Hai sao chổi liên tiếp bay sát địa cầu

Sao chổi đầu tiên bay gần trái đất trong ngày 21/3 theo giờ Mỹ trong khi một sao chổi nhỏ hơn áp sát hành tinh xanh vào ngày 22/3.
Hình minh họa vị trí của hai sao chổi bay gần địa cầu hôm 21/3 và 22/3. Ảnh: NASA
Hình minh họa vị trí của hai sao chổi bay gần địa cầu hôm 21/3 và 22/3. Ảnh: NASA

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo sao chổi mang tên 252P/LINEAR sẽ cách địa cầu khoảng 5,2 triệu km trong ngày 21/3 theo giờ Mỹ, Daily Mail đưa tin.

Các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Thiên thạch gần trái đất Lincoln (LINEAR) thuộc Viện Công nghệ Massachusetts phát hiện sao chổi này vào tháng 4/2000. Chiều dài của nó khoảng 228 m.

Một thiên thạch khác tiếp tục bay sát trái đất hôm 22/3. Một số nhà nghiên cứu của Đại học Hawaii mới phát hiện nó vài tháng trước nhờ kính thiên văn PanSTARRS trên đảo Maui, quần đảo Hawaii hôm 22/1. Họ gọi sao chổi là P/2016 BA14. Nó sẽ cách địa cầu khoảng 3,5 triệu km. Đây là cự ly ngắn thứ ba giữa sao chổi và trái đất.

Điều lạ lùng là hai sao chổi di chuyển theo quỹ đạo gần giống nhau nên giới thiên văn dự đoán chúng từng là một vật thể trước khi tách ra. P/2016 BA14 có kích thước bằng khoảng một nửa 252P/LINEAR.

"Rất có thể P/2016 BA14 là một mảnh vỡ tách ra từ 252P/LINEAR", Paul Chodas, người quản lý Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần địa cầu thuộc NASA, phát biểu.

Sao chổi là thiên thể có thành phần chủ yếu là băng. Đa số sao chổi có quỹ đạo elip rất dẹt. Khi sao chổi tới gần mặt trời, nhiệt từ mặt trời khiến băng bốc hơi. Ap suất của gió mặt trời tạo nên các đuôi bụi và đuôi khí có hình dạng giống cái chổi.

Theo Zing