Vì sao Mỹ từ chối ký vào thỏa thuận Christchurch phòng chống video livestream bạo lực trên mạng xã hội?

VietTimes – Sau vụ một kẻ tội phạm livestream cảnh hắn ta giết người ở 2 nhà thờ tại Christchurch, New Zealand, một số nước cùng với Facebook, Google đã ký thỏa thuận hợp tác chống lại việc phát tán các video bạo lực trên mạng xã hội. Nhưng thật lạ là Mỹ đã không đồng ý tham gia thỏa thuận này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh: AFP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh: AFP)

Vụ thảm sát ở 2 nhà thờ Hồi giáo tại thành phố Christchurch, New Zealand đã khiến cho 51 người thiệt mạng. Kẻ tội phạm đã phát trực tiếp quá trình phạm tội của hắn trên Facebook. Hành vi này đã khiến người dùng Facebook phẫn nộ và lo lắng. Các nhà chức trách trên toàn thế giới đã kêu gọi Facebook phải có biện pháp kiểm soát các video bạo lực trên nền tảng của mình.

Hôm thứ Tư (15/5), Pháp, Canada, Ấn Độ và 15 quốc gia khác, cùng với Facebook và Google đã ký vào một thỏa thuận gọi là “Christchurch Call” (Lời kêu gọi Christchurch) nhằm nỗ lực dập tắt các nội dung cực đoan và khủng bố trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, Mỹ đã không tham gia vào thỏa thuận này. Phía Mỹ nói rằng “chúng tôi không ở một vị thế có thể tham gia thỏa thuận”.

Bất cứ ai cũng nghĩ rằng chính phủ Hoa Kỳ mù quáng trước các vấn đề trên mạng xã hội. Thực ra, chính quyền Tổng thống Donald Trump lại bênh vực sự tự do ngôn luận trên nền tảng mạng xã hội.

Vài giờ sau khi Hoa Kỳ từ chối với thỏa thuận Christchurch, Nhà Trắng đã đưa ra một biểu mẫu trực tuyến để người dùng Facebook và Twitter báo cáo về trường hợp mình bị chặn trên mạng xã hội vì bị “trù dập”.

Biểu mẫu này có tên là “Công cụ chia sẻ câu chuyện trù dập công nghệ”. Nó yêu cầu mọi người gửi những câu chuyện, bằng chứng, bao gồm các liên kết và ảnh chụp màn hình về các nội dung hoặc tài khoản của họ bị xóa khỏi Facebook, Instagram, YouTube và Twitter.   

“Nhiều người Mỹ đã thấy tài khoản của mình bị treo, bị cấm hoặc bị báo cáo gian lận vì vi phạm chính sách người dùng một cách không rõ ràng. Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với Tổng thống Trump”, mẫu đơn viết.

Một số chính trị gia Mỹ cho rằng các quan điểm bảo thủ thường bị mạng xã hội “đàn áp”. Vào tháng 9, cựu Tổng chưởng lý Hoa Kỳ Jeff Sessions đã triệu tập một cuộc họp với một số luật sư nhà nước để thảo luận về việc liệu các công ty truyền thông xã hội có cố tình kìm hãm tiếng nói và cạnh tranh tự do hay không.

Như vậy, Nhà Trắng coi việc kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng đến sự tự do ngôn luận, dù trước đây nhiều tài khoản bị đình chỉ thuộc về những kẻ cực hữu.           

Theo Business Insider