Như vậy, cùng với Santa Fe và Tucson, Kona sẽ mang tới thêm lựa chọn cho khách hàng trong dải sản phẩm SUV của Hyundai, đồng thời sự xuất hiện của mẫu xe này cũng đã khiến cho 2 cái tên là Creta và i20 Active biến mất khỏi danh mục sản phẩm của Hyundai Thành Công.
Đây là điều gần như tất yếu khi Hyundai Thành Công đặt mục tiêu chính là sản xuất và lắp ráp xe trong nước, thúc đẩy công nghiệp phụ trợ đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên nhằm hướng tới mục tiêu xa hơi là xuất khẩu xe tới các thị trường trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, để có thể làm được điều này, các sản phẩm của Hyundai nói chung và Kona nói riêng chí ít cũng phải đạt doanh số bán đủ lớn tại thị trường nội địa. Có điều, ở thời điểm hiện tại,Hyundai Thành Công vẫn khá khiêm tốn khi đưa ra mục tiêu doanh số bán hàng của Hyundai Kona trong năm nay chỉ là 500 xe/tháng.
Người dùng có phải chờ đợi hay không?
Trước câu hỏi "Liệu có hiện tượng khan hàng giống như Hyundai Accent hay không?", đại diện của Hyundai Thành Công cho biết: "Hiện nay, Kona đang phải chia sẻ công suất với các mẫu xe khác, song chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng được tương đối đầy đủ nhu cầu của thị trường."
Bên cạnh đó, trước nhu cầu không ngừng tăng của khách hàng trong nước cũng như hướng tới mục tiêu xuất khẩu trong tương lai gần, Hyundai Thành Công đã khởi công xây dựng nhà máy số 2 tại Ninh Bình và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2019 đầu năm 2020.
Thách thức từ xe nhập 0% thuế
Trước mắt, trong giai đoạn này, trở ngại mà Hyundai Thành Công phải đối mặt chính là làn sóng xe 0% thuế nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam từ nửa cuối năm 2018 sau khi chính sách hạn chế nhập khẩu bằng "Nghị định 116" đã bị phá rào.
Lo lắng là có nhưng phía Hyundai Thành Công cho rằng việc lắp ráp xe tại Việt Nam là bài toán trong dài hạn nên muốn cạnh tranh được với các đối thủ nhập khẩu, chỉ còn cách là phải tối ưu chi phí sản xuất bằng việc áp dụng các công nghệ mới để bắt kịp với xu hướng công nghệ 4.0.
Ngoài ra, các sản phẩm còn phải tạo sự hấp dẫn cho người dùng bằng thiết kế đẹp, không ngừng gia tăng tiện ích và an toàn, cuối cùng là giá bán hợp lý. Những điều này đã được chứng minh qua từng sản phẩm mà Hyundai Thành Công đưa ra thị trường Việt Nam, bao gồm cả mẫu B-SUV Kona vừa được ra mắt.
Kiểu dáng lạ mắt, cá tính
Hyundai Kona đẹp hay xấu còn tùy thuộc vào quan điểm của từng người nhưng không thể phủ nhận nó có một ngoại hình ấn tượng khi là mẫu xe đầu tiên mở ra hướng đi mới cho thiết kế các thế hệ SUV tiếp theo của Hyundai.
Theo quan điểm của chúng tôi, thiết kế phá cách của Hyundai Kona không phải là quá mới lạ khi trước đó Nissan Juke hay mới đây là Mitsubishi Xpander cũng đã tạo cho mình theo xu hướng đó. Nhưng ít nhiều nó mang lại sự mới mẻ có những chiếc xe Hyundai.
Tiện ích thì xe Nhật vẫn phải học hỏi nhiều
Bên trong, Hyundai Kona chỉ sử dụng một tông màu đen duy nhất cho không gian nội thất. Thiết kế màn hình nổi trên cao đang là xu hướng của các hãng xe hiện nay và Hyundai cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, màn hình có kích thước hơi thô và vẫn còn nhiều nút bấm và núm xoay hai bên nên chưa thật sự tinh tế.
Về cơ bản, người mua xe Hyundai nói chung hầu như không phải thất vọng về tiện ích. Với Kona, các tiện ích cơ bản có thể tìm thấy gồm: nút bấm khởi động, gạt mưa tự động, đèn pha tự động, gương chống chói, điều khiển hành trình Cruise Control, màn hình cảm ứng 8 inch tích hợp camera lùi và bản đồ dẫn đường, hệ thống giải trí AUX/USB/Bluetooth hỗ trợ kết nối Apple Carplay. Riêng bản cao cấp có thêm sạc không dây chuẩn Qi và cửa sổ trời.
