Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại lễ tiếp nhận 20 tỉ đồng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 “Made in Vietnam” COVIVAC do Tập đoàn Vingroup tài trợ cho Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế sản xuất diễn ra vào sáng nay, ngày 27/2.
Phát triển vaccine phòng COVID-19 - vấn đề về an ninh sức khoẻ
Lý giải vấn đề vì sao Việt Nam vừa đặt mua, vừa phát triển vaccine phòng COVID-19 trong nước, ông Long cho hay: Theo các chuyên gia y tế, mức độ bảo vệ của vaccine phòng COVID-19 chỉ từ 6 tháng đến 1 năm. Không chỉ vậy, virus SARS-CoV-2 đang có nhiều biến chủng khác nhau. Do đó, hiệu lực bảo vệ của vaccine phòng COVID-19 chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định. Chính vì vậy, Bộ Y tế cũng như các đơn vị luôn xác định tinh thần coi việc phát triển vaccine phòng COVID-19 là một vấn đề về an ninh sức khoẻ, đồng thời, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch và bảo vệ sức khoẻ của người dân.
Hiện, Bộ Y tế vừa thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước, vừa tìm kiếm nguồn vaccine trên thế giới để đáp ứng nhu cầu của người dân, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường.
Theo ông Long, hiệu lực bảo vệ của vaccine phòng COVID-19 chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định (Ảnh - Minh Thuý) |
Đối với vaccine phòng COVID-19 của IVAC, ông Long cho rằng: Vaccine phòng COVID-19 COVIVAC của IVAC đang có những lợi thế nhất định. Nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 của IVAC là một nghiên cứu đa trung tâm và mang tính chất quốc tế. Trước đây, các nhà nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 chỉ đánh giá tiền lâm sàng ở trong nước nhưng riêng IVAC đã tiến hành đánh giá tiền lâm sàng vaccine ở 3 quốc gia gồm: Mỹ, Ấn Độ và Pháp. Các kết quả ở trung tâm thử nghiệm tại 3 quốc gia này cho thấy vaccine COVIVAC có hiệu quả.
Cùng với đó, vaccine phòng COVID-19 COVIVAC được phát triển trên một dây chuyền công nghệ và nhà máy vaccine mà Việt Nam hoàn toàn làm chủ. Đặc biệt, nhà máy sản xuất vaccine của IVAC thuộc Bộ Y tế đã đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có công nghệ sản xuất vaccine dựa trên công nghệ lõi.
Hiệu lực bảo vệ của vaccine phòng COVID-19 COVIVAC rất tốt
“Khi tiến hành đánh giá tiền lâm sàng, các chuyên gia đánh giá hiệu lực bảo vệ của vaccine phòng COVID-19 COVIVAC rất tốt. Vì thế, ngoài vaccine phòng COVID-19 Nano Covax của NANOGEN đã bắt đầu tiêm thử nghiệm giai đoạn II, vaccine phòng COVID-19 COVIVAC của IVAC là một vaccine tiềm năng trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, do việc thử nghiệm lâm sàng ở đa quốc gia và việc vận chuyển đi lại gặp nhiều khó khăn nên việc thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 COVIVAC ở nước ta có tiến độ chậm hơn so với các vaccine khác” – ông Long nói.
Ngoài việc phát triển nghiên cứu, thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trong nước, ông Long cho hay: Bộ Y tế đang tiến hành đánh giá chất lượng vaccine phòng COVID-19 được nhập khẩu. Dựa tên nguyên tắc chung, Bộ Y tế sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân thông qua việc đánh giá vaccine trước khi đưa ra thị trường.
Lễ tiếp nhận 20 tỉ đồng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 “Made in Vietnam” COVIVAC do Tập đoàn Vingroup tài trợ cho Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) (Ảnh - Minh Thuý) |
Vaccine phòng COVID-19 của Pfizer và vaccine phòng COVID-19 của Astrazeneca là 2 vacicne đang được sử dụng nhiều trên thế giới. Vaccine của Astrazeneca có hiệu lực bảo vệ khá tốt (100% trường hợp tiêm vaccine không có trường hợp nào mắc bệnh nặng và tử vong). Sắp tới, Bộ Y tế sẽ triển khai chiến dịch toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay với 100 triệu liều tiêm vaccine phòng COVID-19 trong năm nay. Vì thế, Bộ Y tế sẽ huy động tổng lực để tham gia vào quá trình tiêm chủng, tăng độ bao phủ toàn dân, góp phần bảo vệ sức khoẻ nhân dân trước sự tấn công của đại dịch COVID-19.
Xuất phát từ tình hình nghiên cứu vaccine tại Việt Nam, nhằm chung tay phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, tập đoàn Vingroup đã quyết định trao tặng Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế kinh phí 20 tỉ đồng để tài trợ cho hoạt động nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 COVIVAC.
Theo ông Đỗ Tất Cường – Đại diện tập đoàn Vingroup – nhằm tiến tới mục tiêu tự chủ về vaccine phòng COVID-19, tập đoàn đã quyết định trao cho IVAC 20 tỉ đồng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 COVIVAC. Ngày trong đầu tuần sau, Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn sẽ trao tài trợ để việc nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 có thể bắt đầu.
Dự án nghiên cứu thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 COVIVAC của IVAC thuộc Bộ Y tế được nghiên cứu từ tháng 5/2020, trên cơ sở hợp tác với các trường đại học, Viện nghiên cứu và các Tổ chức quốc tế sản xuất.
Vaccine phòng COVID-19 COVIVAC là vaccine dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vaccine vector Newcastle (NDV), gần gen Dieu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.
Sau 7 tháng nghiên cứu, IVAC đã sản xuất thành công 3 lô liên tiếp trên quy mô lớn từ 50 ngàn đến 100 ngàn liều mỗi lộ. Các lô vaccine dự tuyển thử nghiệm lâm sàng đã được đánh giá chất lượng tại nhà sản xuất và Viện Kiểm định quốc gia NICVB, NICVB, được cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu chất lượng 6 lô vaccine thành phẩm. Vaccine COVIVAC cũng đã thử tiền lâm sàng về độc tính, đáp ứng miễn dịch, hiệu quả bảo vệ trên động vật thí nghiệm ở trong nước và nước ngoài.