Vì sao người dùng cần quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình?

Dữ liệu cá nhân chính là "nhiên liệu" để nền kinh tế kĩ thuật số có thể vận hành. Vì vậy, cách mà chúng được sử dụng hay ai có quyền sử dụng chúng nên là quyền lợi của mỗi chúng ta.
Hình minh họa
Hình minh họa

Theo báo Anh TheTelegraph, "quyền được lãng quên" nghe như một cuốn tiểu thuyết, với những lời lẽ kì lạ. Hãy thử tưởng tượng nếu bạn có thể đơn giản xóa đi những kí ức của mọi người tại một thời điểm nhất định, như khi bạn vấp ngã liên tục hay ăn mặc một cách không phù hợp khi dự tiệc. Tuy nhiên, khi sống ở một kỉ nguyên kĩ thuật số, quyền được lãng quên là một vấn đề nghiêm trọng. Nó là sự bảo đảm về quyền riêng tư và quyền kiểm soát, những quyền lợi mà chúng ta từng mong đợi trước đây.

Trong khi chúng ta còn đang bận nhìn chằm chằm vào màn hình, đánh mật khẩu hay đánh dấu vào các ô nhỏ, nhận thức của chúng ta về những gì được coi là "bình thường" và những điều tạo nên sự riêng tư trong thế giới trực tuyến đã bị hao mòn. Đó là cho đến bây giờ.

Việc công bố của Dự luật Bảo vệ Dữ liệu (Data Protection Bill) vào ngày 7/8 vừa qua là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo rằng chúng ta nắm quyền kiểm soát thông tin cá nhân của mình. Như Matt Hancock, Bộ trưởng Bộ Kĩ thuật số của Anh đã từng nói, dự luật này cho người dùng "quyền được lãng quên". Điều này có nghĩa là chúng ta có thể yêu cầu các doanh nghiệp xóa dữ liệu của mình. Ngoài ra, dự luật cũng sẽ cho phép chúng ta thu hồi sự chấp thuận sử dụng dữ liệu từ một doanh nghiệp một cách dễ dàng, đồng thời các công ty sẽ phải đạt được sự đồng ý một cách rõ ràng trước khi có thể sử dụng chúng.

Chúng ta giao một lượng lớn dữ liệu cá nhân cho các công ty như Facebook, thường theo một cách thiếu suy nghĩ (ảnh: Reuters)

Đường ranh giới của những điều được chấp nhận đang được viết lại, để các doanh nghiệp và thương hiệu của họ phải làm nhiều hơn để có được dữ liệu cá nhân của chúng ta. Nhưng vậy vẫn chưa đủ, vì dữ liệu của chúng ta là một tài sản có giá trị và là thứ mà các công ty muốn. Chúng ta cần phải được cất lên tiếng nói về cách mà chúng được sử dụng, ai được sử dụng chúng, đồng thời chúng ta cũng phải có tùy chọn được giữ bí mật.

Tuy nhiên, quy định mới sẽ làm nhiều hơn là chỉ thấy người tiêu dùng "cặm cụi" với cuộc sống riêng tư mới của mình. Thay vào đó, chúng ta sẽ chọn lọc những thương hiệu mà chúng ta cho phép xuất hiện ở trong đời sống. Hiển nhiên, điều này có nghĩa là chúng ta sẽ chỉ cung cấp quyền truy cập dữ liệu cho các doanh nghiệp mà chúng ta tin tưởng. Một công ty rơi vào tình trạng rò rỉ dữ liệu hay bị cho là hoạt động không có nguyên tắc sẽ bị công chúng trừng phạt một cách nặng nề.

Điều thú vị nhất là quy định này đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ có thể nhận được những sản phẩm và dịch vụ mới, khi các công ty muốn khích lệ sự chấp thuận của chúng ta. Ví dụ, mua một căn nhà hiện nay đòi hỏi rất nhiều thủ tục giấy tờ, và đa phần trong số chúng là những quá trình lặp đi lặp lại đầy gian nan và vất vả. Một công ty có thể tạo ra một dịch vụ giúp bạn tiết kiệm thời gian và rắc rối bằng cách sử dụng dữ liệu cá nhân của bạn để loại bỏ quá trình này. Bạn cho đi để nhận lại, dữ liệu của bạn không còn là một món quà miễn phí cho các doanh nghiệp nữa.

Người tiêu dùng sẽ có thể đánh giá khả năng bảo mật dữ liệu của những công ty mà họ đã trao niềm tin (ảnh: Telegraph)

Một số người có thể sẽ bất mãn với quy định mới, cho rằng nó sẽ chỉ khiến thói quan liêu mạnh mẽ hơn. Nhưng suy nghĩ này là cổ hủ và phớt lờ tình hình hiện tại. Dự luật Bảo vệ Dữ liệu mở rộng quyền riêng tư của chúng ta, nhưng nó không được soạn thảo để hạn chế việc kinh doanh mà thay vào đó là đảm bảo quyền tự do cơ bản của chúng ta. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phàn nàn về quy định này cần phải tự đặt ra những câu hỏi đạo đức cơ bản, đồng thời suy nghĩ về những tổn thất khi bị các đối thủ cạnh tranh – những người sẵn sàng cung cấp sản phẩm mới cho người tiêu dùng để có được dữ liệu – bỏ lại ở phía sau.

Cũng không có bất kì lý do gì để các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phàn nàn về quyền hạn mà Văn phòng Ủy ban Thông tin (ICO) sẽ được trao để thực thi dự luật này. Dự luật sẽ cho phép ICO phạt các doanh nghiệp tới 17 triệu bảng Anh (hơn 500 tỷ đồng) hoặc 4% doanh thu toàn cầu của họ, một khoản tiền phạt hoàn toàn có thể đánh sập một vài doanh nghiệp nhỏ một cách dễ dàng. Tuy nhiên, trừ khi quyền hạn là quá lớn, có nguy cơ các công ty sẽ cố tình phớt lờ dự luật và giẫm đạp lên quyền riêng tư của người dùng.

Khi chúng ta tiến lên phía trước, bước vào một thế giới mà dữ liệu sẽ điều khiển mọi thứ, từ xe cộ cho đến chính phủ, việc chúng ta hiểu rõ quyền kiểm soát của mình là rất quan trọng. Chúng ta phải đánh dấu ranh giới rõ ràng về những gì có thể chấp nhận được và những gì không, và chúng ta phải làm ngay trước khi quá muộn. Vì vậy, chúng ta cũng nên biết ơn Dự luật Bảo vệ Dữ liệu này.

Theo VnReview
http://vnreview.vn/tu-van-bao-mat/-/view_content/content/2241777/vi-sao-nguoi-dung-can-quyen-kiem-soat-du-lieu-ca-nhan-cua-minh