Các vụ nổ Mặt trời xảy ra khi một vùng từ trường lớn trên bề mặt Mặt trời bị sụt lún. Khi đó, một một đám mây năng lượng sẽ được giải phóng vào không gian. Nếu bay đến Trái đất, chúng sẽ gây ra bão địa từ, có khả năng làm hư hại các vệ tinh không gian, hệ thống định vị toàn cầu, thậm chí phá hỏng cả mạng lưới điện dưới đất.
Những vụ nổ Mặt trời siêu mạnh có sức công phá gấp 10.000 lần những vụ nổ thông thường. Một số nghiên cứu trước đây cho rằng Mặt trời không có khả năng tạo ra một vụ nổ siêu mạnh. Tuy nhiên, theo Daily Mail, một nhóm nhà khoa học quốc tế khẳng định dù xác xuất thấp nhưng vẫn có thể xảy ra một vụ nổ Mặt trời siêu mạnh ở Thái Dương Hệ.
Các vụ nổ siêu mạnh thường xuất hiện ở những ngôi sao có từ trường lớn hơn Mặt trời. Nếu từ trường yếu như Mặt trời thì rất khó tạo ra một vụ nổ đủ sức quét sạch khí quyển trên Trái đất, nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Christoffer Karoff tại Đại học Aarhus, Đan Mạch dẫn đầu, cho biết.
Vụ nổ Mặt trời siêu mạnh có thể phá hủy khí quyển. Ảnh minh họa: Daily Mail
Nghiên cứu cho thấy có khoảng 10% các ngôi sao xảy ra vụ nổ siêu mạnh lại có kích thước và từ trường bằng hoặc yếu hơn Mặt trời.Nhóm đã nghiên cứu gần 100.000 ngôi sao trên khắp vũ trụ, bằng cách phân tích quang phổ, họ có thể đo được nhiệt độ và từ trường của chúng.
“Điều này cho thấy Mặt trời vẫn có khả năng tạo ra một vụ nổ siêu mạnh”, Karoff cho biết. Vụ nổ như vậy có thể quét một cơn bão địa từ khủng khiếp đến Trái đất và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Không chỉ các thiết bị điện tử trên Trái đất mà cả khí quyển, thứ hỗ trợ sự sống trên hành tinh, cũng sẽ bị phá hủy. Ngoài ra, các nghiên cứu địa chất cho thấy rất có thể một vụ nổ Mặt trời siêu mạnh từng xảy ra vào năm 775. Tuy nhiên, nguồn năng lượng của vụ nổ có lẽ chỉ ở mức thấp.
Theo Zing