Kết nối với PayGov, các bộ, địa phương có thể nhanh chóng đưa những dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của mình lên mức độ 4 (Ảnh minh họa)
Xây dựng và triển khai Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trên toàn quốc ngay trong năm 2020 là nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử giao cho Bộ TT&TT tại hội nghị trực tuyến của Ủy ban với Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương vào ngày 12/2.
Nhiệm vụ trên đã được Bộ TT&TT gấp rút triển khai và Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc (gọi tắt là hệ thống PayGov) chính thức đi vào vận hành từ ngày 24/7/2020.
Bộ TT&TT nhấn mạnh, hệ thống PayGov không làm chức năng thanh toán mà thực hiện chức năng tạo lập nền tảng, là công cụ kỹ thuật hỗ trợ các Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa kết nối, hỗ trợ tổng hợp các thông tin giao dịch, giúp tra soát, đối soát dễ dàng, thuận tiện.
Kết nối là một trong ba vấn đề chính mà hệ thống PayGov được thiết kế để giải quyết. Các bộ, ngành, địa phương chỉ cần kết nối với PayGov qua một giao diện duy nhất là có thể sử dụng các tiện ích của tất cả trung gian thanh toán. Các trung gian thanh toán cũng chỉ cần kết nối đến PayGov là có thể tiếp cận, cung cấp dịch vụ cho tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Đã có 14 đơn vị trung gian thanh toán kết nối đến hệ thống PayGov, chiếm hơn 95% thị trường thanh toán trực tuyến tại Việt Nam. Cùng với đó, 33 bộ, địa phương đã và đang thực hiện kết nối với PayGov.
Bộ TT&TT đang tiếp tục đôn đốc các bộ, địa phương còn lại kết nối Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử của mình với hệ thống PayGov để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ công.
Kết nối với hệ thống PayGov, các bộ, ngành, địa phương có thể nhanh chóng đưa các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của mình lên mức độ 4. Nhờ đó, các bộ, ngành, địa phương có thể sớm hoàn thành chỉ tiêu cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm nay.
Cụ thể, tại Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đến hết năm 2020 tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4. Theo thống kê, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của cả nước hiện đạt khoảng 31% và 15% tương ứng. Việc áp dụng thanh toán trực tuyến đối với 31% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 hiện nay sẽ góp phần đưa các dịch vụ này lên mức độ 4.
Thực tế, Bộ VHTT&DL và tỉnh Quảng Ninh là 2 đơn vị nhờ kết nối với PayGov đã góp phần đưa tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cung cấp cho người dân, doanh nghiệp lần lượt đạt 51,58% và 35,6%, vượt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 17 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, hệ thống PayGov cũng hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thống nhất về mặt thiết kế kỹ thuật, đồng bộ quy trình, hỗ trợ tra soát, hoàn trả, đối soát, quyết toán trong việc xử lý giao dịch thanh toán trực tuyến.
Không những là một giải pháp giúp tháo gỡ nút thắt về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp, hệ thống PayGov còn là nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.
Bởi lẽ, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu tháng 6/2020 đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể về thanh toán điện tử: đến năm 2025 tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%; và đến năm 2030 trên 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử.
“Việc kết nối với hệ thống PayGov sẽ hỗ trợ các bộ, các tỉnh cung cấp tất cả kênh thanh toán trên Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa của đơn vị mình, thúc đẩy thanh toán điện tử, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số”, Bộ TT&TT khẳng định.
Chia sẻ về quan điểm phát triển hệ thống PayGov, Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết, hệ thống này thể hiện cách nghĩ, cách làm mới trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thay đổi từ việc cung cấp những gì mình có sang phục vụ để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, cơ quan nhà nước cần cung cấp mọi kênh thanh toán có thể để người dân, doanh nghiệp có quyền lựa chọn kênh thanh toán phù hợp với mình. Đồng thời, tạo lập nền tảng hỗ trợ tất cả các trung gian thanh toán có thể tiếp cận, cung cấp dịch vụ thanh toán cho mọi người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ, tiện ích. Đây là “sân chơi” đảm bảo công bằng, cạnh tranh bình đẳng cho tất các các đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.