Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam – vốn là một nhà báo quân đội, một cây bút bình luận quốc tế nổi tiếng, dạn dày kinh nghiệm. Nhân dịp Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh câu chuyện làm nghề.
Ông từng học ngôn ngữ và văn học nước ngoài ở Rumani, nhưng khi về nước lại trở thành một người lính và làm báo. Đây là sự lựa chọn cá nhân, hay là sự sắp đặt của số phận, thưa ông?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Tôi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Bucarest (Romania), về nước đúng lúc cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đang diễn ra ác liệt và tôi gia nhập quân đội cùng một số sinh viên tốt nghiệp từ một số nước khác. Khi Tổ quốc cần thì chúng tôi sẵn sàng phục vụ, với tất cả nhiệt huyết và trách nhiệm, nên tôi không nghĩ đó là do số phận.
Còn làm báo thì là sự ngẫu nhiên. Cuộc sống chọn cho tôi nghề này. Ngẫu nhiên và thật may mắn. Chuyên ngành tôi được đào tạo phù hợp với việc nghiên cứu văn học, hay giảng dạy ở đại học. Nhưng rồi tôi trở thành phóng viên thường trú của Báo QĐND tại mặt trận biên giới phía Bắc. Đấy là thời gian trải nghiệm vô cùng quý báu.
Trong những ngày tháng sống cùng bộ đội ở biên giới phía Bắc, tôi đã viết những bài phóng sự được đánh giá là chân thực. Với chất liệu phong phú của đời sống chiến sĩ đầy hy sinh, đáng cảm phục và sự dữ dội của chiến tranh khi đó, tôi ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, cùng những rung cảm của mình trong những bài phóng sự ra đời như “Chuyện ghi ở đại đội phía trước” hay “Vệt mờ trên cò súng”… đăng trên báo QĐND.
Khi về Phòng Thời sự - Quốc tế của Báo QĐND, tôi bắt đầu làm báo về đời sống quốc tế, bắt đầu bằng những tin, bài tổng hợp, các bài phỏng vấn. Bài bình luận đầu tiên của tôi là về một sự kiện liên quan đến cuộc chiến tranh sinh học bằng vũ khí vi trùng chống đất nước Cuba anh em. Nhưng phải mất 10 năm, tôi mới cảm thấy bình luận thật sự là công việc của mình và có thể phát triển theo hướng này, khi viết được những bài bình luận được dư luận chú ý. Đó là thời điểm bắt đầu sự rung chuyển của đời sống chính trị quốc tế với sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu năm 1989, rồi sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991...
Ông từng được đồng nghiệp đánh giá là bình luận viên quốc tế hàng đầu, nhất là về cuộc chiến vùng Vịnh, trong đó, “Vùng Vịnh, thanh gươm chiến tranh đã rút khỏi vỏ” là bài báo rất nổi tiếng. Viết tác phẩm này, là sự mẫn cảm nghề nghiệp hay từ kiến thức thực tế của chính mình, thưa ông?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991 là sự kiện chấn động, đặc biệt là xảy ra vào lúc Liên Xô sụp đổ và sự tan vỡ của phe xã hội chủ nghĩa như một hệ thống thế giới.
Đó là thời điểm hết sức gay go đối với nhân loại, với những nước liên quan trực tiếp đến cuộc chiến. Đối với những người viết bình luận quốc tế, đây là thời điểm đầy thách đố, vì phải nói được đúng bản chất của sự kiện, đúng xu thế phát triển của tình hình, lại đúng với đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta. Đây là một thử thách, đầy áp lực với Báo QĐND - tờ báo có thế mạnh chính luận về các sự kiện chính trị - quân sự lớn.
Tôi theo dõi một cuộc chiến tranh vùng Vịnh từ khi bắt đầu xảy ra vào 2/8/1990. Vào thời điểm ngặt nghèo đó, từng ngày từng ngày một, tôi cảm nhận chiến tranh nhất định sẽ nổ ra, và dường như sẽ nổ ra ngay lập tức, nhưng không dễ gì đưa ra nhận định trên mặt báo.
Đến 16/1/1991, tôi viết bài bình luận “Vùng Vịnh, thanh gươm chiến tranh đã rút khỏi vỏ”, khẳng định chiến tranh sẽ nổ ra, nhân loại cần nắm lấy cơ hội nhỏ nhoi còn lại để cứu vãn hòa bình. Và sáng ngày 17/1, chỉ một ngày sau khi đăng bài bình luận đó, chiến tranh đã nổ ra! Bài bình luận đó được mọi người biết đến, có lẽ vì tôi đã phân tích thỏa đáng những nguyên nhân dẫn đến chiến tranh, khẳng định chiến tranh là thảm họa của thế giới, của các dân tộc bị cuốn vào vòng xoáy của nó và cũng tác động tiêu cực đến Việt Nam.
Theo ông, muốn làm một nhà báo giỏi, đặc biệt là một nhà bình luận quốc tế, cần những phẩm chất gì?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Với nhà báo nói chung, bản lĩnh chính trị được thể hiện trước hết bằng thái độ trước sự kiện, trước vấn đề mà xã hội quan tâm thông qua tác phẩm báo chí có sức thuyết phục. Muốn thế, phải có kiến thức sâu rộng về đời sống xã hội, về mối quan hệ giữa người với người.
Với người bình luận quốc tế, còn phải có kiến thức chuyên sâu về đời sống quốc tế, về mối quan hệ giữa các nước, các xung đột ở trên thế giới và cách thức giải quyết cũng như xu thế mà thế giới sẽ hướng đến. Có hai câu hỏi lớn luôn đặt ra và phải lý giải: Thế giới đang vận động theo trật tự nào và sẽ đi về đâu? Việt Nam sẽ đứng vững và đi lên như thế nào trong thế giới đang biến động sâu sắc?
Bên cạnh đó, người viết bình luận phải tiếp xúc được nguồn tin quan trọng, chính xác, tin cậy nhất. Muốn vậy, phải có những mối quan hệ cần thiết với những đối tượng nắm thông tin đó, là những người hoạch định chính sách, điều hành chính sách quốc gia. Tôi may mắn có được sự tin cậy của các đồng chí lãnh đạo ở các cấp khác nhau, nên luôn tham vấn, nắm tình hình, nhờ đó mà đánh giá, nhận thức chuẩn xác hơn, đúng đắn hơn.
Người làm bình luận quốc tế còn phải có khả năng giao tiếp với thế giới bên ngoài, bằng các nguồn tư liệu và cả những con người cụ thể. Báo QĐND là một trong những đầu mối được các cơ quan đối ngoại tin cậy để tổ chức các cuộc tiếp xúc quốc tế ngay tại Tòa soạn và tôi thường được dự với Tổng Biên tập, Thiếu tướng, nhà báo Trần Công Mân. Những cuộc tiếp xúc đó mở rộng cho tôi tầm nhìn về thế giới, biết người ta nghĩ về Việt Nam như thế nào và về các vấn đề đối ngoại của Việt Nam ra sao. Từ đó, giúp tôi tư duy độc lập khi nhận định, phân tích các vấn đề của thế giới và các vấn đề của thế giới liên quan đến Việt Nam; những vấn đề đối ngoại nóng bỏng, gay gắt, khó khăn, phức tạp của Việt Nam khi đó.
Khi đang là BLV quốc tế hàng đầu, ông lại sang làm TBT Báo Hànộimới. Ông có phải băn khoăn khi lựa chọn giữa 2 danh vị: một nhà báo lớn và một nhà quản lý tờ báo?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Tôi có gần 30 năm công tác ở Báo QĐND, làm gần như đủ công việc trong quy trình làm báo, nhưng tôi luôn nghĩ mình là nhà báo, nên dù ở vị trí nào, gần như không ngày nào tôi rời cây bút. Thời gian làm Phó Tổng biên tập Báo QĐND cũng là lúc tôi viết được những bài báo có dấu ấn.
Rồi Thành ủy Hà Nội mời tôi về làm Tổng Biên tập Báo Hànộimới. Lãnh đạo TP Hà Nội đã nhiều lần trao đổi ý kiến với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương và Tổng cục Chính trị. Cho tới lúc đó tôi không nghĩ là có ngày mình có thể rời khỏi Báo QĐND - nơi quá gắn bó máu thịt với tôi. Tôi phải mất gần nửa năm suy nghĩ, dù Tổng Biên tập báo Hànộimới là một vị trí quan trọng trong hệ thống báo chí Thủ đô và cả nước. Đêm trực xuất bản cuối cùng ở báo QĐND, từ Phòng Thư ký toà soạn về phòng làm việc riêng, nhìn bộ quân phục treo trên mắc áo, tự dưng tôi trào nước mắt.
Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị mời tôi đến để giao nhiệm vụ cũng hỏi tôi rất cởi mở: TP Hà Nội cần anh ở vị trí TBT Hà Nội Mới và Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị cũng cân nhắc rất nhiều, vì quân đội vẫn rất cần người như anh, nhưng Hà Nội lại đang có nhu cầu “nóng” như thế. Nếu anh nhất trí đi thì Quân đội mới trả lời Thành uỷ Hà Nội.
Trước đó, một lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội gọi điện cho tôi, nói rằng” Quân đội là của nhân dân và Thủ đô là của cả nước, nên anh về Hà Nội thì vẫn phục vụ nhân dân, phục vụ cả nước”. Câu nói rất giản dị, ngắn gọn đó đã thuyết phục tôi. Tôi đồng ý nhận nhiệm vụ mới.
Về làm Tổng Biên tập Báo Hànộimới, nhưng tôi không thay đổi tâm thế làm nghề, vẫn tiếp tục cầm bút và không chỉ viết về quốc tế, mà còn viết về những vấn đề nóng bỏng, liên quan đến sự phát triển của Hà Nội.
Sau khi làm TBT Báo Hànộimới, ông lại được giao làm Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Từ một nhà báo trở thành một nhà quản lý báo chí, có lúc nào ông phải đắn đo, cân nhắc khi xử lý công việc vì tâm thế một nhà báo hẳn luôn hiện diện trong ông?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Cả đời tôi chỉ có một nghề, là nghề báo. Nói thật là ban đầu, tôi không thiện cảm lắm với một vài người với cách thức làm công tác tuyên giáo có phần cứng nhắc và giáo điều. Nếu được chọn một trong hai công việc này, đương nhiên là tôi chọn nghề báo.
Nhưng khi tôi đang làm Tổng Biên tập Báo Hànộimới chưa được 2 năm rưỡi, đang đầy sự hứng khởi cùng anh em xây dựng đề án phát triển báo Hà Nội mới thành một tờ báo có tầm vóc quốc gia, thì Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội điều tôi sang làm Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ.
Tôi đã nhiều lần đề đạt với Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị rằng tôi chỉ hợp với nghề báo, xin chiếu cố cho nguyện vọng làm báo của tôi. Anh Nghị đã nói rất chân thành: “Ông về làm tuyên giáo thì có ai cấm ông viết báo đâu!”
Tôi về làm Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khi chưa là Thành ủy viên. Đây là điều chưa có tiền lệ trong lịch sử Đảng bộ Hà Nội. Thời điểm đó Hà Nội bước vào Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, công việc bề bộn; rồi hợp nhất Hà Nội - Hà Tây; cũng là lúc xảy ra nhiều vụ phức tạp như đòi đất có nguồn gốc tôn giáo vv… Đó là lúc đầy thách thức của công tác tuyên giáo và người đứng đầu ngành tuyên giáo Hà Nội phải chịu áp lực rất lớn.
Thực ra giữa báo chí với tuyên giáo chả có gì mâu thuẫn cả. Bởi báo chí là một công cụ sắc bén của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Tôi đã dùng báo chí để phục vụ công tác tuyên giáo và thực sự là rất hiệu quả.
Trong sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, việc làm báo có rất nhiều khó khăn và thách thức. Ông nhìn nhận thế nào về tình hình báo chí hiện nay?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Tôi thường nhìn thấy trước hết là cơ hội. Vấn đề là mình có nắm bắt được cơ hội không, có khiếp sợ dòng chảy cuồn cuộn của công nghệ cuốn phăng mình không? Nếu thấy là cơ hội, cần nắm bắt để tạo sức mạnh mới. Trên thế giới, nhiều cơ quan báo chí đã từng bước vượt qua thách thức đó và thành công.
Ở Việt Nam cũng thế, đã có những cơ quan báo chí thành công, nhưng không phải tất cả, vì bên cạnh thuận lợi thì mạng xã hội và các nền tảng công nghệ xuyên biên giới đang tạo áp lực rất mạnh lên báo chí. Nếu chúng ta chỉ làm nghề theo cách thức thông thường chắc chắc chắn sẽ bị cuốn phăng.
Báo chí Việt Nam đang đứng trước một cuộc chuyển mình mạnh mẽ, sâu sắc chưa từng có về cách thức và phương thức làm nghề. Nhưng lý tưởng, đạo đức, tâm thế làm nghề thì không thể khác: khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, vì lợi ích của cộng đồng, đất nước và nhân dân.
Một số cơ quan báo chí của Việt Nam bị hối thúc chạy đua để là “người số một“ trong việc đưa tin. Ở một vài thời điểm nhất định, cái đó có thể đưa đến một lượng view nào đó, nhưng nếu phương hướng phát triển tờ báo chỉ là thế thì chắc chắn sẽ thất bại trong thời đại truyền thông kỹ thuật số. Báo chí không thể chạy đua với mạng xã hội về tốc độ đưa tin, nhưng báo chí sẽ phải vượt trội bằng tính chuyên nghiệp, trách nhiệm xã hội và đạo đức người làm báo.
Có hai vấn đề: Một là nội dung. Hai là công nghệ. Nội dung có tính quyết định, là trái tim của báo chí. Sức thuyết phục, độ tin cậy mới là quyết định, thậm chí, là sự sống còn của báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số.
Nếu gọi nội dung là vua, thì công nghệ phải là nữ hoàng. Chúng ta phải kết hợp được hai yếu tố này trong một tác phẩm báo chí, sẽ có hiệu quả xã hội. Báo điện tử bây giờ có các dạng thức như Longform, E-Magazine, Podcast, Megastory,vv…là công nghệ và nội dung đã hòa vào nhau trong từng thao tác nghiệp vụ.
Một số tờ báo trên thế giới có công thức là cứ ba người làm nội dung thì có một người làm công nghệ để làm ra một tác phẩm báo chí. Có thể ở Việt Nam chưa làm được thế, nhưng đó là một thực tế kinh nghiệm chúng ta cũng nên tham khảo.
Tôi thấy Viettimes - cơ quan ngôn luận của VDCA - cũng đang đi theo hướng nội dung gắn với công nghệ.
Từ kinh nghiệm của một nhà báo nổi tiếng, theo ông, nhà báo muốn có dấu ấn riêng thì nên làm thế nào?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Khi cầm bút, tôi chỉ nghĩ viết thế nào để thuyết phục được bạn đọc của mình. Nếu có dấu ấn thì đó là kết quả đương nhiên của việc mình làm tốt, chứ không phải cứ nhăm nhăm viết để tạo dấu ấn. Không có nhà báo nào bỗng dưng tạo dấu ấn không phải bằng chất lượng tác phẩm.
Một vài chiêu thức nổi danh không phải bằng nghiệp vụ sẽ sớm lộ tẩy và chỉ là thứ váng bọt thoáng qua, không bao giờ là giá trị thực, còn giá trị thực luôn ở trong lòng công chúng. Người ta bảo báo chí là “quyền lực thứ tư”, tôi nghĩ, điều đó không phải là do báo chí tự nhiên có mà chính xã hội và cộng đồng đặt niềm tin thì báo chí mới có quyền lực ấy. Cho nên, nhà báo muốn có dấu ấn với bạn đọc, hãy bằng chính tác phẩm báo chí có chất lượng.
Thế hệ làm báo trước không chỉ rất giỏi về chuyên môn, mà gần như không bị phàn nàn gì về đạo đức. Nhưng gần đây, nhiều người phàn nàn về về đạo đức của một bộ phận người làm báo. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Chúng ta có một đội ngũ những người làm báo rất đáng tự hào qua các thời kì với tinh thần dấn thân và cống hiến. Số đông người làm báo có đạo đức và có lý tưởng làm nghề, nhưng cũng có một bộ phận mang danh báo chí có những biểu hiện vi phạm luật pháp, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, như dạng “phóng viên IS”, “phóng viên đếm tầng”, “phóng viên đánh đấm”, lợi ích nhóm, dùng nghề để vụ lợi, hay hiện tượng sáng đăng - trưa gặp - chiều gỡ.
Những hành vi như thế làm giảm vai trò và uy tín của báo chí đối với xã hội, làm tổn hại thanh danh, lòng tự trọng của những người làm báo chân chính. Khi tôi làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà báo, thì cũng phải xử lý một số vụ việc vi phạm về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, có vụ phải xử lý bằng hình sự, đau lòng lắm! Có nhà báo tinh thông nghiệp vụ, thậm chí rất giỏi biện luận, nhưng lại vi phạm về đạo đức, thì càng gây hại cho xã hội.
Số người vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí rất ít so với những người làm tốt, nhưng tác hại của nó vô cùng nghiêm trọng. Nó khiến người ta nhìn những người làm báo thiếu thiện cảm, lánh xa báo chí, vì xã hội trao cho anh nghề báo để phục vụ xã hội, thì anh lại dùng nghề đó để vụ lợi.
Để xây dựng nền báo chí cách mạng giàu tinh thần chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, Hội Nhà báo Việt Nam cùng với các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để mà chấn chỉnh tình trạng đáng lo ngại này. Đạo đức nghề nghiệp là sự sống còn của hoạt động báo chí. Đang có những chuyển biến tốt, khi hiện tượng sai phạm, sáng đăng - trưa gặp - chiều gỡ, “phóng viên IS”, gây sức ép với doanh nghiệp cũng bớt đi nhiều.
Quy hoạch báo chí đã góp phần làm giảm đi tiêu cực trong làng báo - vấn đề mà nhà báo Hữu Thọ từng day dứt là "chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như hiện nay." Cũng bởi việc các tờ báo phải tự lo đã khiến tòa soạn trút “gánh nặng” cho phóng viên, đã tạo áp lực để phóng viên làm liều. Về vấn đề này ông có ý kiến gì?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Việc báo chí phải vật lộn với cơm áo gạo tiền là một thực tế không vui của đời sống báo chí hiện nay. Bởi nếu bị cuốn vào đó, báo chí sẽ khó có thể khách quan, công tâm, đàng hoàng để làm tốt việc của mình.
Cho nên, ngoài nỗ lực của các cơ quan báo chí, rất cần sự hỗ trợ của cơ quan chủ quản, đặc biệt là tạo các cơ chế, chính sách phù hợp liên quan đến báo chí.
Khi xác định báo chí là một công cụ, một vũ khí quan trọng của Đảng, Nhà nước thì phải cần hỗ trợ kinh phí cần thiết cho báo chí hoạt động. Kinh tế báo chí là một vấn đề lớn mà muốn giải quyết tốt, phải cần một đề án tổng thể ở tầm quốc gia. Trong đó, Nhà nước có một khoản ngân sách cần thiết cho báo chí, rồi tiến đến các đơn đặt hàng và thực hiện một cách bài bản, lâu dài chứ không theo kiểu ăn đong hiện nay là đặt hàng khi có tình huống cụ thể.
Cùng với đó là thuế báo chí. Nên giảm xuống mức thấp nhất có thể. Không thể coi cơ quan báo chí như một doanh nghiệp. Tôi nghĩ, lợi nhuận của báo chí không phải là chuyện làm ra bao nhiêu tiền, mà lợi nhuận lớn nhất chính là hiệu quả của báo chí đối với xã hội, bằng việc cung cấp thông tin cần thiết để từ đó xã hội được thụ hưởng thông tin tốt, tích cực, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng hình ảnh và uy tín quốc gia.
Là Phó Chủ tịch VDCA, theo ông, Hội cần làm gì để góp phần xây dựng nền báo chí?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: VDCA có vai trò ngày càng được khẳng định trong đời sống xã hội hiện nay. Đối với báo chí, tôi nghĩ là có hai việc mà Hội Truyền thống số Việt Nam có thể làm tốt.
Thứ nhất, là bảo vệ bản quyền báo chí. Vấn đề vi phạm bản quyền nhức nhối nhiều năm qua, ở các mức độ khác nhau. Cơ quan báo chí và các nhà báo cũng chịu thiệt hại vì bị vi phạm bản quyền, làm cho tính chính quy của hoạt động báo chí bị ảnh hưởng. Vi phạm bản quyền ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của báo chí.
Tới đây, Hội nhà báo Việt Nam cùng với VDCA có kế hoạch tổ chức hội thảo về bảo vệ bản quyền báo chí. VDCA cũng đã có Trung tâm Bảo vệ bản quyền số, trong đó, nhấn mạnh việc bảo vệ bản quyền báo chí. Hội cũng sẽ có nhiều hoạt động tích cực hơn nữa để bảo vệ bản quyền báo chí.
Thứ hai là chuyển đổi số báo chí. Một số cơ quan báo chí lớn, có tiềm năng thì xây dựng nền tảng số riêng, còn các cơ quan báo chí nhỏ hơn thì có thể dùng nền tảng số chung do Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ. Nhà nước hiện đang xây dựng đề án Chuyển đổi số báo chí quốc gia, tôi mong muốn VDCA sẽ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện đề án này. Khi đề án được ban hành, VDCA sẽ phát huy tinh thần chủ động, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, với các cơ quan báo chí để thực hiện chuyển đổi số báo chí thành công.
Xin cám ơn ông đã dành cho VietTimes cuộc trò chuyện!
Thực hiện: Thanh Hằng
Thiết kế: Văn Lâm