Viện trưởng DTSI Lê Nguyễn Trường Giang: Báo chí cần phải trở thành một nền tảng dữ liệu

E-magazine Viện trưởng DTSI Lê Nguyễn Trường Giang: Báo chí cần phải trở thành một nền tảng dữ liệu

VietTimes – Trao đổi với VietTimes, ông Lê Nguyễn Trường Giang nói rằng công nghệ số đang cho phép các tòa báo có thể “nhỏ hơn” nhưng linh hoạt hơn, tốc độ hơn, thông minh hơn và phù hợp hơn.

Trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, chuỗi khối, metaverse… được coi là những công nghệ đã, đang và sẽ tác động mạnh tới báo chí, tạo môi trường để báo chí phát triển theo các hướng: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí dữ liệu, báo chí siêu liên kết…

Công nghệ giúp báo chí phát triển, mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức mới, như áp lực cạnh tranh từ các nền tảng mạng xã hội và các form dạng mới của tin tức.

Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI), cơ quan của Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), xoay quanh chủ đề chuyển đổi số báo chí.

- PV VietTimes: Là một chuyên gia về chuyển đổi số, theo ông, báo chí Việt Nam thời gian qua đã chuyển đổi số chưa? Nếu rồi thì ông đánh giá mức độ chuyển đổi số của báo chí Việt Nam ở mức nào, đứng ở đâu so với thế giới?

Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Báo chí Việt Nam hiện mới bước vào những cấp độ đầu tiên của tiến trình chuyển đổi số khi tiếp cận báo chí điện tử (e-newspaper) và báo chí trực tuyến (o-newspaper) với việc ứng dụng ngày càng nhiều các công nghệ số vào trong tiến trình chuyển đổi của mình.

Mức độ chuyển đổi mới chỉ tập trung nhiều vào công nghệ và ứng dụng công nghệ, nhưng những động thái chuyển đổi về chất lượng nội dung, mô hình giá trị và đặc biệt tạo ra những nền tảng để chuyển đổi sang kiến trúc nền tảng, theo tôi là còn khá hạn chế.

So với thế giới, như tôi đã phân tích trên, về các ứng dụng công nghệ chúng ta đang tiệm cận khá nhanh và tốt, nhưng về chất lượng và chuyển đổi nền tảng thì chúng ta còn khá hạn chế.

- Theo ông, báo chí có thể chuyển đổi số ở những hoạt động chuyên môn nào trong quy trình hoạt động của một tòa soạn?

Có ba nền tảng quan trọng để chuyển đổi số một tòa soạn, đó là: i) Nội dung; ii) Mô hình giá trị; iii) Kiến trúc nền tảng (platform).

Tòa soạn trong kỷ nguyên số cũng có thể hình dung như một “nhà máy nội dung” hiện đại với các dây chuyền sản xuất, những trung tâm R&D, những hệ thống lưu trữ-phân phối, và những kênh truyền thông dữ liệu.

Công nghiệp nội dung không chỉ nói đến một ngành sản xuất mà còn nói đến việc phải “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nội dung”, cho phép tối ưu hóa các “nguồn đầu vào” để tối đa hóa các “đầu ra” đa phương tiện, đa kênh, đa nền tảng. Chiến lược nội dung sẽ chức năng hóa tòa soạn trong tiến trình chuyển đổi số tòa soạn.

Mô hình giá trị đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình cấu trúc của một tòa soạn và quyết định những bước đi để tái định hình (reframing) lại các “dòng chảy” vận hành của tòa soạn, chuyển đổi tòa soạn sang kiến trúc nền tảng (hội tụ, mở).

Kiến trúc nền tảng sẽ quyết định đến các tiến trình và các cấu phần của một tòa soạn. Chuyển đổi sang kiến trúc nền tảng sẽ mạng lưới hóa các bộ phận trong tòa soạn và các bên liên quan trở thành một mạng lưới và cho phép tòa soạn vận hành theo cơ chế nền tảng để tối ưu hóa hiệu ứng mạng lưới.

- Thế giới đã bắt đầu sử dụng AI để viết báo. Việt Nam cũng đã có những cơ quan báo chí thử nghiệm công nghệ mới này để làm bản tin. Liệu AI có chiếm mất công việc của nhiều người làm báo và thứ nữa, theo ông, các tòa báo có nên đẩy mạnh việc sử dụng AI này không?

AI chỉ là một phương tiện, nó không thể là một phóng viên, cũng không thể thay thế phóng viên. Nếu như một phóng viên có thể bị thay thế bởi AI chỉ bởi tính phương tiện của nó thì những phóng viên đó mất việc cũng là cần thiết, điều đó đem đến cho tòa soạn tính hiệu quả.

Chúng ta cần học hỏi và tìm cách ứng dụng AI một cách hiệu quả vào tiến trình “làm báo” bởi tính hiệu dụng của nó, nhưng không được lạm dụng nó.

Việc dùng AI để thu thập, hỗ trợ phân tích và xử lý các dữ liệu sẽ giúp cho phóng viên làm việc hiệu quả hơn rất nhiều, giúp gia tăng chất lượng các tin tức và bài báo, cũng như góp phần cho việc tạo ra các nội dung báo chí tăng tốc được. Nhưng hiện nay, chúng ta đang nhầm hiểu việc thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu của AI và “đóng gói” thành một “đầu vào”, lại được hiểu rằng nó tạo ra “đầu ra”.

Giá trị của một phóng viên nằm ở việc vận dụng “đầu vào” mà AI tạo ra để chuyển hóa nó thành “thông tin” có giá trị, bao phủ lên nó phong cách của mình và những định tuyến để tiếp tục phát triển các thông tin đó thành các chuỗi giá trị. Đó cũng là vị thế đặc biệt của những phóng viên trong “nhà máy nội dung” của một tòa soạn trong kỷ nguyên số.

- Về kinh tế báo chí, thực tế là doanh thu của hầu hết cơ quan báo chí - không chỉ ở Việt Nam - đang sụt giảm mạnh, một phần đến từ khó khăn chung của nền kinh tế, phần vì áp lực cạnh tranh của các nền tảng truyền thông kiểu mới. Doanh thu báo chí phần nhiều vẫn đến từ quảng cáo, không nhiều tờ có doanh thu từ tường phí (paywall), ở Việt Nam thì càng ít. Theo ông, báo chí cần làm gì để thích ứng và "sống tốt"?

Vấn đề quan trọng có lẽ nằm ở việc chúng ta hiểu và định nghĩa kinh tế báo chí là gì, đâu là nền tảng của kinh tế báo chí? Các cơ chế vận hành? Cách thức tạo giá trị? Và rồi mới quyết định đến các phương tiện cần phải như thế nào? Chúng ta đang làm khá ngược khi chú trọng vào các phương tiện và rồi, lộn ngược lại cách thức, cơ chế, nền tảng.

Đây chính là nguyên nhân, là gốc rễ của vấn đề.

Lê Nguyễn Trường Giang 2.jpg

Để một tòa báo “sống được” theo tôi, phải đặt lại câu hỏi lý do tại sao và từ đâu tòa báo sinh ra, tồn tại? Chỉ khi hiểu được "mảnh đất" mà tòa báo "cắm rễ" trên đó, tòa báo sẽ nhìn thấy được những "nguồn dưỡng chất" nuôi dưỡng tòa báo của mình.

Sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam có một lịch sử rất đặc thù và khá khác với báo chí phương Tây, và chính cái đặc thù này lại càng làm cho "mảnh đất" nuôi dưỡng có một ý nghĩa quan trọng và quyết định. Hiểu được mảnh đất của mình sẽ biết cách tìm kiếm dưỡng chất và cách thức để đơm hoa, kết trái và lan tỏa được giá trị để hình thành nên chuỗi giá trị của mình.

Cần phải đảo ngược lại cách tư duy về việc tìm kiếm giá trị, từ chạy theo thị trường một cách thụ động, sang việc định vị lại mình để tạo ra những nền tảng và lợi thế cạnh tranh và tham gia vào thị trường một cách chủ động.

Tất nhiên, sự chuyển đổi này sẽ là cả một cuộc cách mạng đối với một tòa báo, bởi nó sẽ đảo lộn đến tận gốc rễ, đòi hỏi xem xét lại và tái định hình lại văn hóa, cách tư duy và cách một tòa báo vận hành.

Nó cũng đòi hỏi tòa báo phải có những con người mới, những đột phá và có thể là cả một sự lột xác thực sự.

- Áp dụng tường phí (paywall) có vẻ là một lựa chọn. Nhiều tòa báo trên thế giới đã thực hiện và cho thấy kết quả tích cực. Nhưng một số chuyên gia cho rằng muốn áp dụng "paywall" thì các tòa báo phải có nguồn lực rất lớn, một số vẫn gọi là trường vốn. Vậy thì, bài toán về kinh tế cho các tòa báo nhỏ cần giải thế nào?

Theo tôi quy mô không phải là vấn đề để người ta có sẵn sàng “paywall”, vấn đề nằm ở chất lượng.

Một “quán ăn” có thể rất lớn, nhưng chất lượng nhàng nhàng thì người ta cũng không sẵn lòng trả tiền nhiều lắm, có chăng vì nó tiện. Nhưng những người sành ăn, họ cũng sẵn sàng đến một quán nhỏ, nhưng có chất lượng đặc biệt, thậm chí có khi phải xếp hàng, chen chúc nhau trong những không gian chật hẹp.

Báo chí cũng vậy, hãy nhìn vào chất lượng như mục tiêu chứ không phải là quy mô. Công nghệ số đang cho phép các tòa báo có thể “nhỏ hơn” nhưng linh hoạt hơn, tốc độ hơn, thông minh hơn và phù hợp hơn.

Có một điều thường gặp, đó là chúng ta thích đi học các mô hình, mà ít dành đủ thời gian và tâm sức để đi tìm các quy luật.

Chuyển đổi báo chí và chuyển đổi số báo chí trong kỷ nguyên số không thể bằng cách đi học mô hình, mà phải bằng cách biết rõ, nắm chắc, hiểu sâu các quy luật vận hành và phát triển của kỷ nguyên số để rồi, định hình cho tòa báo của mình một hình thái phù hợp nhất với các điều kiện khả thể của mình.

- Ông có thể dự đoán về xu hướng báo chí trong tương lai? Đó có phải là sự lên ngôi của các nhà báo robot? Tin tức được stream trên mọi nền tảng IoT, người dùng vào thế giới metaverse để đọc báo, hay một hình thức công nghệ tiên tiến nào khác, thưa ông?

Báo chí trong tương lai sẽ là một loại hình tương tác theo thời gian thực, thay vì chỉ đóng vai trò “truyền tin” như truyền thống, báo chí sẽ trở thành một nền tảng (platform) cho phép đồng kiến tạo tin tức và tạo ra giá trị.

Báo chí sẽ trở nên nhân văn hơn, người hơn trong kỷ nguyên số chứ không phải sự lên ngôi của các công nghệ.

Di động, XaaS (Software-as-a-Service) và hệ thống thông minh (Smart-System) đó là những công nghệ có ảnh hưởng quan trọng đến việc tạo ra các giao thức (protocol) cho báo chí trong tương lai.

Tuy nhiên, sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu tòa báo không trở thành một nền tảng (platform).

PV: Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ!