Dữ liệu nhận được từ M-Lab, một tổ chức nghiên cứu được thành lập dựa trên sự hợp tác giữa Google, đại học Princeton và viện khoa học công nghệ mở (Open Technology Institute) dựng nên một bức tranh tổng quan về sự phát triển Internet hiện nay trên toàn cầu.
Theo đó, dữ liệu thống kê từ hơn 163 triệu thử nghiệm chỉ ra trong thời gian từ 30/05/2017 đến 29/05/2018, tốc độ Internet trung bình toàn thế giới tăng khoảng 23%.
Trong đó, báo cáo chỉ ra rằng chỉ trong 1 năm tính từ đầu tháng 6 năm ngoái, tốc độ internet toàn cầu đã tăng khoảng 23%. Cụ thể, kết nối băng thông rộng trung bình hiện nay có tốc độ trung bình khoảng 9,1Mbps so với 7,4Mbps trước đó.
Bảng xếp hạng các quốc gia dựa trên tốc độ Internet cũng có một số thay đổi đáng chú ý. Mỹ là quốc gia thành công trong việc leo lên top 20 nước có tốc độ internet nhanh nhất hiện nay (trước đó Mỹ ở vị trí thứ 21). Tốc độ Internet của Mỹ đã tăng từ 20Mbps lên 26Mbps trong thời gian trên, vượt xa so với mức 23% trên toàn cầu. Bên cạnh đó, các quốc gia đầu bảng xếp hạng khác cũng có sự cải tiếng đáng kể về tốc độ Internet, như Singapore tăng từ 55Mbps lên 60Mbps (xếp thứ nhất), Đan Mạch tăng từ 33Mbps lên 43Mbps (vị trí thứ 3).
Bản đồ dữ liệu cũng chỉ ra rằng Châu Âu, Hoa Kỳ và các trung tâm kinh tế lớn của châu Á - Thái Bình Dương (Singapore, Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông) đang dẫn đầu thế giới về khả năng cung cấp băng thông rộng nhanh và đáng tin cậy. Tất nhiên, có người tăng lên thì cũng có người xuống, và các vị trí này tiếp tục thuộc về những nước đang và chậm phát triển.
Trung Quốc bất ngờ tụt hạng xuống vị trí 141 so với 134 vào cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, các nước ở đáy bảng xếp hạng như Syria và Somalia vẫn không có sự cải thiện đáng kể nào khi tốc độ tải xuống tiếp tục ở mức dưới 1Mbps. Thực tế này tiếp tục khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa sức mạnh nền kinh tế của các quốc gia với tốc độ internet tại quốc gia đó.