Việt Nam có số lượng máy tính ma đứng top 3 thế giới

VietTimes -- Theo thống kê của tổ chức chống thư rác quốc tế Spamhaus, Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về lượng "máy tính ma" (botnet) đang tồn tại. Số lượng "máy tính ma" tại Việt Nam hiện là 1,17 triệu, chỉ xếp sau Ấn Độ và Trung Quốc.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo số liệu thống kê đến ngày 22.12.2018, 2 quốc gia đứng đầu hiện nay là Ấn Độ với 2,78 triệu và Trung Quốc với 1,31 triệu "máy tính ma". Đây là những thiết bị kết nối mạng như: Laptop, máy tính để bàn, máy tính bảng, smartphone… nhưng đã bị nhiễm mã độc khiến quyền điều khiển thiết bị nằm trong tay kẻ phát tán mã độc.

Vì vậy, chúng có thể điều khiển từ xa các "máy tính ma" này thực hiện các hoạt động theo ý đồ của chúng như spam, đánh cắp thông tin, lừa đảo, tấn công DDoS (từ chối dịch vụ), phát tán mã độc…

Nhiều "máy tính ma" gộp lại sẽ thành một mạng "máy tính ma" (botnet). Botnet càng lớn thì khả năng gây nguy hiểm của tội phạm mạng càng cao.

Cũng về việc này, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam – VNCERT thuộc Bộ TT&TT cho biết, tTính từ đầu năm 2018 đến nay, VNCERT ghi nhận có tổng cộng 9.344 sự cố tấn công vào các website của Việt Nam, với cả 3 loại hình gồm tấn công lừa đảo (Phishing), tấn công thay đổi giao diện (Deface) và tấn công cài mã độc (Malware).

Ông Lịch cũng cho biết thêm, số liệu thống kê mới nhất của trang http://securelist.com cho thấy, mặc dù vẫn có tên trong Top 10 quốc gia tham gia tấn công DDoS (tấn công từ chối dịch vụ phân tán - PV) trong quý III/2018, tuy nhiên tỷ lệ của Việt Nam đã giảm từ 0,50% của quý II/2018 xuống mức 0,39%, đứng ở vị trí thứ 7/10. Còn với bảng xếp hạng Top 10 quốc gia hứng chịu tấn công DDoS trong quý III/2018, Việt Nam đã không có tên trong danh sách này. 

Bên cạnh đó, theo đại diện lãnh đạo VNCERT, trong năm 2018, hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia đặt tại Trung tâm này đã ghi nhận được gần 400 triệu sự kiện an toàn mạng, trong đó có hơn 175,5 triệu sự kiện mức độ cao; trên 146,5 triệu sự kiện mức độ trung bình và hơn 76,4 triệu sự kiện ở mức độ thấp.

Top 5 loại hình tấn công nhiều nhất gồm có: tấn công thu thập thông tin (25,46%), tấn công leo thang đặc quyền (4,29%), tấn công từ chối dịch vụ (2,93%), tấn công chiếm quyền điều khiển (2,81%) và tấn công mã độc (2,62%). Top 5 cổng dịch vụ bị tin tặc khai thác nhiều nhất là HTTPS (chiếm 16,34%), SMB (11,22%), HTTP (9,41%), DNS (3,46%) và SNMP (2,64%).

“Tính từ đầu năm 2018 đến nay VNCERT cũng đã ghi nhận được 9.344 sự cố an toàn thông tin, trong đó loại hình Phishing là 2.499 sự cố, Deface là 5.018 sự cố và Malware là 1.764 sự cố”, đại diện VNCERT nói thêm.