VNPT, Viettel và MobiFone cần có giá cước 4G hợp lý, tránh phá giá

Các doanh nghiệp viễn thông đã được cấp phép cung cấp mạng và dịch vụ 4G cần đưa ra mức cước hợp lý, bám sát quy định về giá trong luật Viễn thông, tránh tình trạng cạnh tranh về giá, dẫn tới bán phá giá làm mất ổn định thị trường viễn thông.
Vấn đề chất lượng dịch vụ 4G cần đặt lên hàng đầu.
Vấn đề chất lượng dịch vụ 4G cần đặt lên hàng đầu.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đặc biệt nhấn mạnh với các doanh nghiệp viễn thông tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước tháng 10/2016 của Bộ TT&TT vừa diễn ra chiều 1/11/2016.

 Những vấn đề đầu tư và kinh doanh 4G

Tính tới thời điểm này 4 doanh nghiệp viễn thông gồm Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Viettel, MobiFone và Gtel đã được Bộ TT&TT ký giấy phép cung cấp mạng và dịch vụ 4G. Hiện tại mới chỉ có VNPT và MobiFone đã chính thức nắm trong tay giấy phép này. Trong vài ngày tới Bộ TT&TT sẽ tiếp tục trao giấy phép 4G cho Viettel.

Do đó, các doanh nghiệp viễn thông có giấy phép trong tay đã có đủ điều kiện để thương mại hóa 4G. Liên quan tới vấn đề đầu tư và kinh doanh 4G trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đề nghị các doanh nghiệp đã được cấp phép cần thực hiện đúng Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo an toàn an ninh mạng khi triển khai 4G.

Bên cạnh đó vấn đề chất lượng cũng được đề cao và xã hội rất kỳ vọng vào chất lượng dịch vụ trên mạng 4G. Trong khi thử nghiệm các doanh nghiệp đã công bố những con số rất hấp dẫn với tốc độ 4G nhanh hơn gấp nhiều lần so với 3G. Tuy nhiên Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, chất lượng triển khai thực tế mới quan trọng. Do đó, Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới vấn đề đầu tư, quy hoạch mạng lưới và đo kiểm, đảm bảo chất lượng dịch vụ thực sự phải cao hơn trung bình 3G hiện nay mới thương mại hóa, tránh vội vàng.

Ngoài ra, một vấn đề nữa các doanh nghiệp triển khai 4G cũng cần lưu ý chính là giá cước. Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, các doanh nghiệp phải tính toán làm sao đưa ra mức cước hợp lý theo nguyên tắc đã được quy định trong Luật Viễn thông. Tức là ít nhất giá cước 4G của các nhà mạng Việt Nam phải so sánh được với mặt bằng khu vực và thế giới. Do đó, các doanh nghiệp bám vào các quy định đó của Luật Viễn thông để xác định được mức cước cũng như cam kết với Bộ TT&TT về mức cước đó để tránh tình trạng cạnh tranh về giá, dẫn tới bán phá giá làm mất ổn định thị trường viễn thông. 

"Về chính sách triển khai 4G, để trải nghiệm được 4G, khách hàng sẽ phải đổi SIM 4G. Bộ TT&TT cũng đã có chỉ đạo khi xây dựng hồ sơ xin cấp phép 4G, các doanh nghiệp có cam kết thì đề nghị nghiêm túc thực hiện khi triển khai 4G, khi đổi SIM thực hiện ngay việc đăng ký thông tin thuê bao chính xác theo đúng hướng dẫn, quy định hiện hành của Thông tư 04 cũng như tinh thần của Nghị định 25 sửa đổi bổ sung", Thứ trưởng Phan Tâm lưu ý.

Dù các nhà mạng chọn triển khai tại một số địa phương tiềm năng trước rồi mới triển khai đồng loạt trên toàn quốc như chiến lược VNPT hay triển khai đồng loạt luôn trên toàn quốc như MobiFone thì bài toán doanh thu – chi phí là thách thức lớn đối với các nhà mạng hiện nay khi triển khai 4G.

Tuy vậy vấn đề chất lượng dịch vụ 4G cần đặt lên hàng đầu. "Các doanh nghiệp viễn thông đã được cấp phép 4G cần triển khai hiệu quả và đảm bảo tốc độ mạng 4G phải cao hơn hẳn 3G", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo.

Theo Xã hội thông tin