tôi có thể cung cấp một mái nhà đẹp hơn cả mái nhà thông thường thì sao? Và nếu nó còn bền hơn cả mái nhà thông thường nữa?" Musk khiêu khích.
Tấm lợp kính [Nguồn: Tesla]
Tuy nhiên, sản phẩm vẫn chưa sẵn sàng để đưa ra thị trường như Musk mô tả. Theo nhiều nguồn tin, vào tháng 10, Peter Rive và người đứng đầu Zep Solar, công ty con phát triển hệ thống lắp bảng năng lượng của SolarCity, đã mời Musk kiểm tra mẫu thử nghiệm mới nhất có tên là "Steel Pulse". Đây là một tấm lợp mái liên kết tích hợp năng lượng Mặt trời. Musk ghét mẫu thử nghiệm và cho rằng nó làm lãng phí thời gian của mình, tuy nhiên ông đánh giá cao ý tưởng của nó. Musk yêu cầu các ý tưởng phải "gây ấn tượng sâu sắc" hơn và thúc đẩy nhóm nghiên cứu phát triển một phiên bản mái bằng kính đẹp hơn. Trong vài tuần, SolarCity và Tesla đã tạo ra các bản demo của Solar Roof được công bố tại Universal Studios.
Một tháng sau khi các cổ đông thông qua việc sáp nhập vào tháng 11, phóng viên Austin Carr đã đến Buffalo để xem nhà máy sản xuất mới của SolarCity. Sau khi hoàn thành, dự kiến đây là nhà máy sản xuất các tấm năng lượng Mặt trời lớn nhất ở bán cầu tây. Cả thành phố Buffalo đang bàn tán về ý nghĩa mà SolarCity mang lại cho thành phố. Người dân địa phương nói về SolarCity như thể một công viên Six Flags sắp được mở trong thị trấn, đặc biệt là sau công bố gần đây về Solar Roof mà công ty sẽ sản xuất tại Buffalo. Nhà máy đã trở thành một biểu tượng cho những cơ hội. Thị trưởng Byron Brown cho biết: "Bây giờ SolarCity đã được sáp nhập với công ty của Elon Musk và cả thế giới sẽ hướng sự chú ý tới Buffalo".
Tại các buổi tuyển dụng của SolarCity được tổ chức tại thành phố, người dân không chỉ thể hiện một mong muốn rất dễ hiểu – đó là công việc – mà còn bày tỏ niềm tự hào khi trở thành một phần của tương lai và không còn mắc kẹt trong niềm hy vọng hồi sinh của các ngành công nghiệp trong quá khứ. "Tôi đã dõi theo [nhà máy] kể từ những viên gạch đầu tiên. Tôi sẽ chờ, chờ và chờ để kiếm được một công việc ở đây".
Gigafactory 2, cách 10 phút lái xe về phía nam của trung tâm thành phố Buffalo, nằm trên một khu đất rộng hàng trăm m2. Nơi đây từng là "nhà" của những nhà máy thép với những ống khói cuồn cuộn, cùng hàng tá những biểu tượng khác của vùng vành đai công nghiệp nặng Rust Belt. Nhà máy rộng hơn 1 triệu mét vuông nằm dọc theo một tuyến xe lửa trong khu vực sông Buffalo gần một bãi chứa hàng. Phía bên kia đường là một cửa hàng bán món cá tuyết chiên giòn và khoai tây chiên truyền thống, với bốt điện thoại kiểu London ở phía trước.
SolarCity đã nắm quyền quản lý khu vực này thông qua việc mua lại Silevo vào tháng 6/2014 với giá 200 triệu USD cổ phiếu và 150 triệu USD cho một số mục tiêu phát triển. Hãng cho rằng công nghệ phát triển các tấm năng lượng của Silevo sẽ tạo nên "bước đột phá trong việc giảm chi phí năng lượng Mặt trời", như Musk, Lyndon và Peter nêu trong một bài đăng blog vào thời điểm đó. Cả ba cũng "khoe" về một thỏa thuận mà Silevo đã ký với bang New York để xây dựng một nhà máy sản xuất tại Buffalo và tìm cách tăng gấp 5 sản lượng của nhà máy. Thống đốc Andrew Cuomo đã cam kết tài trợ 750 triệu USD cho dự án, với điều kiện dự án sẽ tạo ra 1.460 việc làm trong ngành chế tạo và 5 tỉ USD cho các khoản đầu tư đang tiến hành. Mục tiêu mà Musk và anh em nhà Rive hướng tới là sản xuất hơn một gigawatt mỗi năm vào giữa năm 2016.
