Việt Nam đăng cai Trung tâm Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Xuất phát từ thực tế diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Việt Nam mong muốn đăng cai Trung tâm Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ASEEN.
Phiên họp thường kỳ Chính phủ sáng ngày 2/3 (Ảnh: TTBC)
Phiên họp thường kỳ Chính phủ sáng ngày 2/3 (Ảnh: TTBC)

Cơ hội nâng cao vị thế trên trường quốc tế

Sáng nay, ngày 2/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ; tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, lãnh đạo các Bộ - ngành Trung ương, các cơ quan của Đảng, Hội đồng Dân tộc Quốc hội và các Ủy ban Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, các Văn phòng Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và đại diện lãnh đạo UBND TP.HCM và UBND TP Hà Nội. Tại điểm cầu TP.HCM có ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan.

Tại phiên họp, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Y tế công bố tin Nhật Bản ủng hộ Việt Nam đăng cai Trung tâm phòng, chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ASEAN.

Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Y tế cam kết trong 5 năm đầu tiên, Việt Nam sẽ tài trợ 25 triệu USD, sẵn sàng giao đất để thực hiện Trung tâm. Văn phòng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao tiếp tục làm việc với các nước Asean và các nước khác để có ý kiến ủng hộ Việt Nam có thể đăng cai, trở thành nước chủ nhà thành lập Trung tâm phòng, chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Việc thành lập Trung tâm Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xuất phát từ tình hình thực tế, dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ghi nhận số mắc và tử vong rất cao trên toàn cầu, do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nổi lên tại nhiều quốc gia, đặc biệt lần đầu tiên đã ghi nhận đại dịch COVID-19 với diễn biến nóng, phức tạp trên toàn cầu.

Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam đã để lại hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế

Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam đã để lại hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế

Từ các trường hợp bệnh đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 3/12/2019; tính đến nay, trên thế giới hiện ghi nhận 109.468.508 ca mắc và 2.413.158 trường hợp tử vong do COVID-19 tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh, Ấn Độ là quốc gia đứng thứ hai thế giới về số trường hợp mắc và trường hợp tử vong. Tại châu Âu, Chính phủ Anh đã cho xét nghiệm đại trà ở những vùng dịch COVID-19 bùng phát. Trong khi đó, các chuyên gia y tế nước này mới đưa ra cảnh báo về những biến đổi của chủng virus VUI - 202012/01 (hay còn gọi là B.1.1.7). Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) cho biết đột biến có khả năng kháng vaccine của B.1.1.7 được gọi là E484K.

Khu vực châu Á, đứng sau Ấn Độ là Thổ Nhĩ Kỳ, đứng thứ ba khu vực là Iran. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Kông đã buộc phải kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 17/2/2021 (tức mùng 6 Tết Tân Sửu) bao gồm cấm các nhà hàng mở cửa vào buổi tối, mỗi bàn ăn tại các nhà hàng chỉ giới hạn tối đa là 2 người, các khu vực công cộng trong nhà và bên ngoài đếu giới hạn tối đa 2 người, các trung tâm gym, vui chơi giải trí... tiếp tục tạm thời đóng cửa.

Tại Đông Nam Á, toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới ở nhiều nước. Indonesia hiện đang là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.341.314 trường hợp mắc (36.325 trường hợp tử vong) và tiếp tục tăng cao.

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ vừa cho biết, ngoài Việt Nam, còn có Indonesia và Thái Lan cũng mong muốn được đăng cai thành lập Trung tâm phòng, chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thế giới.

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM điều hành điểm cầu TP.HCM tham gia phiên họp (Ảnh: TTBC)
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM điều hành điểm cầu TP.HCM tham gia phiên họp (Ảnh: TTBC)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thế giới đánh giá cao tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam nên có thể nói rằng, chúng ta có cơ hội để được đăng cai thành lập Trung tâm phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ASEAN. Điều này sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng Long cũng cho biết thêm, Thái Lan đang nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các nước bạn.

Kiểm soát dịch bệnh, an toàn kinh tế, xã hội

Việt Nam hiện vẫn đang là điểm sáng với số ca nhiễm COVID-19 cho đến ngày hiện tại đang là 2.472, đang điều trị 541 ca, đã khỏi bệnh 1.892 trường hợp, số tử vong 35. Đồng thời với tình hình kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam nằm trong số ít ỏi các quốc gia đạt được tăng trưởng dương sau thời gian dịch bệnh hoành hành năm qua.

Theo báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Hà Nội và TP.HCM hiện nay đều đã dỡ hết các khu phong toả dịch bệnh COVID-19.

TP.HCM đã cho toàn bộ học sinh, sinh viên trên địa bàn đi học trở lại từ ngày 1/3. Hà Nội cho học sinh trở lại trường từ ngày hôm nay 2/3.

Hà Nội cho biết suốt thời gian qua mặc dù căng thẳng đối mặt với việc khắc phục dịch bệnh nhưng đã nỗ lực hỗ trợ tiêu thụ nông sản và các sản phẩm cho các tỉnh có dịch như Hải Dương, Quảng Ninh.

Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM báo cáo tại phiên họp

Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM báo cáo tại phiên họp

Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Tổng mức thương mại hàng hoá, bán lẻ của TP.HCM tăng hơn 4%, kim ngạch xuất khẩu tăng 25%, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái”.

“Tuy nhiên, các ngành dịch vụ vẫn bị ảnh hưởng nặng nề nhất, du lịch lữ hành giảm sâu đến 70%. Trong suốt tháng 2/2021, không có bất cứ một du khách quốc tế nào đến TP.HCM” – Ông Hoan thông tin.

“TP.HCM yêu cầu tất cả các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm bộ tiêu chí phòng, chống dịch bệnh COVID-19 mà thành phố đã ban hành; chuẩn bị toàn bộ cơ sở vật chất để đáp ứng kể cả khi tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chủ đề xây dựng chính quyền và đô thị thông minh” – ông Hoan nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lời khen vì TP.HCM đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá, khu vực biên giới Tây Nam vẫn là khu vực nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát tán dịch bệnh COVID-19 do người nhập cảnh trái phép qua biên giới, rất cần được kiểm soát chặt.