Vụ cháy ở Công ty Rạng Đông: Có nguy cơ ngộ độc?

VietTimes -- Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết chưa thể khẳng định tất cả người dân ở khu vực xảy ra hỏa hoạn đều sẽ bị ngộ độc. Do đó, người dân chớ bi quan, hoang mang, lo sợ.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trả lời phỏng vấn báo chí.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trả lời phỏng vấn báo chí.

Vụ việc khoảng 6.000 m2 nhà xưởng của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (đường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cháy rụi vào 18h ngày 28/8 khiến nhiều người dân rất lo lắng về nguy cơ bị ngộ độc thủy ngân.

Tuy nhiên, tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều nay, 30/8, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho rằng người dân chớ nên quá bi quan, bởi nguy cơ nhiễm độc tăng cao nhất khi vụ cháy đang xảy ra. Còn khi vụ cháy đã được dập tắt, nguy cơ ngộ độc thấp hơn nhiều.

“Chưa thể khẳng định tất cả những người dân ở khu vực xảy ra hỏa hoạn đều sẽ bị nhiễm độc, do nguy cơ ngộ độc phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, ví dụ nồng độ khí độc cao hay thấp, vùng đó có khép kín không, có tích tụ nhiều khí độc không, người dân vận động nhiều hay ít…” – Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.

Về nguy cơ chất độc bám vào thực phẩm và nước uống trong vòng bán kính 1km, bác sĩ Trung Nguyên cho rằng hiện nay, đa số các loại thực phẩm tiêu dùng tại Hà Nội đều được chuyển từ vùng khác tới, nước do nhà máy lọc sạch rồi mới cung cấp. Vì vậy, nguy cơ ngộ độc cũng thấp, người dân không nên quá lo lắng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ về nguy cơ ngộ độc từ đám cháy Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ về nguy cơ ngộ độc từ đám cháy Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyên, cũng không loại trừ nguy cơ ngộ độc đối với những người trực tiếp hít hơi nóng trong nhiều giờ, gồm: nhân viên cứu hỏa trực tiếp tham gia chữa cháy, người dân hỗ trợ chữa cháy, người phải hoạt động nhiều trong đám cháy, hoặc phóng viên tác nghiệp gần đám cháy.

Do đó, bác sĩ Nguyên khuyến cáo, khi có cảm giác khó thở, ho nhiều, tức ngực, choáng váng, nhóm người này nên chủ động tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.

Trong trường hợp có người ngộ độc thủy ngân, chỉ trong vài giờ bệnh nhân sẽ ho, nôn mửa, tiêu chảy, có thể nhiễm độc cấp dẫn đến suy thận. Để sơ cứu, cần đưa bệnh nhân ra khỏi hiện trường, rửa sạch vật thể bám vào da, vào mắt rồi đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất.

Còn những người ở xa không trực tiếp hít hơi nóng, nguy cơ ngộ độc thấp hơn, bác sĩ Nguyên khuyên không nên đổ xô đến các cơ sở y tế để khám, tránh gây quá tải và tốn kém không cần thiết.

Trong trường hợp cần đi khám, người dân lựa chọn các bệnh viện đầu ngành khác hoặc các bệnh viện tuyến quận hoặc các cơ sở y tế có đủ trang thiết bị và nhân lực để khám, kiểm tra sức khỏe.

Bác sĩ Trung Nguyên cũng thông tin, đã có khoảng 10 phóng viên và 2 người dân tới Bệnh viện Bạch Mai để khám vào ngày 30/8 do gặp các triệu chứng đau đầu, khó thở, chóng mặt sau khi hoạt động tại đám cháy.

Tuy nhiên, sau nhiều giờ thăm khám, theo dõi, kết quả ban đầu cho thấy sức khỏe của những người này vẫn ổn định. Các bác sĩ sẽ thực hiện thêm xét nghiệm chuyên sâu để đánh giá chính xác hơn về tình trạng sức khỏe và đưa ra đánh giá cụ thể.