Viettel 'đổ bộ' Myanmar để xây dựng mạng di động

Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, cuối tháng 4 này Viettel bắt đầu đưa khoảng 20 người sang khảo sát thiết kế mạng tại Myanmar. Dự kiến đến tháng 6/2016, Viettel và đối tác sẽ tiến hành xây dựng mạng di động tại Myanmar.
Với sự xuất hiện của Viettel, cuộc chiến giành thị phần viễn thông tại Myanmar hứa hẹn còn khốc liệt hơn nữa trong thời gian tới.
Với sự xuất hiện của Viettel, cuộc chiến giành thị phần viễn thông tại Myanmar hứa hẹn còn khốc liệt hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Lê Đăng Dũng cho hay, phía đối tác của Viettel tại Myanmar cử khoảng 20 cán bộ kỹ thuật cùng với Viettel để khảo sát trước khi tiến hành xây dựng mạng di động tại quốc gia này. Viettel sẽ xây dựng mạng lưới dựa trên công nghệ 3G tần số 900Mhz và 2100 Mhz. Viettel cũng nhanh chóng cung cấp dịch vụ 4G trên dải tần 1800Mhz nếu được chính phủ Myanmar cấp phép bổ sung vào cuối năm nay. 

'Chúng tôi tiến hành xây dựng mạng di động tại Myanmar đến khi chính thức khai thác thương mại sẽ có vùng phủ sóng rộng nhất. Đây là một chiến lược của Viettel ở tất cả các thị trường nước ngoài mà chúng tôi đầu tư", ông Lê Đăng Dũng nói. 

Viettel cho biết, 2 đơn vị được Chính phủ Myanmar chỉ định đàm phán liên doanh với Viettel sẽ chiếm 51% cổ phần, bao gồm một công ty trung gian địa phương (SPV) là The Myanmar National Holding Public Limited và một công ty nhà nước là Star High Public Company Limited. Việc liên doanh với các công ty địa phương đã có nhiều năm kinh nghiệm sẽ giúp Viettel thâm nhập thị trường thuận lợi cũng như mau chóng xây dựng một mạng viễn thông rộng khắp đáp ứng nhu cầu của người dân Myanmar.

Hiện Chính phủ Myanmar quy hoạch tất cả 4 giấy phép viễn thông, trong đó 2 giấy phép dành cho công ty tư nhân nước ngoài và 2 giấy phép dành cho doanh nghiệp trong nước. Theo thông báo chính thức từ chính phủ Myanmar, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã được lựa chọn để tham gia liên doanh cho giấy phép viễn thông thứ 4 và là giấy phép cuối cùng tại Myanmar, nằm trong số 2 giấy phép dành cho doanh nghiệp trong nước.

“Viettel đã có kinh nghiệm trong việc tạo ra sự bùng nổ ở thị trường viễn thông, biết cách đưa dịch vụ đến mọi người dân. Chiến lược đầu tư dài hạn của Viettel thông qua vùng phủ rộng toàn quốc, chất lượng mạng lưới vượt trội và cách kinh doanh phù hợp với từng địa phương, Viettel nhận được sự ủng hộ, chào đón của rất nhiều chính phủ, nhà đầu tư viễn thông trên thế giới. Chúng tôi hy vọng sẽ thành công trong việc đàm phán thành lập liên doanh viễn thông tại Myanmar lần này”, ông Lê Đăng Dũng chia sẻ.

Myanmar đã mở cửa thị trường di động mùa hè năm 2014, chấm dứt cơ chế độc quyền của Bộ Bưu chính Viễn thông nước này. Hãng Ooredoo đến từ Qatar và Telenor từ Na Uy là 2 công ty viễn thông nước ngoài đầu tiên giành được giấy phép cung cấp dịch vụ di động ở Myanmar. Ngay sau khi bị các đối thủ nước ngoài "đánh chiếm", giành thị phần ngay trên "sân nhà", Bộ Bưu chính Viễn thông đã phản ứng lại bằng cách hợp tác với nhà mạng Nhật KDDI và Trung tâm thương mại Sumitomo Corp. Như vậy, với công bố mới đây của Bộ Truyền thông Myanmar, Viettel và liên doanh do YTP dẫn đầu đã giành được giấy phép hoạt động viễn thông thứ 4 tại quốc gia này. 

Thị trường viễn thông Myanmar đang ngày càng có tính cạnh tranh cao và giá cước viễn thông đã giảm hơn một nửa so với trước đây. Với sự xuất hiện của Viettel, cuộc chiến giành thị phần viễn thông tại Myanmar hứa hẹn còn khốc liệt hơn nữa trong thời gian tới. 

Theo ICT News