Tuy nhiên dự án cũng gặp phải thách thức. Mục tiêu là xây dựng những tấm pin năng lượng mặt trời hiệu năng cao - bao gồm các tế bào quang điện cao cấp có thể biến ánh sáng Mặt trời thành năng lượng với tỷ lệ cao hơn đáng kể - với chi phí tương đương mức mà SolarCity thanh toán cho các nhà sản xuất Trung Quốc. Tuy nhiên, giá tấm pin năng lượng mặt trời trên toàn cầu đã giảm mạnh, giảm đến 75% kể từ năm 2009 và Silevo phải vật lộn tạo ra sản phẩm mang lại lợi nhuận. Đầu năm 2015, trong một tòa nhà cũ của Solyndra ở Fremont, nhóm nghiên cứu và phát triển của Silevo đang cố gắng phát triển một dây chuyền thí điểm sản xuất 1.000 tấm pin năng lượng hiệu năng cao mỗi ngày, một mô hình mà nhóm hy vọng có thể mang đến Buffalo. Nhưng theo một nguồn tin thân cận, nhóm đã phải vật lộn để dây chuyền có thể hoạt động ổn định, và chỉ sản xuất được hơn chục tấm pin mỗi ngày. (Một phát ngôn viên của SolarCity thừa nhận đã có một vài vấn đề với việc sản xuất).
Trong khi đó, ở Buffalo, SolarCity đang đốt hàng trăm triệu USD của chính phủ để xây dựng nhà máy càng nhanh càng tốt. Theo nhiều nguồn liên quan, đã có những chậm trễ trong xây dựng và chi tiêu vượt ngân sách. "Trong năm 2015, không có việc gì đúng như kế hoạch". Công ty tiếp tục chi hơn 250 triệu USD từ quỹ chính phủ để mua máy móc thiết bị, nhưng phần lớn số máy móc đó lại được "đắp chiếu" trong khi tòa nhà vẫn đang xây dựng và sắp xếp lại. Trong một cuộc họp qua điện thoại với các cổ đông vào tháng 2/2015, Lyndon đã trì hoãn thời hạn: Nhà máy sẽ được xây dựng và sẵn sàng đưa máy móc vào hoạt động vào đầu năm 2016 (trong khi mục tiêu sản xuất một gigawatt sẽ không thể đạt được cho đến quý I năm 2017). Nhưng thời hạn đó cũng "đến rồi đi". Theo một nguồn tin cho biết khi áp lực tài chính của SolarCity gia tăng, tất cả mọi thứ đều dừng lại. Dự án Buffalo dựa vào nguồn tiền của SolarCity để hoàn thành nhưng doanh số bán hàng của hãng thấp đến mức không đủ tiền duy trì. (Công ty sau đó xác nhận giới hạn hoạt động tại Buffalo nhưng là do thay đổi chiến lược).
Lyndon Rive, cựu CEO của SolarCity cho biết: "Thật điên khi nghĩ rằng chúng tôi cần bất kỳ hình thức cứu trợ nào. Nếu cần huy động vốn, chúng tôi có thể tự làm"
Tháng 11/2016, cuối cùng nhà máy cũng gần như sẵn sàng để đưa máy móc vào hoạt động. Tuy nhiên, chi phí xây dựng đã vượt ngân sách 130 triệu USD và để trả cho số thiết bị còn lại, SolarCity sẽ phải cần đến 200 triệu USD. Một tháng sau đó, khi phải "chấp nhận" rằng Silevo sẽ không giúp đạt được các mục tiêu về công nghệ và sản xuất của mình, SolarCity quyết định phải cần một đối tác bên ngoài, Panasonic, hỗ trợ chi phí và đảm nhiệm việc sản xuất pin mặt trời.
Khi phóng viên đến thăm nhà máy Buffalo vào tháng 12, có rất ít xe ô tô trong bãi đậu xe lớn. Công ty dự kiến sẽ sản xuất 10.000 tấm pin năng lượng mỗi ngày từ 4-5 dây chuyền sản xuất, nhưng rõ ràng không có hoạt động nào đang diễn ra. Trên con đường dẫn tới tòa nhà, một người đàn ông trên chiếc xe tải xanh của SolarCity yêu cầu phóng viên dừng lại và rời khỏi nhà máy.
Kể từ sau thương vụ mua lại, Tesla và SolarCity có thể chia sẻ chuyên môn và nguồn lực sản xuất. Nhưng theo các nguồn tin, khi Tesla tập trung vào việc đẩy mạnh sản xuất Model 3 tại các nhà máy khác, Musk vẫn chưa đi thăm nhà máy Buffalo. SolarCity hiện không còn mong đợi Gigafactory 2 đạt được mốc một gigawatt từ năng lượng mặt trời cho đến năm 2019.
Giữa tháng 4/2017, phóng viên đã đến San Mateo, California để gặp Lyndon tại trụ sở của SolarCity. Khi báo nhân viên an ninh về việc đến thăm SolarCity, nhân viên này cho biết không còn SolarCity nữa: "Bây giờ chúng tôi là Tesla". Minh chứng của thương vụ mua lại hiển hiện ở khắp nơi, từ các trạm sạc Tesla đến các biển hiệu trên các tòa nhà xung quanh mang logo SolarCity đã được thay thế bằng logo Tesla.
Lyndon và tôi gặp nhau trong một phòng họp giản dị trên tầng hai gần phòng làm việc của Lyndon, trợ lý của ông mang cho chúng tôi mỗi người một tách cà phê đen và một cốc smoothie có tên "The Lyndon" được pha chế từ cải xoăn, cần tây và các loại rau khác. "Không tồi nhỉ?" Lyndon hỏi và quan sát phản ứng phóng viên. Austin Carr trả lời: "Nó tốt cho sức khỏe và khá tươi. Tôi ăn một hoặc hai lần mỗi ngày trước khi uống cà phê".
Trông Lyndon tràn đầy sức sống như thường lệ, xoay ghế và nhấn bút liên tục. Tuy nhiên, tình hình công ty khi trao đổi lại không lạc quan như vậy. SolarCity, để điều chỉnh dự báo doanh thu thấp hơn, đã sa thải 3.000 nhân viên tương đương 20% lực lượng lao động, chủ yếu là nhân viên bán hàng và tiếp thị. Mặc dù Tesla cho rằng Gigafactory 2 đang đi đúng hướng, trong số nhân viên bị sa thải có cả nhân viên của Fremont và Buffalo; CEO và CTO của Silevo cũng rời SolarCity. Serra và Barnard, Giám đốc tài chính và Giám đốc doanh thu của SolarCity, cùng người đứng đầu Zep Solar cũng đã nghỉ việc. Trong khi đó, việc lắp đặt các hệ thống năng lượng Mặt trời của công ty đã giảm gần 40% trong vài tháng qua do hãng tiếp tục chuyển đổi từ mô hình cho thuê tài chính sang các khoản vay (kinh doanh nhảy vọt từ 2% đến 31%). Musk sau đó cho biết "thương hiệu SolarCity sẽ dần biến mất" và được thay thế bởi "Tesla Solar".
Mái kính năng lượng Mặt trời có bề mặt hoạ tiết [Nguồn: Tesla]
Những thay đổi sau khi sáp nhập này khiến nhiều người tin rằng việc kinh doanh của hãng đang trên đà phá sản cho đến khi Musk "ra tay". Lyndon không đồng tình với mô tả này. "Thật điên rồ khi nghĩ rằng chúng tôi cần bất kỳ hình thức cứu trợ nào", Lyndon cho biết khi phóng viên hỏi về những lời chỉ trích mà hãng đã phải đối mặt. "Chúng tôi có lợi nhuận thường xuyên lớn và khả năng thanh khoản đáng kể vì chúng tôi có một trong những cổ phiếu có khối lượng giao dịch cao nhất trong ngành năng lượng Mặt trời. Nếu cần tăng vốn, chúng tôi có thể làm". Lyndon cũng cho biết SolarCity bắt đầu tạo ra một "khoản tiền mặt đáng kể" sau khi chuyển mô hình kinh doanh từ cho thuê đến các khoản vay, bất chấp ý kiến từ nhà đầu tư chứng khoán cho rằng giá sẽ giảm. "Ý kiến từ những người bán khống cổ phiếu không quan trọng".
Lyndon thừa nhận công ty phải trải qua những lục đục nội bộ ngày càng trầm trọng. Ông giải thích có sự khác biệt giữa nhà lãnh đạo của 1.000 người với nhà lãnh đạo của 5.000 nhân viên. Nếu có thể làm lại, Lyndon thừa nhận sẽ đầu tư sớm hơn nhiều vào những sản phẩm tốt hơn và cố gắng quản lý kỳ vọng tăng trưởng hiệu quả hơn. Nhưng chỉ dễ dàng rút ra bài học khi mọi chuyện đã trôi qua, ông cho biết: Rất ít người có thể tiên đoán được sự thay đổi chóng mặt của ngành năng lượng Mặt trời trong vài năm gần đây. (Dù sao, trong 12 tháng vừa qua, hai đối thủ lớn của hãng là SunEdison và Sungevity đã đệ đơn xin phá sản).
Khi được hỏi về việc so sánh giữa mình và Musk trên cương vị CEO, Lyndon lại dùng phép ẩn dụ "tường gạch" để miêu tả Musk thường vượt qua được những điều không thể. "Tôi có thể vượt nhiều bức tường", Lyndon khiêm tốn cho biết, "Elon có thể vượt qua mọi bức tường. Đó là sự khác biệt giữa chúng tôi".
Một vài tuần sau buổi thảo luận với phóng viên, Lyndon thông báo sẽ rời công ty. Khi liên lạc qua điện thoại, Lyndon cho biết SolarCity đang ở "nơi một nhà điều hành mạnh mẽ hơn có thể tiếp quản mà không tạo ra nhiều tác động" và ông dự định nghỉ ngơi trước khi bắt đầu một công ty khác có thể tạo "tác động lớn hơn tới con người". 170 ngày sau khi thương vụ mua lại kết thúc, tin tức về sự ra đi của Lyndon là một điều bất ngờ - và một số người đã tự hỏi liệu người anh em, Peter, có tiếp bước ra đi hay không. (Câu trả lời của Lyndon là không).
Bốn giờ trước khi Tesla dự kiến công bố lợi nhuận quý I vào ngày 3/5, Musk đã gọi điện cho phóng viên. Khi trả lời câu hỏi thăm tình hình từ phóng viên, Musk trả lời: "Khủng khiếp". Phải chăng Musk đang đề cập đến công bố sắp tới? Musk cười và phủ nhận. Sau đó ông đề cập đến cổ phiếu của Tesla, gần đây đạt mức cao nhất mọi thời đại, giúp cho công ty này có giá trị hơn General Motors, một ý niệm tuyệt vời đối với một số nhà đầu tư khi so sánh số lượng 10 triệu chiếc xe GM bán được trong năm ngoái so với con số 76.000 xe của Tesla. Điều này khiến Musk tự hỏi phải chăng thị trường "quá hào phóng" và "đặt nhiều niềm tin vào tương lai".
Musk đã đề cập đến chủ đề tương tự - niềm tin - vài ngày trước đó, trong buổi nói chuyện TED ở Vancouver. Khi người dẫn chương trình đưa ra một loạt các câu hỏi về kế hoạch mạo hiểm cứu trái đất, Musk cuối cùng đã ngăn người này lại và cho biết: "Tôi muốn làm rõ điều này: Tôi không cố gắng làm cứu tinh của bất cứ ai". Đây là một tuyên bố kỳ lạ khi mà toàn bộ thương hiệu của Musk được xây dựng dựa trên lời cam kết trên - cho dù đó là giải cứu hành tinh chúng ta, hay hệ thống giao thông và mạng lưới năng lượng. Có lẽ Musk đã nhận ra có nhiều nguy cơ khi đưa ra những dự đoán ngụ ý khả năng của thánh thần.
Trong cuộc gọi, phóng viên hỏi Musk đã từng lo lắng rằng một ngày nào đó chính ông phải ngăn bản thân lao vào những dự án tham vọng hơn không, bởi nếu một trong những nỗ lực của ông thực sự thất bại, mọi người sẽ mất niềm tin vào ông. Câu trả lời của Musk là không. "Tôi không nghĩ mình là một người ham đánh cuộc. Ngay từ đầu các mục tiêu đã là như vậy rồi", Musk cho biết.
Sự thật là từ lâu Musk đã vạch ra một phần thuộc sứ mệnh to lớn của mình trong "bản tuyên ngôn" điên cuồng, có tên hài hước là "The Secret Tesla Motors Master Plan" (tạm dịch Kế hoạch tổng thể bí mật của Tesla Motors) được đăng trực tuyến vào năm 2006. Nhưng theo phóng viên ý tưởng Musk không ham đánh cuộc hơi khó tin, và thậm chí còn khó tin hơn sau cuộc họp báo cáo tài chính trực tuyến mà Musk dành phần lớn thời gian nói chuyện với các nhà phân tích về xu hướng tương lai Next Big Things. Khi gần như đã chán nghe những dự đoán của chính mình, Musk nói về những tiến bộ trong việc triển khai Model 3 và chiếc xe mới, Model Y dự kiến ra mắt vào năm 2019. Ông cũng đưa ra những gợi ý tiềm năng của các dòng xe tải và bán tải điện của Tesla, và thậm chí còn thảo luận nhanh về ý tưởng liên doanh với Công ty Boring, kế hoạch tái thiết cơ sở hạ tầng giao thông với các đường hầm dưới lòng đất. Musk nói muốn tiếp tục công cuộc cách mạng tại Tesla trong suốt quãng đời còn lại của mình, hoặc ít nhất là cho đến khi ông trở nên "già yếu hoặc quá điên rồ." Khi một nhà phân tích hỏi Musk có thể đoán được rằng Tesla một ngày nào đó giá trị vốn hóa thị trường như Apple, có trị giá 770 tỷ USD so với 47 tỷ USD hiện tại của Tesla, ông dừng lại và cho biết: "Tôi có thể là người ảo tưởng nhưng tôi thấy rõ con đường dẫn đến kết quả đó". SolarCity, công ty mà chỉ vài tháng trước đó Musk giới thiệu là Next Big Thing của Tesla, gần như không xuất hiện trong cuộc cuộc họp kéo dài 80 phút, và chỉ nhận được hai câu hỏi ngắn gọn. (Công ty sẽ bắt đầu chấp nhận đơn hàng cho tấm lợp mái năng lượng Mặt trời vào tháng 6/2017.)
Rất dễ đặt niềm tin vào tương lai mà Musk tưởng tượng. Những mái nhà Mặt trời mới - kết hợp với pin Powerwall và xe hơi điện Tesla - có thể thực sự là một bước phát triển quan trọng giúp con người từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Nhưng cũng dễ dàng hoài nghi tương lai đó dường như ngày càng kỳ lạ và xa vời với mỗi từ mà Musk thốt ra. Musk hiểu được điều này. Khi ông thận trọng nêu nó trong các buổi họp báo cáo tài chính trực tuyến, sẽ luôn có "một nhóm nói rằng [tương lai này] là hiển nhiên, và một nhóm nói rằng điều đó là không thể".
