Nhà máy năng lượng mặt trời nổi đầu tiên trên thế giới được xây dựng tại Nhật Bản, thuộc tỉnh Aichi ở trung tâm đảo Honshu. Điều kiện địa lý tự nhiên của Nhật tạo tiền đề cho ngành công nghiệp trên. Một đất nước với hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều ao hồ và hồ chứa nước nội địa hiện là địa điểm của 73 trong số 100 nhà máy năng lượng mặt trời nổi lớn nhất thế giới và chiếm một nửa công suất 246 MW của ngành năng lượng mặt trời.
Quận Hyogo ở phía nam đảo Honsu có gần 40.000 hồ và đã tạo nên gần một nửa công suất năng lượng mặt trời nổi của 100 nhà máy lớn nhất thế giới. Nhiều nhà máy có quy mô nhỏ, giúp khu vực bắt đầu chuyển sang sản xuất điện phân phối cho các địa phương mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã xác định là chìa khóa để chuyển đổi nguồn cung cấp điện thế giới.
Theo Weforum, Nhà máy năng lượng mặt trời nổi lớn nhất Nhật Bản nằm phía sau đập Yamakura tại Ichihara ở tỉnh Chiba. Nó có diện tích 18 ha, có thể cung cấp năng lượng cho gần 5.000 hộ gia đình và giúp cắt giảm hơn 8.000 tấn CO2 mỗi năm.
Năng lượng mặt trời nổi đặc biệt phù hợp với châu Á, khu vực có diện tích đất đai khan hiếm nhưng có nhiều đập thủy điện với cơ sở hạ tầng truyền tải điện sẵn có. Trung Quốc vừa kết nối nhà máy năng lượng mặt trời nổi lớn nhất thế giới tại An Huy. Nhà máy này sẽ tạo ra gần 78 MW trong năm đầu tiên, đủ để cung cấp năng lượng cho 21.000 hộ gia đình.
Nhưng kỷ lục của An Huy có thể không tồn tại được lâu. Năm tới, Hàn Quốc sẽ hoàn thành nhà máy năng lượng mặt trời nổi lớn nhất thế giới, cung cấp 102,5 MW, có khả năng cung cấp năng lượng cho 35.000 hộ gia đình.
Ngoài ra, các quốc gia Đông Nam Á cũng đang bước vào cuộc đua năng lượng mặt trời nổi. Singapore đã xây dựng một nhà máy năng lượng mặt trời nổi ngoài khơi ở eo biển Johor và Thái Lan có kế hoạch 16 dự án năng lượng mặt trời nổi trên chín hồ chứa đập thủy điện.
Với mạng lưới sông ngòi dày đặc cùng hệ thống hồ thủy điện lớn, năng lượng mặt trời nổi được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có chủ trương đẩy mạnh phát triển. Dự án đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng tại hồ Đa Mi (Bình Thuận) dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 6/2019. Với công suất 47,5 MW, hệ thống sẽ tạo ra điện năng sản xuất hàng năm bình quân hơn 70 triệu kWh.
Năng lượng mặt trời nổi áp dụng công nghệ mới mẻ. Các bằng sáng chế đầu tiên đã được đưa ra vào năm 2008. Những người phát minh cho biết năng lượng mặt trời nổi có hiệu suất cao hơn tới 16% so với các hệ thống trên đất liền. Cùng với việc tận dụng vùng đất khan hiếm, các tấm pin mặt trời nổi cũng ngăn chặn sự phát triển của tảo, có thể gây hại cho nguồn cá và làm chậm tốc độ bay hơi từ các hồ chứa.
Sản lượng năng lượng mặt trời nổi trên thế giới tăng gấp 100 lần từ năm 2014 đến năm 2018. Nó có thể sớm cung cấp nhiều năng lượng hơn các hệ thống trên đất liền thông thường. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp năng lượng mới này đang đạt mức cao. Ấn Độ gần đây đã công bố kế hoạch tạo ra 10 GW công suất điện từ năng lượng mặt trời nổi.
Mặc dù những người ủng hộ cho rằng năng lượng mặt trời nổi có tiềm năng lớn, những người phản đối vẫn lo ngại nó có thể gây hại cho hệ sinh thái biển vì chúng ngăn chặn ánh sáng mặt trời len lỏi xuống các tầng nước nông. Họ cũng chỉ ra lỗ hổng của nó đối với thời tiết xấu. Năm 2017, một cơn bão đã gây thiệt hại đáng kể cho việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời nổi gần Osaka.
Về mặt tích cực, năng lượng mặt trời nổi liên kết với các nhà máy thủy điện có khả năng duy trì nguồn cung cấp điện khi mực nước giảm. Các chuyên gia cho rằng nó hoạt động tốt ở nơi lưới điện yếu. Khu vực hoang mạc Sahara có thể là người hưởng lợi lớn tiếp theo của công nghệ này.