Chuyển đổi số truyền hình: Tản mạn về “Lớn” và “Bé”

E-magazine Chuyển đổi số truyền hình: Tản mạn về “Lớn” và “Bé”

VietTimes – Đài Truyền hình là tổ chức lớn. Có lẽ sẽ không ai phủ nhận điều này, nhất là khi quan sát về mức độ ảnh hưởng của thông tin từ một số kênh truyền hình lớn. Nhưng...

Nhưng, phải chăng vì vậy mà trong các hành động của mình, nhiều Đài Truyền hình luôn giữ tâm thế của những “ông lớn”? Ngay cả với lĩnh vực chuyển đổi số, hàng chục tỉ, thậm chí là hàng trăm tỉ đồng đã được một số Đài ném vào “cuộc đua” với hy vọng xây dựng những “Hệ thống nội dung khổng lồ” giống như phương pháp mà truyền hình truyền thống đã làm.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là trong khi các “ông lớn” truyền hình mải mê về những mô hình to tát và loay hoay về hiệu quả của chuyển đổi số, thì lại có những “ông bé” chẳng liên quan gì đến truyền hình bỗng dưng xuất hiện và chứng minh rằng, trên thị trường số, ranh giới giữa “lớn” và “bé” vô cùng nhạt nhòa.

1.png

Khi đi trao đổi với các Đài Truyền hình bạn về những điều cần quan tâm trong quá trình chuyển đổi số, tôi thường hay nhận được những câu hỏi, kiểu như: “Chúng tôi muốn xây dựng một mô hình tòa soạn hội tụ thì phải làm thế nào?” hoặc “Mô hình nào phù hợp cho chúng tôi trong quá trình chuyển đổi số?”, hay “Phải đầu tư bao nhiêu tiền thì mới chuyển đổi số thành công?”

Để xem nào, hình như không dưới 5 lần tôi nhận được những câu hỏi như vậy.

Nói về chuyện này, tôi sực nhớ, một thời gian người ta rất hay thích dùng “Tòa soạn hội tụ” để phiếm chỉ mô hình tổ chức báo chí hiện đại. Mỗi người một cách định nghĩa khác nhau. Bản thân tôi chẳng biết định nghĩa thế nào về nó cả. Nhiều lúc, anh em đồng nghiệp hài hước chỉ vào bức ảnh mấy ông ngồi lê ở chợ lao động vỉa hè và nói đó là mô hình “Tòa soạn hội tụ”. À thì đúng rồi, anh em cùng ekip nếu không hội tụ thì chỉ có nước ra đường kiếm việc mà thôi.

nguyễn lê tân vtc (1).png

Thế còn “Mô hình chuyển đổi số nào hoàn hảo cho các Đài Truyền hình?” Câu chuyện này quá phức tạp đối với tôi. Tôi không thể đưa ra câu trả lời vì tôi không sống và làm việc trong các Đài Truyền hình đó. Chỉ có các đồng nghiệp của tôi, những người hiểu rõ nhất về Đài của họ mới có thể cung cấp câu trả lời đích đáng mà thôi.

Vậy “Phải đầu tư bao nhiêu tiền thì Đài Truyền hình mới chuyển đổi số thành công?” Câu hỏi này cũng làm cho tôi tắc tịt.

Đã có thời, không ít Đài Truyền hình nhầm lẫn giữa khái niệm “chuyển đổi số” và khái niệm “tin học hóa”. Vì thế, dễ hiểu khi một số Đài xây dựng các đề án chuyển đổi số mà mục đích chỉ hoàn toàn là mua sắm trang thiết bị kỹ thuật và củng cố năng lực bằng những hệ thống phần mềm rắc rối.

Cũng có thời, một số Đài Truyền hình định nghĩa chuyển đổi số là đưa nội dung lên Facebook, YouTube hay “sang chảnh” hơn là đầu tư một cái App.

Tôi không có ý định đào sâu phân tích về vấn đề này thêm lần nữa nhưng trong dòng suy nghĩ miên man, tôi bất chợt nhận ra rằng, có một điểm chung dường như mang tính cố hữu trong những câu chuyện kể trên. Đó có vẻ như là sự mặc định về tư duy và cách làm của những “ông lớn” khi các Đài tham gia chuyển đổi số.

Với truyền hình truyền thống, các Đài được đầu tư một hệ thống phát sóng khổng lồ, một hệ thống trang thiết bị sản xuất cũng khổng lồ và một bộ máy hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhân sự. Nhìn từ bên ngoài, những đầu tư này khiến các Đài Truyền hình trở nên lấp lánh.

Nhưng với truyền hình trên các nền tảng số, một số Đài bắt đầu nhận thấy nghịch lý khi hiệu quả có thể đã không tỷ lệ thuận với quy mô đầu tư. Đây là lý do khiến tôi luôn bế tắc trước các câu hỏi của đồng nghiệp, rằng đầu tư bao nhiêu tiền thì Đài Truyền hình mới chuyển đổi số thành công.

Nhưng cũng có lúc, trong một chương trình đào tạo nhóm nhỏ, tôi “liều” trả lời rằng, chúng ta hãy thử nghĩ bé lại, hãy hành động nhỏ lại vì trong quá trình chuyển đổi số, có rất nhiều đơn vị không phải những “ông lớn” truyền hình, thậm chí chẳng ai biết họ là ai, nhưng rốt cuộc, họ lại chuyển đổi thành công hơn chúng ta tưởng.

2.png

Tôi đính kèm bài viết này bức ảnh chụp trang quản trị một tài khoản YouTube. Tất nhiên, tôi không thể tiết lộ danh tính chủ sở hữu tài khoản và tên gọi hay đường dẫn của kênh YouTube này. Chỉ có thể chia sẻ rằng đây là kênh YouTube do một chàng trai 26 tuổi thiết lập. Bạn này hiện đang quản lý một công ty đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, nhưng chuyên sản xuất nội dung và phân phối ra thị trường các nước nói tiếng Anh hoặc tiếng Hàn, tiếng Nhật.

doanh thu (1).png

Nhìn vào mức doanh thu một tháng lên tới 131 nghìn USD, có thể bạn sẽ ồ lên, làm YouTube thật giàu có. Nhưng, bạn đâu biết, để xây dựng và phát triển một kênh nội dung như thế, chủ sở hữu của nó đã trải qua nhiều lần thất bại, thất bại rồi lại thất bại.

Trong cuộc “phỏng vấn” theo kiểu trà đá vỉa hè với tôi, anh bạn này hồn nhiên chia sẻ rằng, em chẳng biết mô hình nào cả. Chỉ đơn giản em thấy người ta làm được thì mình cũng làm được, khó mấy cũng làm. Và anh ta khởi đầu với số vốn dành dụm chỉ tính bằng chục triệu đồng. Sau nhiều năm, tất nhiên là sau nhiều lần trầy trật, anh ta cuối cùng cũng sở hữu một doanh nghiệp sản xuất và phân phối nội dung số với mức doanh thu vài tỷ đồng mỗi tháng.

Một câu chuyện khác nghe có vẻ gần với truyền hình hơn. Nhân vật của câu chuyện này chính là ông bố vợ tôi, một người tôi đã quá quen thuộc với những thói quen và sở thích, nhất là thói quen mở kênh thời sự buổi tối, thời điểm phát sóng bản tin Thời sự 19h. Có những lúc ông mở tivi vì thích theo dõi thông tin thời sự chính thống. Nhưng cũng có những lúc ông mở tivi chỉ đơn giản như một trình tự đã hằn sâu trong ý thức.

Ấy thế mà đột nhiên một ngày, những thói quen tưởng như không thể thay đổi đã thay đổi. Tôi không còn thấy ông theo dõi các bản tin thời sự trên tivi như thường lệ mà thay vào đó ông đọc các ứng dụng trên điện thoại để cập nhật thông tin lúc rảnh rỗi. Còn tivi, ông dành phần lớn thời gian để say sưa theo dõi những clip mà ông cho là chân thật của những nhân vật như Khoa Pug hay A Páo, những người mà trước khi ông giới thiệu, quả thật tôi đã không biết họ là ai.

Điều này khiến tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra rằng, có vẻ như những “ông lớn” truyền hình đang bị lấn sân bởi những “ông bé” không có xuất phát điểm từ truyền hình, cũng không bắt đầu bằng những bài toán hay mô hình to tát.

