Vì sao Trung Quốc dồn dập đầu tư vào startup Đông Nam Á?

Alibaba và Tencent – hai gã khổng lồ Trung Quốc – đang đổ không ít công sức và tiền bạc vào hệ sinh thái startup Đông Nam Á, nguyên do đến từ đâu?
Hình minh họa (nguồn Internet)
Hình minh họa (nguồn Internet)

Không phải Google, Facebook hay Microsoft, bộ đôi Alibaba và Tencent của Trung Quốc mới chính là thế lực lớn đứng sau các khoản vốn đầu tư vào những startup hứa hẹn nhất Đông Nam Á. Dường như họ đã nhận ra tiềm năng của khu vực và đang hành động để không bỏ lỡ bất kỳ điều gì.

Vì sao Trung Quốc dồn dập đầu tư vào startup Đông Nam Á? ảnh 1

Thị trường nhiều hứa hẹn

Từ lâu, Đông Nam Á là địa bàn kinh doanh lý tưởng đối với các nước láng giềng. Ngoài khía cạnh công nghệ, nơi đây là nhà của hơn 600 triệu người với 6 thị trường chính là Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Trong kỷ nguyên số, smartphone cũng là chất xúc tác quan trọng. Tương tự Ấn Độ, người dùng Internet Đông Nam Á chủ yếu lướt web trên di động, nhiều người bỏ qua PC và lên mạng bằng điện thoại, máy tính bảng.

Báo cáo của Google đồng tác giả năm 2016 cho thấy khu vực có 260 triệu người dùng Internet với 3,8 triệu người online mỗi tháng, con số có thể tăng lên 480 triệu người vào năm 2020. Dù chưa thể đạt đến mức độ như Trung Quốc, nó có nghĩa rằng cùng với Ấn Độ, đây là khu vực hứa hẹn nhiều tiềm năng công nghệ.

Cũng trong báo cáo này, nền “kinh tế Internet” của khu vực được dự báo đạt giá trị 200 tỷ USD năm 2025, tăng gấp 6,5 lần so với năm 2015. Chỉ riêng thương mại điện tử được mong đợi tăng từ 5,5 tỷ USD năm 2015 lên 88 tỷ USD năm 2025, một nửa đến từ Indonesia, quốc gia lớn thứ 4 thế giới.

Từ quan tâm đến đầu tư

Trong năm qua, các công ty Trung Quốc đang đi từ quan sát đến hành động. Tháng 4/2016, Alibaba rót 1 tỷ USD vào Lazada, đại diện cho khoản đầu tư lớn đầu tiên đến từ một doanh nghiệp Trung Quốc. Tiếp đến, tháng 6/2017, đại gia này chi thêm 1 tỷ USD khác để sở hữu 83% cổ phần Lazada. Nhân cơ hội, sàn giao dịch mở rộng sang lĩnh vực tạp hóa với việc mua lại Redmart của Singapore, đồng thời ra mắt dịch vụ tương tự Amazon Prime thông qua hợp tác với Netflix và Uber. Amazon được đồn chuẩn bị tiến vào Đông Nam Á trong năm nay.

Alibaba không dừng lại ở đây. Họ cũng thực hiện nhiều khoản đầu tư vào công nghệ fintech (tài chính ngân hàng) ở Đông Nam Á qua tổ chức tài chính Ant Financial. Ant Financial giao dịch với một vài cái tên như Ascend Money (Thái Lan), Mynt (Philippines), Emtek (Indonesia) và M-Daq (Singapore).

Trong khi đó, Tencent đầu tư vào công ty truyền thông Sanook của Thái Lan, chi 19 triệu USD vào doanh nghiệp truyền thông liên doanh với Ookbee, một công ty khác của Thái. Về sản phẩm, gã khổng lồ Internet tăng cường thúc đẩy dịch vụ âm nhạc Joox tại Đông Nam Á, đầu tư vào ứng dụng hát karaoke Smule của Mỹ đang có kế hoạch mở rộng địa bàn châu Á.

Vinnie Lauria, đối tác sáng lập tại hãng đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures, nhận định Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội trong không gian thương mại điện tử, thanh toán và chợ điện tử Đông Nam Á.

Cuộc chiến của những kẻ đồng hương

Các giao dịch kể trên mới là phần nổi của tảng băng chìm. Còn nhiều thương vụ khác đang chờ được công bố hoặc đàm phán. Theo TechCrunch, Tencent và Alibaba đã thảo luận với ít nhất hơn 10 startup hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử hoặc fintech Đông Nam Á.

Vì sao Trung Quốc dồn dập đầu tư vào startup Đông Nam Á? ảnh 2

Grab được cho là chuẩn bị nhận đầu tư từ Alibaba.

Hiện tại, cuộc chiến giữa hai đối thủ đồng hương đang lấn sang dịch vụ đi chung xe. Alibaba được dự đoán nằm trong nhóm các nhà đầu tư đứng sau vòng gọi vốn mới của Grab. Hãng còn được đồn đã thảo luận với Go-Jek, đối thủ của Grab và Uber tại Indonesia. Dù vậy, đến cuối cùng, Go-Jek lại đồng ý nhận đầu tư từ Tencent.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, đối tác chiến lược của Tencent - JD.com - đang có liên hệ mạnh mẽ với một khoản đầu tư vào Tokopedia của Indonesia, trước đây từng được SoftBank rót vốn. Tuy nhiên, một nguồn tin của TechCrunch tiết lộ Alibaba cũng đang đề nghị đầu tư. Mối quan hệ bền vững giữa Alibaba và SoftBank có thể là yếu tố quyết định trong vụ này.

Dù Alibaba và Tencent là những người đầu tiên và nặng đô nhất đầu tư vào startup Đông Nam Á, nhiều người cho rằng các tên tuổi khác của Trung Quốc sẽ tiếp nối. Singapore - trung tâm của hệ sinh thái khu vực - tiếp tục thu hút mối quan tâm từ các doanh nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm Trung Quốc. JD.com cũng đang đầu tư và tìm kiếm cơ hội trong khu vực.

Khác với Trung Quốc, các doanh nghiệp công nghệ Mỹ tăng cường sự hiện diện tại Đông Nam Á nhưng tập trung quanh việc địa phương hóa sản phẩm, bán hàng và tiếp thị thay vì đầu tư. Google và Facebook mở nhiều văn phòng tại các quốc gia khác nhau.

Google gần đây mua ứng dụng chat để trang bị cho bộ phận “Next Billion”, với nhiệm vụ thay đổi các dịch vụ sẵn có và tạo ra dịch vụ mới cho các thị trường đang phát triển như Ấn Độ, Đông Nam Á và châu Phi. Facebook và Twitter nằm trong số các “đại gia” thực hiện các dự án nghiên cứu thị trường chuyên sâu từ lâu nhằm tìm hiểu thêm về cách người dùng ở đây sử dụng Internet. Facebook thậm chí còn thử nghiệm tính năng thanh toán tại Thái Lan để tìm hiểu tiềm năng của thương mại mạng xã hội.

Kết quả của các nỗ lực này góp phần hình thành những sản phẩm như Facebook Lite hay ứng dụng web di động mới của Twitter, song không một công ty phương Tây nào xâm nhập sâu vào hệ sinh thái startup với ảnh hưởng lớn như các đối thủ đến từ Trung Quốc.

Theo ICTNews(nguồn TechCrunch)

http://ictnews.vn/kinh-doanh/vi-sao-trung-quoc-don-dap-dau-tu-vao-startup-dong-nam-a-157472.ict