Động cơ trên Hyundai Kona có 2 phiên bản gồm động cơ. Thứ nhất là Nu 2.0L công suất 146 mã lực, mô-men xoắn 180 Nm kết hợp hộp số tự động 6 cấp. Nhiều người thắc mắc cả Kona và Elantra đều là sử dụng động cơ Nu 2.0L nhưng tại sao lại có sự khác biệt về công suất. Động cơ Nu 2.0L trên Elantra hiện có công suất 154 mã lực, mô-men xoắn 196 Nm.
Lý giải cho điều này, đại diện Hyundai Thành Công cho biết động cơ Nu 2.0 trên Kona áp dụng chu trình Atkinson vốn được sử dụng cho thị trường Mỹ và châu Âu, đây là đầu tiên mẫu động cơ này được cung cấp cho thị trường Việt Nam.
So với Elantra, sức mạnh của Kona đã giảm 8 mã lực và 16 Nm nhưng bù lại trọng lượng của xe cũng đã giảm 150 kg nên hầu như không có sự khác biệt trong quá trình vận hành.
Thứ hai là động cơ Gamma 1.6T-GDI cho công suất 175 mã lực, mô-men xoắn 265 Nm đi kèm với hộp số tự động 7 cấp ly hợp kép. Đây là mẫu động cơ đang được chia sẻ với đàn anh Tucson.
Tất cả các phiên bản đều được trang bị hệ thống Drive Mode với 3 chế độ Comfort - Eco - Sport mang đến những trải nghiệm khác nhau cho mỗi khách hàng. Đáng tiếc, vô-lăng lại không thiếu đi lấy chuyển số, điều mà khách hàng trẻ của Hyundai thường mong muốn có.
Mặc dù các phiên bản của Hyundai Kona được trang bị khá đầy đủ cho thị trường Việt Nam nhưng một số tính năng như hệ thống màn hình hiển thị trên kính lái HUD hay hệ thống dẫn động 4 bánh AWD đều đã bị lược bỏ.
Điều này cũng dễ hiểu khi hãng muốn có giá bán tốt nhất tới tay người dùng với những tính năng thật sự cần thiết theo nhu cầu của thị trường. Một điều mà xe Hyundai có thể vượt trội so với các đối thủ đến từ Nhật Bản mà chúng ta cần phải nhắc tới chính là hệ thống an toàn.
Hyundai Kona có an toàn không?
Bên cạnh hệ thống khung gầm được gia cố với hơn 51,8% thành phần thép cường lực AHSS, Hyundai Kona còn được trang bị tính năng an toàn tiêu chuẩn như hệ thống kiểm soát lực kéo TCS, ổn định chống trượt thân xe VSM, cân bằng điện tử ESC, hỗ trợ khởi hành ngang dốc HAC, hỗ trợ xuống dốc DBC, hiển thị áp suất lốp từng bánh TPMS, cảnh bảo điểm mù BSD và 6 túi khí.
Với các trang bị an toàn này, Hyundai Kona đã được Viện Bảo hiểm An toàn đường bộ Hoa Kỳ (IIHS) đánh giá rất cao về thử nghiệm va chạm, chỉ có duy nhất một thứ khiến cho chiếc xe này bị trượt khỏi danh sách các mẫu xe an toàn hàng đầu chính là đèn pha.
Giá bán đủ khiến nhiều đối thủ e ngại
Tại Việt Nam, Kona được Hyundai Thành Công phân phối trên hệ thống đại lý toàn quốc với 3 phiên bản: 2.0AT (615 triệu đồng), 2.0AT đặc biệt (675 triệu đồng) và 1.6 Turbo (725 triệu đồng) với 6 lựa chọn màu sắc: Đen, Trắng, Đỏ, Bạc, Vàng Cát và Xanh dương. Đi kèm theo đó là chế độ bảo hành 3 năm hoặc 100.000 km.
Đây là mức giá có thể coi là hợp lý so với những gì mà chiếc Kona này đem lại. Tuy vậy, so với đối thủ cận kề là Ford Ecosport, Hyundai Kona vẫn cao hơn một chút. Còn lại vẫn thấp hơn Suzuki Vitara và thấp hơn rất nhiều so với chiếc Honda HR-V dự kiến sẽ được bán ra trong tháng 9 với mức giá dưới 900 triệu đồng.