Nói tới đây, có thể bạn sẽ cho rằng, những so sánh này là khập khiễng vì bản thân các Đài Truyền hình và các cá nhân phát triển nội dung trên mạng xã hội là những thực thể khác nhau, môi trường khác nhau, tư duy và hành động hoàn toàn khác nhau. Các cá nhân này cũng chưa bao giờ là các đơn vị chuyên nghiệp và có chiến lược phát triển dài hạn.

nguyễn tân vtc.png

Tôi không đủ căn cứ để phủ định quan điểm này của bạn. Nhưng tôi sẵn sàng có thêm một ví dụ nữa. Đó là câu chuyện mà tôi mắt thấy tai nghe về một doanh nghiệp sản xuất nội dung phim hoạt hình ở Việt Nam.

Như nhiều đồng nghiệp, tôi đã không hề biết tên tuổi của doanh nghiệp này cho đến khi tham quan họ. Họ khởi đầu bằng sự cơ hàn, gian khổ chứ không phải bằng những đầu tư khổng lồ hay các mô hình hoành tráng. Những doanh nhân trẻ không tiết lộ với tôi về số vốn ban đầu nhưng họ gieo cho tôi niềm tin rằng, vốn liếng lớn nhất của họ là sự khát khao. Sau 10 năm, họ trở thành một công ty nghìn tỷ với hàng trăm nghìn tập phim cung cấp cho YouTube và gần đây là cho Netflix.

Một Giám đốc bộ phận của doanh nghiệp này chia sẻ với đoàn tham quan rằng, trên môi trường số không phải cứ làm lớn là thắng. Ví dụ, với lĩnh vực nội dung cho trẻ em, những tập phim 2D, kịch bản sáng tạo, được cung ứng nhanh, mức đầu tư thấp sẽ có khả năng lấn lướt. Nguyên nhân vì đối tượng tiếp cận là các em nhỏ lên 5, lên 3 – những khán giả có thể chưa khó tính đến mức đòi hỏi các sản phẩm quá phức tạp và quá kỳ công.

Điều đáng nói, không chỉ tạo giá trị từ quảng cáo số, họ sản sinh lợi nhuận cả từ việc xây một hệ sinh thái cho trẻ em với đa dạng các hình thức khác nhau từ đồ chơi, đồ lưu niệm cho đến khu giải trí thông minh tại các trung tâm thương mại lớn. Và trong hệ sinh thái đó, có cả kế hoạch cho một ứng dụng OTT nội địa, giống như sản phẩm mà nhiều Đài Truyền hình vẫn đang vật lộn để triển khai.

Những câu chuyện mà tôi kể bên trên không phải để dẫn dắt bạn đi xa khỏi vấn đề đang được bàn về các “ông lớn” truyền hình. Đó thực ra là cái cớ để tôi đưa bạn trở lại với một thực tế rất khắc nghiệt rằng, khi bước vào quá trình chuyển đổi số, các “ông lớn” truyền hình sẽ phải đối mặt với áp lực khủng khiếp từ rất nhiều “ông bé”.

Giờ thì quay trở lại với câu trả lời được gọi là “liều” của tôi trong chương trình đào tạo nhóm nhỏ cùng các đồng nghiệp. Lúc đó, tôi không đủ dữ liệu để chứng minh cho giả thiết các “ông lớn” truyền hình nếu tư duy và hành động theo cách mà các “ông bé” từng làm thì mọi chuyện sẽ thế nào. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng, biết đâu đấy, đây có thể là một đáp án khả thi cho cuộc chuyển đổi của chúng ta.

Tất nhiên, tôi chưa có gì để đảm bảo, các “ông lớn” nếu nghĩ bé đi và hành động nhỏ hơn thì 100% họ sẽ thành công. Nhưng, chiêm nghiệm từ chính bản thân chúng tôi, một đơn vị thuộc một Đài Truyền hình, sau vài năm trầy trật với chuyển đổi số, chúng tôi chợt nhận ra rằng, khi chưa hành động mình ngỡ tưởng là mình to lớn. Nhưng, khi phải hành động và càng hành động thật nhiều thì mình lại thấy mình càng bé đi. Hay nói cách khác, riêng với câu chuyện về chuyển đổi số, càng lớn lên, chúng tôi lại càng thấy mình nhỏ lại./.

* Tác giả: Nhà báo Nguyễn Lê Tân - Giám đốc Trung tâm Nội dung số VTC Now (Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC).

* Thiết kế: Văn Lâm