Vì đâu có giáo dục đại học?
Nếu nói về nền giáo dục của loài người có thể nói, nó ra đời từ khi có chữ viết. Nhờ có chữ viết, việc lưu trữ, truyền tải thông tin mới thực hiện được và cũng chính nhờ có chữ viết thì nền giáo dục mới ra đời. Tuy nhiên, với một nền giáo dục sơ khai đó thì mọi thứ cũng chỉ có điểm dừng nhất định. Với nền giáo dục Phương Đông, nền giáo dục nho học về cơ bản là nặng về triết tự, nhân văn. Trong khi đó, nền giáo dục của Phương Tây là toàn diện hơn với đầy đủ các kiến thức cả về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Dẫu vậy, đó cũng chỉ là những kiến thức phổ thông và những ai có trình độ tú tài cũng đã được xã hội thời đó nể trọng lắm rồi. Khi xã hội công nghiệp chưa hình thành, những người có trình độ cao cũng chỉ là nhà thông thái và lương y chứ chưa có kỹ sư, bác sĩ.
Đến khi cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bùng nổ, nhu cầu nhân lực cho nó tất yếu đòi hỏi. Để vận hành được máy móc thiết bị, các nhà máy phải có công nhân và kỹ sư. Vì thế, phải có các trường nghề và đại học, cao đẳng để đáp ứng các nhu cầu đó của nền công nghiệp. Đương nhiên, các nhà quản lý cũng phải được đào tạo nhằm đáp ứng cho nhu cầu của công việc thực tiễn. Vì thế mà theo lãnh đạo một đại học tư thục, chính CMCN đã góp phần quyết định cho sự ra đời của các đại học.
Giáo dục đại học và cách mạng công nghiệp
Cũng có một thực tế là không ít người không hề có bằng cấp như Bill Gates hay Edison vẫn được các đại học ở Mỹ mời thuyết trình. Về điều này, có chuyên gia khẳng định là sinh viên rất cần kiến thức thực tiễn và vì thế các đại học phải mời những nhà phát minh không có bằng cấp đến chia sẻ kinh nghiệm cũng là điều cần phải làm. Tuy nhiên, những người này chỉ có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chứ việc giảng dạy trong chương trình chính thức vẫn phải là những người thầy của trường. Đương nhiên, chính các bậc thầy thì ngoài việc trau dồi kiến thức chuyên môn cũng phải nắm được thực tiễn của sản xuất công nghiệp. Vì thế, các giảng viên đại học phải tôn trọng những nhà kỹ thuật không có bằng cấp như Bill Gates và Edison cũng là điều dễ hiểu. Và đến đây, cũng cần phải đặt câu hỏi xem ai là người có quyền đánh giá chất lượng nền giáo dục nếu đó không phải là các nhà tuyển dụng?
Cách mạng công nghiệp và giáo dục Việt Nam
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bùng nổ việc phát triển và thành lập mới các trường đại học. Rất nhiều trường trung cấp cũng được nâng cấp lên cao đẳng và trường cao đẳng thì nâng cấp lên đại học. Một ví dụ cụ thể có thể nói tới là Trường Trung học Văn thư Lưu trữ thuộc Bộ Nội vụ chỉ trong có hơn 5 năm đã được nâng cấp thành Cao đẳng Văn thư Lưu trữ Trung ương rồi thành Đại học Nội vụ. Trong khi đó ở các nước Phương Tây, rất nhiều trường qua hàng trăm năm vẫn chỉ là cao đẳng và họ cũng chỉ chuyên tâm làm tốt sứ mạng đào tạo nhân lực của mình chứ không có nhu cầu nâng cấp, thay tên.
Người ta cũng nói nhiều về vấn nạn sao chép luận văn của sinh viên song trên thực tế là những đề tài mà vượt quá khuôn khổ đào tạo, nghiên cứu của nhà trường thường không được khuyến khích với lý do chưa có thầy hướng dẫn hoặc còn phải chờ xin ý kiến chỉ đạo của bộ chủ quản và Bộ Giáo dục & Đào tạo. Và ngay cả khi sinh viên đã tìm được thầy hướng dẫn chính là tác giả của những nghiên cứu đó thì đôi khi vẫn không được tạo điều kiện với lý do là học lực chưa đủ tư cách để nhận các đề tài mới. Bởi thế, nếu không sao đi chép lại những đề tài cũ thì sinh viên cũng khó có quyền làm các đề tài mới (!).
Nay chúng ta đã và đang bước vào cuộc CMCN 4.0 và trong cuộc cách mạng này thì không ai có thể đợi ai. Và đương nhiên, các học trò phải có quyền không chờ đợi các bậc thầy của họ. Ngoài các kiến thức được nhà trường cung cấp, các sinh viên có cả một kho tài nguyên khổng lồ trên mạng Internet. Giáo dục đại học cũng vì thế mà phải chuyển từ học tập (learning) sang nghiên cứu (studying) và sinh viên phải được chủ động tự học. Thậm chí, sẽ là rất tốt nếu các sinh viên chủ động đến với các đề tài không có trong danh mục được khuyến cáo nghiên cứu.
Nhìn sang nền giáo dục đại học của các nước phát triển, họ thường khuyến khích sinh viên nước ngoài, nhất là những đối tượng giành được học bổng toàn phần trở về quê hương mình để lấy số liệu cho đề tài tốt nghiệp. Cũng chính vì lẽ đó, khi thương mại điện tử ở Việt Nam còn manh nha thì các nước phát triển đã có ngay những số liệu thực tiễn về vấn đề này ở Việt Nam trong khi các cơ quan quản lý nhà nước và nghiên cứu khoa học của chúng ta lại chưa thể có ngay được những số liệu đó dù nó rất cần để hoạch định các chính sách thực tiễn.
Theo không ít nhận xét, chúng ta đang nói quá nhiều đến CMCN 4.0 nhưng thực tế các đại học và ngành giáo dục cần phải làm gì thì đó vẫn là vấn đề còn nhiều bỏ ngỏ. Tuy nhiên, CMCN 4.0 vẫn đang diễn ra từng ngày, từng giờ và chắc chắn sẽ tác động tới giáo dục đại học cũng như các nhà tuyển dụng. Chính vì thế, các đại học càng không thể thỏa mãn với kết quả kiểm định đạt tiêu chuẩn của các tổ chức đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo cấp phép mà cần chủ động tiếp cận với những thực tiễn của CMCN 4.0 để luôn làm mới chính mình. Còn về phía các nhà tuyển dụng, thay vì phê phán chất lượng đầu ra của sinh viên thì việc cần làm của họ là chủ động hợp tác với các nhà trường. Đây là sự nghiệp trồng người và chắc chắn không thể có ngay kết quả như mong muốn. Vì thế, các nhà tuyển dụng mà trong đó có cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không chỉ là các tập đoàn lớn hãy coi đây là trách nhiệm của mình với tương lai của đất nước. Chính những trải nghiệm thực tiễn với môi trường doanh nghiệp dù ở mọi quy mô sẽ giúp sinh viên trưởng thành, biết vận dụng kiến thức được học cho các công việc phải làm.