Sự khác biệt giữa những người có niềm tin và người hoài nghi, giữa hy vọng và lừa gạt khiến phóng viên nhớ về chuyến thăm tới Buffalo. Vào một buổi tối lạnh lẽo, vài ngày trước Giáng sinh, gần 100 người không quản ngại lạnh giá tham dự một hội chợ việc làm của SolarCity tại nhà thờ Mt. Olive Baptist. Không có nhiều cơ hội để họ có thể được nhận một trong số một vài trăm vị trí tại nhà máy năng lượng Mặt trời. Tất cả các thành phần dân cư từ những công nhân bị sa thải, nhân viên dịch vụ muốn chuyển việc đến những sinh viên đang tìm kiếm công việc đầu tiên – đều tụ tập lại để tìm hiểu kế hoạch của SolarCity. Họ đã đến nghe một đại diện tuyển dụng chia sẻ "phúc âm" của Musk, mà theo chia sẻ của một số người với phóng viên sau đó là một "người nhìn xa trông rộng" và "người sáng tạo".
Đối với những người theo dõi Tesla, Musk có thành công hay thất bại khi thực hiện nhiệm vụ của mình hay không không quan trọng bằng việc tạo ra một sản phẩm tuyệt vời trên thị trường hoặc giá cổ phiếu tăng cao. Nhưng đối với những người đang tụ tập trong căn phòng lót thảm sàn tại nhà thờ trên, sự mong đợi vào thành công của hãng ngày càng cao hơn và cũng cấp thiết hơn.
Rasheed Wyatt, một thành viên hội đồng thành phố cho biết: "Cách đây nhiều năm, có nhiều nhà sản xuất như GM, Fords, Bethlehem Steels phát triển tại đây và mang lại nhiều công việc có thu nhập cao. Nhưng các hãng dần đi xuống và chúng tôi phải vật lộn để mang lại cho cư dân địa phương một bộ mặt mới". SolarCity có thể tạo ra sự thay đổi đó. "Tôi hy vọng đây sẽ là một sự bùng nổ", ông cho biết thêm.
TẤM LỢP MÁI
Những tấm lợp năng lượng mặt trời mới với rìa mái có gờ của Tesla
Tấm lợp mái năng lượng Mặt trời của Tesla là một thiết kế nổi bật của hãng, tuy nhiên đây không phải là tấm lợp năng lượng Mặt trời đầu tiên trên thị trường. Các công ty lớn như Dow và BP đã bắt đầu bán các tấm lợp mái này cùng với các tấm pin Mặt trời truyền thống cách đây 15 năm - trước khi rút khỏi thị trường do chi phí cao và nhu cầu thấp. Hiện tại có ít nhất ba sản phẩm cạnh tranh đang được bán ra trên thị trường. Trong khi các tấm pin Mặt trời truyền thống không ngừng giảm giá, các tấm lợp mái vẫn giữ mức chi phí tương đối cao và không tạo ra nhiều năng lượng tương đương. Chris Fisher, giám đốc sản phẩm của công ty lợp mái nhà CertainTeed, ước tính mái CertainTeed chuyển đổi khoảng 16% ánh sáng Mặt trời nhận được thành năng lượng, so với 18% của các tấm truyền thống. Nhưng chi phí và hiệu quả sẽ chỉ là một phần phương trình cho khách hàng của Tesla.
Các tấm lợp bằng năng lượng Mặt trời Solar Roof sẽ chỉ được đặt hàng trước vào cuối tháng 5 (sản phẩm đến hạn ra mắt vào cuối năm nay) và các nhà phát triển cao cấp đã đặt mua hàng. "Các tấm lợp mái của Tesla mang lại cảm giác thoải mái khi chúng tôi cho lắp đặt trên mái nhà mình", Ron Radziner, nhà thiết kế của hãng Marmol Radziner cho biết khi đang lên kế hoạch sử dụng chúng trên những mái nhà của một tổ hợp căn hộ nhỏ ở Santa Monica, California. "Chúng sạch sẽ, thiết kế đẹp và điều đó rất quan trọng". "Mái năng lượng Mặt trời bằng gốm terra-cotta của Tesla (ở trên) sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2018."