Theo khảo sát mới đây của Trường Kinh doanh Đại học Harvard (Mỹ), các quốc gia trên thế giới được phân thành 4 nhóm về sự phát triển kinh tế số. Nhóm "Nổi bật" là các nhóm duy trì được tốc độ phát triển ở trình độ cao, "Chững lại" là những trường hợp từng phát triển, song đã mất đà và có nguy cơ tụt hậu. "Đột phá" là nhóm có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, có thể trở nên nổi bật trong tương lai dù hiện tại còn ở mức thấp. Nhóm cuối - "Dè chừng" chỉ những nước có nhiều cơ hội và thách thức song song, tốc độ tăng trưởng hiện tại không cao.
Các chuyên gia đánh giá, nhóm quốc gia thuộc nhóm “Đột phá” bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Việt Nam và Phillipines đang cải thiện mức độ sẵn sàng số của mình nhanh chóng. Tuy nhiên, vẫn cần một quá trình để những nước này bước sang giai đoạn phát triển cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc đối mặt với những thách thức như cải thiện cơ sở vật chất nguồn cung và hỗ trợ cho người tiêu dùng trong nước phát triển nhận thức cao hơn.
Để tính toán và hiểu rõ hơn về những thay đổi, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Fletcher (Đại học Tufs, Mỹ) đã đưa ra chỉ số Phát triển số (Digital Evolution Index - DEI). DEI có thể đánh giá mức độ sẵn sàng cho nền kinh tế số của các quốc gia.
Kết quả đánh giá theo DEI gồm thứ hạng của 50 nước được lựa chọn dựa trên hai tiêu chí: số người tiêu dùng Internet nhiều nhất trong 3 tỷ người dùng trên thế giới hoặc có triển vọng tăng số lượng người dùng Internet nhanh chóng.
Các nước đang phát triển ở châu Á và châu Mỹ Latin đang dẫn đầu về tốc độ, phản ánh rõ những thành tựu kinh tế tổng thể của các quốc gia này. Vốn chủ sở hữu tư nhân và vốn liên doanh đang được theo cách từng đổ vào cơn sốt tại Thung lũng Silicon trước đây.
Tính riêng trong mùa hè 2014, 3 tỷ USD đã đổ vào lĩnh vực thương mại điện tử ở Ấn Độ. Tại đây, ngoài các công ty tiên phong như Flipkart và Snapdeal, có gần 200 mô hình startup thương mại số phát triển nhờ nguồn vốn chủ sở hữu tư nhân và vốn liên doanh. Đây là điều đang xảy ra ở nơi phần lớn những người bán hàng trực tuyến giao hàng thu tiền tận nơi (Cash on delivery - COD). Thẻ tín dụng hay PayPal đều ít được sử dụng.
Theo Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, 90% các giao dịch tiền tệ được thực hiện bằng tiền mặt. Khi Amazon tiếp cận thị trường này, họ cũng phải chấp nhận hình thức thanh toán COD. Ấn Độ và một số nước có mức thu nhập trung bình như Indonesia và Colombia đều lệ thuộc nhiều vào tiền mặt. Nhưng dù tiền mặt đang chiếm ưu thế, các sàn giao dịch số vẫn đang phát triển bùng nổ.
Chuyên gia của trang tin kinh tế HBR (Đại học Harvard) nhận định các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục phát triển theo những hướng riêng để thích ứng với người tiêu dùng trực tuyến mới. "Các công ty sẽ phải sáng tạo bằng cách tùy biến hướng tiếp cận hướng tới mục tiêu hành tinh kỹ thuật số, tháo gỡ trở ngại về thể chế và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở các thị trường hứa hẹn sẽ có thêm hàng tỷ người tiêu dùng trực tuyến trong tương lai", ông nói.
Theo VnE