Theo đó, nội dung ghi nhớ hợp tác là Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) và NYK Line sẽ cùng tiến hành nghiên cứu phát triển hoạt động vận tải và logistics nhằm phục vụ cho các nhà máy, khu công nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nippon Yusen Kabushiki Kaisha (NYK Line) là hãng tàu Nhật Bản chính thức thành lập năm 1985. NYK có nguồn gốc từ Công ty vận tải Tsukumo Shokai thành lập năm1870, Đến năm 1875, hãng Mitsubishi mua lại Công ty vận tải Tsukumo Shokai và nhập cùng với một số công ty khác vào năm 1985, thành lập ra hãng NYK ngày nay.
Hiện NYK Line có đội tàu gồm 852 chiếc, bao gồm các loại tàu container, tàu hàng rời cỡ lớn, tàu chở khách, tàu chuyên dụng… Hãng cũng hoạt động trong ngành bất động sản, năng lượng…
NYK Line có 67 văn phòng, chi nhánh ở nước ngoài, trong đó có chi nhánh NYK Line Việt Nam.
Hồi đầu năm 2017, NYK cùng hai hãng tàu hàng đầu thế giới khác là K-Line và MOL đã sáp nhập mảng kinh doanh vận tải container thành một liên doanh mới chiếm 16% thị phần container thế giới, 28.68% thị phần tuyến xuyên Thái Bình Dương, và 23.41% thị phần tuyến vận tải xuyên Á – Âu. Trong đó, NYK nắm cổ phần lớn nhất, với 38% vốn của liên doanh dự kiến sẽ hoạt động vào đầu năm 2018 này.
Về Vinalines – bên cạnh vị thế là tổng công ty nhà nước, cũng đồng thời là hãng tàu lớn nhất Việt Nam hiện nay – hiện đang quản lý, khai thác đội tàu có tổng trọng tải gần 2 triệu tấn, chiếm trên 26% tổng trọng tải đội tàu quốc.
Theo Vinalines và các báo cáo của Bộ GTVT, sản lượng vận tải đội tàu của Vinalines hiện chiếm gần 20% tổng sản lượng vận tải của đội tàu biển Việt Nam.
Tương tự, Vinalines hiện có các thành viên là doanh nghiệp khai thác cảng biển, với tổng chiều dài cầu cảng đang quản lý khoảng 13.000m, cũng chiếm khoảng 20% tổng chiều dài cầu cảng của cả nước. Năm 2016, sản lượng hàng thông qua hệ thống các cảng thuộc Vinalines đạt hơn 70 triệu tấn, chiếm gần 20% tổng sản lượng hàng hoá thông qua các cảng biển Việt Nam.
Vinalines hiện đang trong giai đoạn tái cơ cấu lại hoạt động, sau thời gian dài thua lỗ trước đó. Để duy trì Vinalines hoạt động đến nay, Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ như đề nghị các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ, cho phép Vinalines bán các tàu đang gây lỗ lớn. Vinalines đang chuẩn bị IPO với việc Nhà nước nắm giữ không dưới 65% số 12.300 tỷ đồng vốn điều lệ tại công ty mẹ.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn sắp tới, Vinalines xác định tập trung phát triển dịch vụ logistics, theo đó tích hợp hoạt động cảng biển với dịch vụ vận tải biển và dịch vụ hàng hải trong một “gói” dịch vụ logistics trọn gói.
Như vậy, dù chỉ ký ghi nhớ hợp tác với NYK Line để nghiên cứu phát triển vận tải và logistics khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng có thể thấy Vinalines đang kỳ vọng sẽ thực tế hoá, hiệu quả hoá được mối hợp tác với NYK.
Lưu ý là, trong nhiều năm trước đây, NYK đã và đang làm ăn với chính các doanh nghiệp của Vinalines như Công ty cổ phần đại lý hàng hải Việt Nam (Vosa), hay Công ty cổ phần đại lý vận tải quốc tế phía Bắc (Northfreight)…
Tuy nhiên, những quan hệ này chưa bao giờ được nâng tầm thành quan hệ hợp tác chính thức. Và do thế, với việc ký được ghi nhớ với NYK trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng tới Nhật Bản, Vinalines sẽ có nhiều việc phải làm để có thể hi vọng có hiệu quả hoạt động từ ghi nhớ này, qua hợp tác thực tế với NYK, và xa hơn là với liên minh vận tải container mà NYK tham gia.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu