Trong số 7 phi hành gia tử nạn trên con tàu có cô giáo Christa McAuliffe (37 tuổi) ở Concord, bang New Hampshire, người được chọn từ hơn 11.000 ứng viên dân sự cả nước tham gia phi hành đoàn và dự định sẽ giảng các bài học từ trên không gian cho học sinh cả nước Mỹ xem trực tiếp qua truyền hình. Tuy nhiên điều này đã không xảy ra.
Cả nước Mỹ bị sốc khi chứng kiến cảnh con tàu nổ tung khi xem truyền hình trực tiếp buổi phóng. Học sinh tiểu học trên cả nước Mỹ khi đó được nghỉ học, tập trung ở trường xem buổi phóng tàu con thoi và dự kiến xem buổi giảng bài đầu tiên từ vũ trụ của cô giáo McAuliffe. Nhiều trẻ em và cả người lớn bật khóc khi chứng kiến tai nạn bi thảm này.
Tai nạn với cô giáo McAuliffe là một đòn giáng vào tham vọng của Tổng thống Ronald Reagan khi vào năm 1984 yêu cầu NASA đưa người tuyển chọn từ công chúng tham gia bay cùng phi hành gia tàu con thoi, và nhất thiết phải là giáo viên. Hơn 11.000 ứng viên gửi đơn và chỉ có cô giáo Christa McAuliffe được chọn, còn cô giáo Barbara Morgan là người dự bị.
Phi hành đoàn tàu con thoi Challenger. Hàng trước, từ trái sang: phi công Mike Smith, chỉ huy Dick Scobee, Ron McNair. Hàng sau từ trái sang: chuyên gia Ellison S. Onizuka, cô giáo Sharon Christa McAuliffe, chuyên gia Greg Jarvis, chuyên gia Judy Resnik - Ảnh: NASA |
Tàu con thoi Challenger cất cánh - Ảnh: tư liệu Michael Hindes |
Bảy phi hành gia trên con tàu Challenger có chỉ huy Francis 'Dick' Scobee (46 tuổi), phi công phụ Michael Smith (40 tuổi), cô Judith Resnik (36), Ellison Onizuka (39), Arnold McNair (35), kỹ sư vệ tinh Gregory Jarvis (41) và cô giáo Christa McAuliffe (37 tuổi).
Nguyên nhân tai nạn được cho là từ 2 vòng đệm cao su hình chữ O, dùng để giữ hỗn hợp khí đốt áp suất cao bên trong tên lửa đẩy không thoát ra ngoài. Nhưng cả 2 vòng đệm này đã bị hư hỏng do thời tiết giá lạnh vào buổi sáng phóng con tàu, nên mất khả năng đàn hồi và khả năng chịu áp lực, làm hở các khớp khiến khí gas áp suất cao phụt ra từ đó, bắt lửa gây nổ tung cả con tàu.
Đáng nói là các kỹ sư của hãng Morton Thiokol, nơi sản xuất tên lửa đẩy đã khuyến cáo ngừng phóng tàu vì lo ngại thời tiết giá lạnh có thể làm hỏng vòng đệm cao su chữ O. Tuy nhiên lãnh đạo tập đoàn do sức ép từ NASA đã bỏ qua cảnh báo này, theo điều tra sau đó. Và lúc 11 giờ 38 ngày 28.1.1986, tàu con thoi cất cánh để rồi 73 giây sau nổ tung từ độ cao 14 km.
Và nổ tung sau 73 giây - Ảnh: Reuters |
Các phóng viên kinh hoàng và bật khóc khi chứng kiến tai nạn - Ảnh: Corbis |
Đến năm 2003, tàu con thoi Columbia khi quay về trái đất ngày 16.1.2003 đã nổ tung trên không, làm chết toàn bộ 7 phi hành gia, nguyên nhân là một mảnh gốm chịu nhiệt gắn nơi cánh con tàu bị rơi ra trong lúc phóng lên không gian mà chẳng ai biết. Một uỷ ban điều tra sau này kết luận NASA đã biết các mảnh gốm chịu nhiệt gắn ngoài thân tàu con thoi có vấn đề hay bị bung ra qua ít nhất 6 lần phóng mà chẳng có biện pháp khắc phục.
Chiếc tàu con thoi đầu tiên mang tên Enterprise được chế tạo hoàn tất vào năm 1976. Con tàu này chưa một lần lên quỹ đạo vũ trụ. Nó được các chuyên gia không gian của Mỹ sử dụng để bay thử nghiệm và nghiên cứu nhằm ứng dụng công nghệ hạ cánh cho các tàu mới.
Vị trí vòng đệm cao su bị hở khiến hỗn hợp nhiên liệu thoát ra và bắt lửa gây nổ tung con tàu |
Một mảnh vỡ của tàu Challenger được vớt lên sau đó - Ảnh: NASA |
Đến năm 1979 chiếc thứ hai - Columbia và năm 1982 là hai chiếc: Challenger, Discovery ra đời. Atlantis được sản xuất vào năm 1985 và tàu con thoi cuối cùng Endeavour ra đời năm 1991, thay thế cho tàu Challenger bị nổ tung vào năm 1986. Tất cả các tàu này chỉ có thể sử dụng cho các sứ mệnh ngắn ngày, bởi chúng không có hệ thống pin năng lượng mặt trời. Việc hạ cánh tàu con thoi cũng tương tự như máy bay, nhưng chỉ khác là đường băng của nó dài hơn chuẩn thông thường: 4,6 km.
Từ thời điểm tàu Columbia được phóng lên vũ trụ lần đầu tiên vào ngày 12.4.1981, tổng cộng đã có 135 lần các tàu con thoi lên quỹ đạo.
Ngày 21.7.2011, tàu con thoi Atlantis lần cuối cùng hạ cánh xuống sân bay vũ trụ ở Cape Canaveral, bang Florida, chính thức chấm dứt 30 năm sử dụng tàu con thoi chinh phục vũ trụ của NASA - một trong những chương trình vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Các tàu con thoi sau đó được đưa vào viện bảo tàng.
Ngày nay việc đưa người vào không gian Mỹ phải nhờ đến Nga và đang chọn các nhà thầu tư nhân ở Mỹ tham gia dịch vụ phóng phi thuyền có người điều khiển. Đã có các hãng tham gia thầu phóng phi thuyền cho NASA như SpaceX, Blue Origin…
Xem video khoảnh khắc cuối cùng của tàu con thoi Challenger ngày định mệnh 28.1.1986: