Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 26-11, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước phiên tranh tụng đang diễn ra tại Tòa Trọng tài Thường trực của LHQ trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc liên quan đến biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là luôn theo đuổi và ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Trên tinh thần đó, Việt Nam đã tiếp tục cử đoàn với tư cách quan sát viên đến dự phiên tranh tụng về nội dung thực chất của vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc diễn ra từ ngày 24 đến 30-11.
Một phiên tranh tụng tại PCA - Ảnh PCA
Được biết, vòng đầu tiên của phiên tranh tụng vụ Philippines kiện Trung Quốc ở biển Đông diễn ra từ ngày 24 đến 30-11 sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) tháng trước ra phán quyết rằng Tòa có quyền pháp lý để xét xử vụ việc này dù phía Trung Quốc nhiều lần tuyên bố không tham gia vào vụ kiện và thể hiện quan điểm PCA không có đủ thẩm quyền để xét xử.
Chính phủ Philippines cho biết phái đoàn nước này tham gia tranh tụng có “tổng cộng 48 người, bao gồm 6 Đại sứ của nước này tại các nước châu Âu, các luật sư, chuyên gia, các nhân chứng và các nhân viên khác”, do Ngoại trưởng Albert del Rosario dẫn đầu.
Cộng đồng quốc tế cũng đang theo sát diễn biến vụ việc bởi đây là lần đầu tiên diễn ra phiên tranh tụng về tính pháp lý của yêu sách đường 9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra nhằm “nuốt trọn” biển Đông. Phán quyết cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra vào năm 2016.
Cũng tại buổi họp báo chiều 26-11, phản ứng trước việc Trung Quốc vừa điều tàu hậu cần mới nhất và lớn nhất để tiếp tế hậu cần cho các khu vực mà nước này chiếm đóng và xây dựng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn nói: "Chúng tôi luôn quan tâm theo dõi mọi hoạt động của các bên ở biển Đông và cho rằng các hoạt động này phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982 cũng như Tuyên bố Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Theo NLĐ