Quyền riêng tư trên không gian internet gần như không có trong từ điển của người Trung Quốc.
Trung Quốc có một mạng lưới rộng khắp các camera khép kín ở các thành phố lớn và yêu cầu các công ty công nghệ như Tencent, Toutiao và nhiều công ty khác phải theo dõi thông tin liên lạc trực tuyến và kiểm duyệt nội dung mà khách hàng của họ truy cập.
Và việc theo dõi này đang ngày càng chặt chẽ nhờ sự phát triển của công nghệ như là công nghệ nhận diện khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo. Trung Quốc đã thể hiện rõ là chính phủ muốn sử dụng công nghệ để kiểm soát người dân của mình.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, người ta thấy ngày càng nhiều người lên tiếng về quyền riêng tư, ít nhất là liên quan đến quyền bảo vệ thông tin cá nhân. Hồi tháng 1, Ant Financial, một công ty con của tập đoàn Alibaba, đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi người dùng cho biết công ty này đã tự động ghi lại danh sách người dùng trong chương trình tính điểm Sesame Credit của họ.
Và hồi tháng 4, mạng internet Trung Quốc lại một lần nữa dậy sóng khi một tổ chức giám sát thuộc chính phủ thừa nhận rằng họ có thể lấy lại được các tin nhắn trên WeChat đã bị xóa. Việc thừa nhận này được đưa ra sau một thời gian dài nhiều người nghi ngờ rằng chính phủ Trung Quốc đang theo dõi thông tin liên lạc của người dùng trên WeChat.
Tuy cả hai vụ việc này đều đã gây nên sự giận dữ đối với người dân Trung Quốc, nhưng không có một vụ việc nào hay bất cứ hoạt động theo dõi nào của chính phủ gây nên xáo trộn rộng khắp như việc Facebook thừa nhận thu thập thông tin người dùng ở Mỹ và châu Âu.
Ông Zhang Weining, giáo sư tại Đại học Kinh doanh Cheung Kong Graduate School cho tờ Business Insider biết rằng tất cả xuất phát từ thái độ mang tính văn hóa của Trung Quốc đối với vấn đề quyền riêng tư.
Ông Mark Zuckerberg, CEO của Facebook (Ảnh Getty Images)
|
Theo ông Zhang, khi bạn gặp một người Trung Quốc, thì việc bạn hỏi mọi thông tin về đời sống riêng tư của họ không chỉ là điều bình thường mà bạn còn được khuyến khích nữa. Thậm chí người bạn hỏi còn nhiều tuổi hơn bạn.
“Mọi người chỉ việc hỏi như là lương của bạn bao nhiêu, bạn đã lập gia đình chưa? Khi nào thì bạn sẽ có con? Tại sao bạn chưa có con? Bạn sống ở đâu? Tại sao bạn lại đổi việc?”, ông Zhang nói.
“Về mặt truyền thống, ở Trung Quốc chúng tôi không có sự riêng tư. Việc vi phạm quyền riêng tư chẳng có ý nghĩa gì với người Trung Quốc cả. Bạn có thể đang nói về quyền riêng tư, nhưng về mặt tâm lý, thì người Trung Quốc không mấy quan tâm”.
Ngoài ra, ông Zhang nói ưu tiên cao nhất đối với hầu hết người Trung Quốc là ở nâng cao sự thịnh vượng và thoát khỏi nghèo đói mà quốc gia vừa mới đạt được.
“Tất cả người trẻ đều rất tất bật với việc theo đuổi giấc mơ của họ, và người già thì không mấy quan tâm đến vấn đề quyền riêng tư. Điều này đồng nghĩa với việc quyền riêng tư không phải là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống người dân ở Trung Quốc”, ông Zhang nói.
Đối với nhiều người Trung Quốc, luôn có sự hài hòa giữa sự tiện lợi và quyền riêng tư. Các dịch vụ internet ở Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng nhờ việc các nhà cung cấp dịch vụ truy cập rộng rãi vào dữ liệu người dùng được họ cung cấp qua các ứng dụng thanh toán di động, chuyển phát đồ ăn, thuê xe, nhắn tin và các dịch vụ khác.
Như phân tích của ông Feng Chucheng thuộc công ty phân tích nguy cơ Blackpeak cho biết “việc truy cập tự do vào dữ liệu người dùng” đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển ngành công nghệ của Trung Quốc trong thập kỷ qua.
Nhưng theo ông Zhang, nếu như ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề như ở công ty Ant Financial và WeChat vừa qua, thì thái độ của người Trung Quốc sẽ thay đổi. Tuy nhiên, về điểm này, ông nói “hầu hết người Trung Quốc sẽ nghĩ đó chẳng phải là vấn đề gì nghiêm trọng lắm”.
Theo Business Insider