Những ngày gần đây, dịch cúm A đang bùng phát ở nhiều địa phương, với số nhập viện tăng cao, khiến một số thuốc điều trị bệnh này tăng giá đột biến. Để tìm hiểu thêm về căn bệnh này và cách phòng, tránh hữu hiệu, VietTimes đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Dư Tuấn Quy – Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM).
Nguyên nhân khiến cúm A lan rộng
Phóng viên: - Thưa bác sĩ, đâu là nguyên nhân chính khiến cúm A tiếp tục lan rộng tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc?
BS Dư Tuấn Quy: - Cúm là bệnh có từ lâu đời, nhiễm trùng cấp qua đường hô hấp, đa số biểu hiện kinh điển là sốt, ho, sổ mũi, đau đầu, đau họng, đau cơ… Ngày xưa thì bệnh thường gặp nhất vào mùa đông xuân nhưng giờ đã trở thành bệnh quanh năm.
Bệnh cúm do virus cúm (Influenzae, gồm 3 type chính là cúm A, cúm B, cúm C) gây ra, rất dễ lan truyền từ người sang người qua các giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi, hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp người mang bệnh.
Cúm A sợ nhất là H1N1, H5N9, H7N9, các virus này thường gây thành dịch nhiều hơn. Đặc điểm của nó là có thể lây lan từ người sang động vật và từ động vật sang người.
Đây là các lý do chính khiến bệnh tiếp tục lan rộng tại nhiều tỉnh thành. Bệnh rất dễ nặng lên với những người lớn tuổi và có bệnh nền.
*Được biết, có 2 lý do chính khiến cúm A trở nặng, do virus cúm luôn luôn biến đổi và bệnh cúm thường không bao giờ gây tổn thương đơn lẻ? Điều này có đúng không? Xin bác sĩ giải thích thêm?
BS Dư Tuấn Quy: - Đáp ứng miễn dịch chúng ta có được sau khi nhiễm cúm hoặc tiêm ngừa mùa này có thể không còn giá trị với virus cúm đã biến đổi mùa sau là hoàn toàn chính xác.
Tuy nhiên, đa số bệnh nhân mắc cúm có thể tự điều trị tại nhà, không cần sử dụng bất cứ thuốc gì cũng sẽ tự khỏi. Bệnh nhi mắc cúm sẽ có biểu hiện lờ đờ mệt mỏi, biếng ăn, thời gian bệnh có thể kéo dài hơn người lớn nhưng đa số cũng tự khỏi. Các trường hợp có thể gây biến chứng nặng chủ yếu trên bệnh nhân có bệnh nền, trên 65 tuổi hoặc phụ nữ mang thai.
Bệnh nhân mắc cúm nhiễm trùng đường hô hấp dưới là thường hay gặp nhất. Những trường hợp biến chứng và có thể trở nặng do cúm A gây ra các biến chứng như viêm tiểu phế quản, viêm phổi cấp, viêm cầu thận, viêm cơ tim, viêm não…
Bác sĩ Dư Tuấn Quy - Trưởng Khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM hướng dẫn về cúm A, đặc biệt lưu ý nếu bệnh nhân có bệnh nền |
Theo sau đó, các vi trùng sẽ tăng lên, làm cho bệnh nhân có thể suy hô hấp, dẫn đến phải thở máy, quá trình điều trị kéo dài hơn. Hệ lụy khác của bệnh là sau đó trẻ có thể biếng ăn hơn trước, một số trẻ dẫn đến suy dinh dưỡng.
Đối với người già, người trên 65 tuổi, đặc biệt người có bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, ung thư, suy giảm miễn dịch sẽ khiến bệnh nền nặng lên, khó kiểm soát quá trình điều trị cúm.
Ở trẻ em, gia đình cần quan sát kỹ các biểu hiện triệu chứng như sốt cao không hạ, quấy khóc nhiều, thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực... thì rất cần nhập viện hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, nhất thiết không tự mua thuốc về điều trị tại nhà.
Nếu bệnh nhi nhập viện và có tình trạng viêm phổi tiến triển nhanh và không loại trừ được bệnh cúm và bệnh nhân phải được test dương tính với cúm thì bác sĩ mới chỉ định phác đồ điều trị phù hợp theo quy định của Bộ Y tế.
Ngừa cúm với vaccine có hiệu quả?
*Thưa bác sĩ, đã có tình trạng loạn giá thuốc Tamiflu do người dân muốn mua về dự phòng điều trị cúm A, tuy nhiên, đây là thuốc bắt buộc bán theo toa và điều trị đúng chỉ định của bác sĩ, xin bác sĩ cảnh báo thêm cho người dùng?
BS Dư Tuấn Quy: - Đặc biệt là với thuốc Tamiflu gia đình càng nên cân nhắc nếu bệnh nhi mắc cúm không được phép cho uống Tamiflu bừa bãi. Bởi vì thuốc này bắt buộc phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ trên từng bệnh nhân cúm nặng và có nguy cơ tiến triển nặng, với liều phù hợp và còn tùy thuộc bệnh nhi có bệnh nền hay không, thể trạng của bệnh nhi tại thời điểm đó thế nào.
Nếu dùng Tamiflu không đúng chỉ định sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Nếu tự ý dùng không đúng liều có nguy cơ xuất hiện virus cúm có khả năng kháng thuốc, gây khó khăn cho bác sĩ, làm mất đi khả năng điều trị khi bệnh nhân chuyển nặng.
Rất cần phải giám sát lại việc sử dụng thuốc Tamiflu tại các bệnh viện và việc bán thuốc này tại các nhà thuốc.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy trả lời về cúm A, khuyến cáo nếu sử dụng Tamiflu không đúng cách có nguy cơ dẫn tới kháng thuốc. Ảnh: HB |
* Được biết, vaccine cúm chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến người già. Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy chích ngừa có thể giảm 63% nhiễm cúm ở trẻ sơ sinh. Tiêm chủng có phải là phương pháp hiệu quả nhất để phòng cúmvà những biến chứng của cúm thưa bác sĩ?
BS Dư Tuấn Quy: - Các bệnh cúm đều đã có vaccine hết rồi. Hiện nay, tại Việt Nam có 4 loại vaccine ngừa cúm, gồm có Vaxigrip Tetra (Pháp), 4 chủng, tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến người già; Influvac Tetra (Hà Lan), 4 chủng, tiêm cho trẻ từ 3 tuổi đến người già; GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc), 4 chủng, tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến người già; Ivacflu-S (Việt Nam), 3 chủng, tiêm cho người từ 18 – 60 tuổi.
Vaccine ngừa cúm vẫn là phương án hiệu quả nhất, đẩy lùi diễn tiến nặng của bệnh, đặc biệt là dòng virus H1N1 và H3N2. Đây cũng là biện pháp dễ thực hiện, giúp ngăn chặn bệnh nặng và các biến chứng của cúm.
Tiêm chủng ngừa cúm từ 90% - 98% nguy cơ mắc cúm đối với 4 chủng virus có trong thành phần vaccine. Các loại vaccine này đều là loại bất hoạt. Phương thức sản xuất này mang lại hiệu quả phòng bệnh cao và rất an toàn. Sau khi tiêm vaccine, một số ít trường hợp có thể xuất hiện các phản ứng không mong muốn như: sốt nhẹ, khó chịu, sưng tại chỗ tiêm, đau cơ… Các triệu chứng này thường tự hết trong 1-2 ngày mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.