Hào hứng với chủ đề này, nhưng GS-TS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, cũng bày tỏ băn khoăn về lời nhận xét, đánh giá trên. Ông đề nghị cần phải làm rõ thêm VN có tiền đề gì để hướng đến xu thế phát triển này; phải nhận định nhu cầu chuyển dịch trung tâm chế tạo thế giới như thế nào.
“Một điểm cần lưu ý là cần đặt câu hỏi vì sao các nhà đầu tư có thể chuyển dịch từ nước này sang nước khác. Người ta đi đâu, vì sao họ đến các nước đó? Nếu việc chuyển dịch có tính tất yếu 20 - 30 năm, VN muốn tham gia thì có điều kiện gì, gặp khó khăn gì ?”, ông Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.
“Hút” vốn từ Trung Quốc
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra số liệu lạc quan khi công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được sự quan tâm từ doanh nghiệp (DN), đặc biệt khối FDI. Tỷ trọng vốn FDI đổ vào ngành công nghiệp chế biến tăng dần theo từng năm. Năm 2011 chiếm 50%, 2012 chiếm 70%, 2013 chiếm 76,6%, đến 2014 là 72%. 80/101 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án FDI tại VN đầu tư vào lĩnh vực này.
Còn theo nhận định của bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại VN, VN có cơ hội trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới. Tỷ trọng vốn FDI đổ vào lĩnh vực chế biến, chế tạo của VN trong 10 năm qua tăng nhanh. Tuy tỷ trọng này còn nhỏ hơn nhiều quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc (TQ), Indonesia song cơ hội còn rất rộng mở. “VN sẽ tiếp tục có lợi thế để phát triển nhờ vị trí gần chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, lực lượng lao động dồi dào, lương và chi phí thấp. VN cũng đang cởi mở thương mại, hội nhập, ký nhiều FTA... và là quốc gia có tiềm năng thị trường lớn, tầng lớp trung lưu đang tăng lên”, bà Kwakwa đánh giá.
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Trần Bắc Hà cho biết dòng vốn quốc tế đang có sự dịch chuyển từ TQ sang các nước Đông Nam Á, trong đó có VN. Đơn cử, theo số liệu của Bộ Tài chính Hàn Quốc vừa công bố, đầu tư của quốc gia này vào TQ đã giảm đến 32,1% trong nửa đầu năm 2015; số lượng DN tìm đến đầu tư tại TQ giảm mạnh so với gần 10 năm trước, từ 2.300 DN thành lập mới năm 2006 giảm chỉ còn 700 DN vào cuối 2014.
Ông Hà lưu ý, dẫu vậy cũng không thể bỏ qua kinh nghiệm của TQ. Trên con đường trở thành “công xưởng” thế giới, từ năm 1980, TQ có xuất phát điểm rất thấp nhưng đã biết dựa vào lợi thế chi phí lao động thấp, nguồn cung dồi dào, đội ngũ kỹ thuật có tay nghề cùng chính sách thúc đẩy sản xuất, thương mại và thu thút đầu tư FDI; đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng (đường bộ, đường sắt, cảng biển). Nhờ đó, TQ đã vượt Mỹ trở thành nước sản xuất hàng hóa lớn thứ nhất thế giới, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định trên 10% suốt 3 thập niên.
“Thành quả đó chúng ta cần học hỏi, nhưng cũng cần phải rút kinh nghiệm được hậu quả về tình trạng ô nhiễm, khoảng cách giàu nghèo, tình trạng mất an toàn lao động của quốc gia này”, ông Hà cảnh báo.
Mỹ cũng phải hỗ trợ DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ tại VN (Amcham), để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, trong năm 2014, luật DN và quản trị DN nhỏ của Mỹ đã giúp các DN nhỏ giành được 23% (155 tỉ USD) trong tổng số 500 tỉ USD tổng giá trị các hợp đồng trọng yếu của Mỹ. Hơn 300.000 DN nhỏ chiếm tới 97,8% tổng số các nhà xuất khẩu tại Mỹ và đạt mức 34% (551,2 tỉ USD) tổng giá trị xuất khẩu của Mỹ (1.612 tỉ USD).
Mỹ cũng phải có các chính sách hỗ trợ DN nên để chiến thắng trong cuộc đua này, TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), đề nghị phải đầu tư, hỗ trợ thật mạnh cho lực lượng DN. Ngay trong khu vực, trong khi Thái Lan và Malaysia có tới gần 60% DN tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu thì tỷ lệ này ở VN chỉ khoảng 36%. Vì vậy, nếu không nắm được xu hướng phát triển của các tập đoàn đa quốc gia thì sẽ không nắm được mô hình hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu để tham gia. Đây là công việc mà Nhà nước cần định hướng phát triển theo ngành lợi thế cạnh tranh và hỗ trợ DN. Chính phủ cần hỗ trợ DN nâng cao khả năng hấp thụ công nghệ, tạo mối liên hệ giữa DN trong nước và nước ngoài.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JETRO) khuyến nghị điều rất quan trọng là VN phải phát triển công nghiệp hỗ trợ. Năm ngoái, hầu như không có sự gia tăng đáng kể nào về tỷ lệ cung ứng nguyên vật liệu và linh kiện tại chỗ. Điều này cho thấy công nghiệp hỗ trợ vẫn cần sự hỗ trợ của Chính phủ. Thứ hai, điểm rất quan trọng là phải gỡ bỏ các vấn đề rủi ro mà các DN Nhật Bản đang gặp phải. Đặc biệt “hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch” của VN vẫn bị coi là rủi ro đầu tư lớn nhất. Về thủ tục hành chính và thủ tục thuế, hơn 50% các DN Nhật Bản coi đây là vấn đề cần phải nhanh chóng cải tiến.
Theo Thanh niên