Phát biểu đề dẫn mở đầu hội thảo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Đến năm 2020 nếu mỗi hộ gia đình Việt Nam có một đường truyền cáp quang, mỗi người dân một máy smartphone và hạ tầng 5G phủ rộng, ưu tiên cho IoT thì Việt Nam sẽ là một trong số ít nước đảm bảo tốt về hạ tầng kết nối cho IoT".
Thuận lợi lớn nhất của Việt Nam là chúng ta có hạ tầng viễn thông tốt, có một số doanh nghiệp viễn thông mạnh, có khả năng đầu tư trước về hạ tầng phủ sóng toàn quốc. Bộ TT&TT cũng đã quy hoạch đủ số điện thoại, đủ số địa chỉ IP cho hàng tỷ thiết bị IoT. Nếu chúng ta coi dữ liệu là dầu thì IoT chính là các mỏ dầu với trữ lượng vô cùng lớn. Khai thác các dữ liệu này sẽ tạo ra các giá trị mới. Khai thác IoT càng nhanh bao nhiêu thì càng nhiều dầu mỏ bấy nhiêu. IoT chính là cách để chúng ta chuyển thế giới vật lý thành thế giới ảo và làm cho xã hội của chúng ta sáng tạo hơn, toàn bộ thế giới được ảo hóa. Toàn bộ quá trình sáng tạo bao gồm thiết kế, tạo sản phẩm mẫu, thử nghiệm sẽ được thực hiện trong thế giới ảo, nhanh hơn và đỡ tốn kém hơn so với khi chúng ta thực hiện điều đó trong thế giới thực.
Các đại biểu tham quan các sản phẩm trưng bày tại triển lãm |
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định: "Chi phí sáng tạo có thể nhỏ tới mức từng cá nhân có thể sáng tạo bằng chi phí của mình. Đây thực sự sẽ là một cuộc cách mạng. IoT chính là cách để giúp người Việt Nam có thể sáng tạo. Điều này rất phù hợp với tính cách đa dạng của người Việt Nam chúng ta".
Bộ trưởng cũng nêu ra những thách thức mà IoT mang lại: IoT phải đi liền với an toàn, an ninh thông tin. Điều gì sẽ xảy ra nếu thế giới ảo bị kẻ xấu xâm nhập và điều khiển. Thế giới càng bị ảo hóa bao nhiêu, chúng ta càng sống trong thế giới ảo nhiều bao nhiêu thì tầm quan trọng của an ninh, an toàn thông tin càng lớn bấy nhiêu.Việt Nam phải phát triển một nền công nghiệp về an ninh mạng. Người Việt Nam trên toàn cầu, có rất nhiều người giỏi về an ninh mạng. Đây cũng là cơ hội của chúng ta để đảm bảo an ninh mạng cho các thiết bị IoT. Việc sớm ứng dụng, và ứng dụng rộng rãi IoT sẽ góp phần giúp Việt Nam thành cường quốc về an ninh mạng.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Cuộc cách mạng CN 4.0 là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Đầu tiên phải là chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, các công nghệ mới thay đổi ngành, gọi là X-Tech, như Fintech, EduTech, AgriTech. Đó thường là sự sáng tạo mang tính phá hủy cái cũ. Chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ sẽ về, con người sẽ về, và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện, và cái nôi Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm có thể xuất khẩu được. Nhưng đó phải là sự chấp nhận sớm, sớm hơn người khác. Đi sau người khác, đi cùng người khác thì sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới, chúng ta có thể mất một số thứ. Nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất, và đó là cơ hội của chúng ta.
Cách tiếp cận chính sách theo kiểu truyền thống thì thường là quản được thì mở, quản đến đâu thì mở đến đó, không quản được thì đóng. Cách tiếp cận mới mà nhiều nước theo, gọi là cách tiếp cận send-box: Cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển, nhưng giới hạn trong một không gian nhất định, trong một thời gian nhất định, để các vấn đề được bộc lộ một cách rõ ràng, mà thường sẽ không nhiều như lúc đầu các nhà quản lý dự đoán. Sau đó nhà quán lý mới hình thành chính sách, quy định quản lý. Đây là một trong những cách tiếp cận phù hợp với cuộc CMCN 4.0, phù hợp để đón nhận các mô hình kinh doanh mới, để đón nhận các sáng tạo đổi mới, các sáng tạo mang tính phá hủy cái cũ.
Khi một cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội để bứt phá, nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận.