Bài báo đăng tải trên Bloomberg nói, thảm họa cháy rừng nhiệt đới Amazon Brazil hiện tại tưởng như không liên quan gì đến mối quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc do chiến tranh thương mại; nhưng trên thực tế, mối tương quan giữa hai việc này cao hơn sự tưởng tượng, bởi vì Trung Quốc đóng băng (hủy bỏ) việc mua từ 30 đến 40 triệu tấn đậu tương Mỹ mỗi năm để trả đũa Mỹ và chỉ dựa vào đậu tương Brazil để bù đắp thiếu hụt khổng lồ ấy; cơn khát đậu tương của Trung Quốc có ảnh hưởng đến nạn phá rừng.
Bài báo viết, mặc dù các nước EU hy vọng rằng Brazil có thể bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon, nhưng là quốc gia có thể thay thế châu Âu và Mỹ cung cấp ngoại hối phong phú cho Brazil, Trung Quốc cuối cùng sẽ thúc đẩy Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro bất chấp tất cả, ra sức chặt phá rừng.
Hàng chục ngàn đám cháy đang tàn phá "lá phổi xanh của Trái Đất"
|
Ngoài ra, trang web tin tức của hãng CBS cũng đăng bài “Xung đột mậu dịch Mỹ - Trung làm gia tăng thảm họa cháy rừng Amazon”, cho rằng nguyên nhân của thảm họa môi trường này rất phức tạp, bao gồm cả việc tranh đoạt lợi ích giữa các chính khách và doanh nghiệp địa phương. Khi Mỹ áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc, cũng đã tạo cơ hội thương mại cho Brazil khiến họ chặt phá một phần các khu rừng nhiệt đới Amazon.
Bài báo viết, kể từ khi Brazil bắt đầu trồngđậu tương vào những năm 1990, sản lượng của nó đã tăng gấp 20 lần. Năm nay, Brazil đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nhà sản xuất đậu tương lớn nhất thế giới và điều này đòi hỏi phải có đất trồng. Bài báo trích dẫn ý kiến Richard Fuchs, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Công nghệ Karlsruhe (KIT) ở Đức, nói rằng điều tốt nhất cho các khu rừng Amazon là Mỹ và Trung Quốc nhanh chóng đạt được hiệp nghị thương mại.
Trước các ý kiến bình luận trên, tờ Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo số ra ngày 29/8, đã đăng bài báo tựa đề “Họa cần đến cũng đã đến” gọi bài báo của Bloomberg là “một bài báo mượn vụ cháy rừng Amazon và chiến tranh thương mại để bôi đen Trung Quốc”.
Cháy rừng Amazon, nhìn từ vũ trụ
|
Thời báo Hoàn cầu cho rằng, sau khi đọc bài viết của tác giả trên, thật dễ dàng gây cho mọi người một nhận thức: sở dĩ các cánh rừng nhiệt đới Amazon bị phá hủy là vì Trung Quốc để tiến hành chiến tranh thương mại, đã mua đậu tương Brazil mà không mua đậu nành Mỹ. Vì vậy, người Brazil đã phá hoại rừng Amazon để kiếm tiền của Trung Quốc; do đó, tất cả đều là do lỗi của người Trung Quốc.
Theo bài báo, đây thực sự là một “họa trên trời rơi xuống”.
Điều đáng nói thêm là tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức ngày 26/8, có phóng viên cũng đã đặt câu hỏi: “Có chuyên gia chỉ ra rằng sự phát triển của ngành công nghiệp thịt bò là một trong những yếu tố chính dẫn đến cháy rừng Amazon, là thị trường nhập khẩu thịt bò Brazil lớn nhất, quan điểm của Trung Quốc đối với tác động và nguyên nhân của vụ cháy rừng ở Amazon là gì?”.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Bạn đã gắn cháy rừng với thịt bò. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy. Điều tôi có thể nói với bạn là Trung Quốc đã chú ý đến vụ cháy ở khu vực Amazon của Brazil và ủng hộ những nỗ lực của chính phủ Brazil trong cuộc chiến chống lại nó, hy vọng rằng tình hình thảm họa có thể sớm được kiểm soát”.
Phải mất hàng trăm năm mới có thể khôi phục được hệ sinh thái rừng Amazon
|
Trang web của tạp chí Time cũng đã nói về “Nguyên nhân thực sự của vụ hỏa hoạn ở Amazon”, lại cho rằng nguyên nhân ít nổi bật hơn la chính phủ Brazil từ nhiều năm qua đã cắt giảm ngân sách môi trường và giảm thiểu hỗ trợ cho cộng đồng sống theo kiểu truyền thống ở địa phương.
Trên thực tế, các vụ cháy rừng ở Brazil đã tăng 84% trong năm qua. Cháy rừng thường xảy ra trong mùa khô ở Brazil và nông dân địa phương đôi khi cố tình chặt phá rừng trái phép để phát triển chăn nuôi. Alberto Setzer, một nhà nghiên cứu tại Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Brazil, từng nói rằng, “mùa khô hạn tạo điều kiện thuận lợi cho các đám cháy. Nhưng các vụ hỏa hoạn, dù là cố ý hay vô tình, đều do con người gây ra”.
Trong những năm gần đây, nông nghiệp là ngành công nghiệp mạnh nhất trong nền kinh tế Brazil, hơn nữa “xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến Brazil có thể thay thế Mỹ và trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu đậu tương. Nhu cầu về đậu tương đã gây áp lực buộc họ phải nhanh chóng thanh lý rừng rậm và cây trồng”. Tờ Washington Observer đưa tin: ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ năm 2020, ông John Delaney nói trên Fox News rằng vụ cháy rừng nhiệt đới Amazon là kết quả của va chạm thương mại giữa Donald Trump và Trung Quốc./.
Theo Đa Chiều, Backchina