Vì sao chúng ta không vận chuyển rác thải lên đổ trên Mặt Trời?

VietTimes -- Một vấn đề về môi trường mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay đó là ô nhiễm rác thải. Nhiều quốc gia trên thế giới xử lý rác bằng cách đốt chúng. Nhưng cách này sẽ gây hại cho bầu khí quyển của chúng ta. Vậy tại sao chúng ta lại không chuyển rác vào Mặt Trời - lò đốt khổng lồ tự nhiên có thể làm biến mất số rác thải của chúng ta trong nháy mắt?
Dù Mặt Trời thừa sức nóng để làm tan chảy và ion hóa bất kỳ vật chất nào trên Trái Đất nhưng thực sự rất khó để phóng bất cứ thứ gì tiếp cận gần “lò đốt khổng lồ” này bao gồm  việc đưa rác thải của chúng ta vào Mặt trời. Ảnh: Forbes
Dù Mặt Trời thừa sức nóng để làm tan chảy và ion hóa bất kỳ vật chất nào trên Trái Đất nhưng thực sự rất khó để phóng bất cứ thứ gì tiếp cận gần “lò đốt khổng lồ” này bao gồm việc đưa rác thải của chúng ta vào Mặt trời. Ảnh: Forbes

Ý tưởng gửi rác vào Mặt Trời nghe có vẻ rất thuyết phục nhưng thực tế chưa có quốc gia nào đủ “gan” để biến nó thành hiện thực. Vậy lý do ở đây là gì?

Trái Đất của chúng ta ngày nay có hơn 7 tỷ người. Mặc dù các công nghệ mới đã giúp con người cải thiện chất lượng cuộc sống rất nhiều nhưng chúng đã kéo theo những hệ lụy tiêu cực ngoài ý muốn. Vì những lợi ích trước mắt về kinh tế - xã hội và bằng nhiều cách khác nhau, con người đang hủy hoại môi trường sống của chính mình, từ phá rừng đến gây ô nhiễm bầu không khí, đất, nước.

Rác thải là vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay. Các chất gây ô nhiễm lâu dài, gây nguy hiểm nhất đối với môi trường của chúng ta là chất thải hạt nhân, hóa chất đến các chất thải khó phân hủy… Những chất này đã và đang tàn phá đáng kể các sinh vật sống trên Trái Đất.

Ảnh: Forbes
Ảnh: Forbes

Nhiều người băn khoăn rằng tại sao chúng ta không đóng gói những “thứ đáng ghét” này vào một tên lửa và phóng nó vào vũ trụ và vị trí lý tưởng là Mặt Trời chẳng hạn. Chúng ta có thể mượn sức nóng của Mặt Trời để thiêu hủy những thứ rác thải gây hại cho Trái Đất.


Tuy nhiên, điều này có khả thi hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc xem xét cách thức lực hấp dẫn trên Trái Đất và Mặt Trời của chúng ta hoạt động.

Lực hấp dẫn theo lý thuyết của Einstein thì nó không phải là lực mà chỉ là một thứ gì đó kéo các vật lại với nhau. Bạn hãy tưởng tượng mỗi khi bạn nhảy lên, lực hấp dẫn lại kéo bạn xuống. Nếu không có lực hấp dẫn, con người và tất cả mọi thứ sẽ bay lơ lửng trong không khi. Tuy nhiên, nếu chúng ta di chuyển đủ nhanh (nghĩa là có đủ động năng) đến một vật thể, chúng ta có thể vượt qua hai ngưỡng quan trọng:

1. Ngưỡng để vật thể đi vào quỹ đạo ổn định và không va chạm với Trái Đất là 7,9 km/s

2. Ngưỡng để vật thể thoát khỏi lực hấp dẫn của Trái Đất hoàn toàn là 11,2 km/s

May mắn thay, có một thứ có khả năng vượt qua lực hấp dẫn của Trái Đất mà con người đã phát triển thành công, đó là tên lửa. Để đạt được tốc độ đó, các tên lửa cần tới rất nhiều nhiên liệu. Con người đã làm được điều này từ những năm 1950.

Trái Đất của chúng ta không hề đứng yên mà quay quanh Mặt Trời với vận tốc khoảng 30 km/s. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi bạn thoát khỏi Trái Đất, bạn có thể sẽ bị ràng buộc bởi quỹ đạo của Hệ Mặt Trời. Chúng ta phải tìm ra cách để thoát khỏi quỹ đạo của Mặt Trời và chuyển sang một quỹ đạo khác đủ gần với Mặt Trời để có thể va chạm với nó.

Chỉ có hai cách để thực hiện điều này:

1. Mang theo đủ nhiên liệu để thực hiện được một hành trình dài từ Trái Đất đến Mặt Trời.

2. Lập trình các quỹ đạo bay để tên lửa vượt qua những “người anh em” trong Hệ Mặt Trời của chúng ta (Sao Kim hoặc Sao Thủy).

Tuy nhiên, một tên lửa với mức nhiên liệu lớn chưa từng thấy mới đủ khả năng để thực hiện điều này. Cùng với đó là một “quãng đường” dài hơn 149,6 triệu km với nhiều “chướng ngại vật”. Đây thực sự là một điều gì quá sức đối với khả năng công nghệ hiện đại của con người.

Cuối cùng, hãy đảm bảo rằng “tên lửa mang rác” của Trái Đất có khả năng chứa được tất cả các loại chất thải độc hại của “khổ chủ” trong đó có chất thải hạt nhân.

Ảnh: Forbes
Ảnh: Forbes

Có thể tổng hợp lại ba lý do khiến việc phóng rác vào Mặt Trời chưa thể trở thành hiện thực như sau;


Thứ nhất
, khả năng thất bại. Tên lửa mang rác có thể phát nổ trước khi bị Mặt Trời thiêu rụi.

Thứ hai, về mặt năng lượng, tên lửa có thể mang được khối rác khổng lồ vào vũ trụ sẽ tiêu tốn quá nhiều nhiên liệu mà công nghệ hiên tại chưa thể đáp ứng nổi.

Thứ ba, ngay cả khi giải quyết được hai điều trên, chi phi chuyển rác này quá tốn kém.

Hệ thống tên lửa phóng vào không gian thành công nhất hiện nay có tên là Soyuz với tỷ lệ thành công 97% sau hơn 1000 lần phóng. Nếu bạn muốn sử dụng tên lửa Soyuz để chứa rác và phóng ra khỏi hành tinh của mình, rất có thể tỷ lệ thất bại 2-3% sẽ bao gồm cả những tên lửa chứa những chất thải nguy hiểm này. Hệ quả xấu nhất là chất thải đó có thể sẽ bị nổ tung trong không trung sau đó xâm nhập vào đại dương, khí quyển rồi đến đất liền, làm ô nhiễm nguồn nước trên Trái Đất. Kịch bản này thực sự đáng sợ và nhiều rủi ro.

Hoa Kỳ hiện có khoảng 60.000 tấn chất thải hạt nhân. Tính ra, quốc gia này sẽ phải cần đến 8.600 tên lửa Soyuz để vận chuyển số lượng chất thải này khỏi Trái Đất. Ước tính quá trình này sẽ tiêu tốn khoảng 1000 tỷ USD với điều kiện tỷ lệ thất bại đặt ở mức thấp nhất chưa từng có 0,1%. Trong trường hợp xấu có thể xảy ra, chỉ cần 9 lần phóng thất bại với việc phát tán chất phóng xa ra môi trường cũng đủ khiến Trái Đất của chúng ta nguy kịch!

Chính vì những điểm bất khả thi và nguy cơ rủi ro quá cao, việc đưa rác lên Mặt Trời vẫn chỉ là điều không tưởng.

Theo Forbes