Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN thăng hạng trong BXH quyền lực mềm toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu.
Việt Nam xếp hạng 47/106 quốc gia được đánh giá
Việt Nam xếp hạng 47/106 quốc gia được đánh giá

Báo cáo Chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021 (Brand Finance Global Soft Power Index Report) ghi nhận Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN có sự thăng hạng, cụ thể là tăng 2,5 điểm, từ xếp thứ 50/60 lên 47/105 quốc gia được đánh giá.

Chỉ số quyền lực mềm của quốc gia được tổng hợp từ 5 tiêu chí, bao gồm:

- Tính phổ biến của thương hiệu quốc gia. Trong tiêu chí này, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 29% so với năm 2019 lên mức 319 tỉ USD.

- Danh tiếng tổng thể của quốc gia (mức độ, tầm ảnh hưởng của quốc gia trên thế giới, có tiếng nói trên toàn cầu)

- Ảnh hưởng tổng thể của quốc gia (đối với người dân cả trong và ngoài nước)

- Khả năng ứng phó trước dịch bệnh

- Hiệu suất trên 7 trụ cột của quyền lực mềm bao gồm kinh doanh, thương mại, quản trị, quan hệ quốc tế,văn hóa và di sản, truyền thông và báo chí, giáo dục và khoa học, con người và giá trị.

Vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu 2021

Vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu 2021

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế đã tăng lên đáng kể nhờ những chủ trương và chính sách đúng đắn của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, xây dựng và quảng bá thương hiệu, cũng như ứng phó với đại dịch Covid-19.

Năm 2020, Việt Nam cũng đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc.

Hiện Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới. Trong năm 2020, trong khi hầu hết các nước tăng trưởng âm thì Việt Nam đã có mức tăng trưởng GDP là 2,91%.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu trên tờ báo Chính phủ cho biết: “quyền lực mềm của Việt Nam không chỉ là sự kế thừa và phát huy nền tảng vốn có từ lịch sử dân tộc hào hùng, nền văn hiến, chính sách đối ngoại hòa bình… mà còn là sự phát triển, tận dụng cả những vị thế mới, lợi thế mới”.

Ông Phú nói rằng Việt Nam có nhiều thương hiệu đã tạo dựng được uy tín trên thế giới như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel (top 15 nhà mạng thế giới về thuê bao di động và top 40 về doanh thu), Công ty Yến Sào Khánh Hòa (đứng đầu thế giới về sản lượng khai thác yến), Công ty cổ phần sữa TH (công ty đầu tiên được vào thị trường sữa lớn thứ hai thế giới)...

Cũng theo ông Phú, để phát huy sức mạnh mềm trong thời gian tới, Việt Nam cần có định hướng chiến lược một cách bài bản, dài hạn, thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.