Vì sao thiếu thuốc Tamiflu?
Thời điểm này, nhiều địa phương trên cả nước đang phải đối diện với số ca nhiễm cúm A tăng cao, do đây là bệnh theo mùa. Thực tế là rất nhiều người chủ quan không đi khám bác sĩ mà tự đi “săn lùng” thuốc Tamiflu về uống để điều trị cúm A, dẫn đến loại thuốc này đang tăng giá chóng mặt, gấp đôi hoặc gấp ba so với lúc bình thường, thậm chí, "cháy hàng" trên thị trường. Nhiều tiệm thuốc đã bán thuốc Tamiflu với giá gần 1 triệu đồng/hộp, khiến bệnh nhân tốn kém không cần thiết.
Tuy nhiên, rất cần đặt vấn đề tại sao có tình trạng thiếu thuốc khi Tamiflu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam và không phải thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt? Liệu có chiêu trò PR nào của nhà sản xuất hoặc bất cứ bên trung gian thương mại nào trên thị trường, dẫn đến kích cầu quá mức cần thiết khi người dân chưa đủ hiểu rằng loại thuốc này có thể gây hậu quả trầm trọng cho người dùng?
Các bác sĩ chuyên khoa giải thích Tamiflu là tên biệt dược của Oseltamivir phosphate. Đây là loại thuốc kháng virus được chỉ định điều trị cúm A cho trẻ em trên 1 tuổi và người lớn. Khi đi vào cơ thể, Oseltamivir phosphate chuyển hóa thành Oseltavimir carboxylat, có thể tiêu diệt virus gây bệnh cúm A, trong đó có virus A/H5N1 và A/H1N1.
“Tuy nhiên, thuốc chỉ đạt hiệu quả điều trị tối đa khi được sử dụng trong vòng 2 ngày khi mới nhiễm virus cúm. Sau 2 ngày, nếu có uống thì Tamiflu cũng không còn tác dụng gì trong phác đồ điều trị mà ngược lại, có thể gây hậu quả cực kỳ nguy hiểm tới bệnh nhân” – Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM - cảnh báo.
Bác sĩ chuyên khoa cảnh báo mạnh mẽ về việc dùng thuốc Tamiflu |
Ông Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) hướng dẫn liều điều trị Tamiflu với cúm A:
– Người lớn và trẻ em trên 13 tuổi: 75mg x 2 lần/ngày x 7 ngày.
– Trẻ em từ 1-13 tuổi: dùng dung dịch uống tuỳ theo trọng lượng cơ thể
+ <15 kg: 30 mg x 2 lần/ngày x 7 ngày.
+ 16-23 kg: 45 mg x 2 lần/ngày x 7 ngày.
+ 24-40 kg: 60 mg x 2 lần/ngày x 7 ngày.
+ > 40 kg: 75 mg x 2 lần/ngày x 7 ngày.
• Zanamivir: dạng hít định liều. Sử dụng trong các trường hợp không có oseltamivir, trường hợp chậm đáp ứng hoặc kháng với oseltamivir.
– Người lớn và trẻ em trên 7 tuổi: 2 lần xịt 5mg x 2 lần/ngày x 7 ngày.
– Trẻ em: Từ 5-7 tuổi: 2 lần xịt 5 mg x 1 lần/ngày x 7 ngày.
• Zanamivir dạng truyền tĩnh mạch, với liều khuyến cáo 300 – 600 mg/ngày (nếu có).
*Tuy nhiên, bác sĩ đặc biệt lưu ý tất cả các thuốc nói trên đều dùng theo đúng chỉ định, bệnh nhân cần được bác sĩ tại bệnh viện và các cơ sở y tế thăm khám kỹ lưỡng, kê đơn cụ thể trên từng trường hợp, tuyệt đối không tự ý mua về sử dụng.
Tamiflu có tác dụng phụ gây trầm cảm, có thể dẫn đến hậu quả nặng nề
Trao đổi với VietTimes, PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia dược học, từng công tác tại Khoa Dược, Đại học Y Dược TP.HCM - nhắc nhở: “Tamiflu là thuốc bắt buộc phải kê toa, sử dụng đúng chỉ định của bác sĩ, do thuốc có tác dụng phụ và không phải bệnh nhân nào mắc cúm A cũng được chỉ định sử dụng thuốc này. Tùy thuộc vào bệnh nền khác nhau của từng bệnh nhân mới được chỉ định có uống Tamiflu hay không. Nếu người bệnh tự ý đi mua Tamiflu ngoài tiệm thuốc mà không có đơn của bác sĩ là vi phạm pháp luật”.
Không chỉ vi phạm pháp luật và tốn tiền vô ích nếu chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mà đã mua Tamiflu về dùng, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM còn nhấn mạnh: “Bệnh nhân cần biết rõ, Tamiflu có tác dụng phụ, có thể gây trầm cảm, dẫn đến mất kiểm soát hành vi, ở mức độ cao nhất đã có trường hợp bệnh nhân uống Tamiflu chỉ trong 5 ngày điều trị cúm A nhưng đã mắc chứng trầm cảm, có ca bệnh đã có hành vi tự tử. Trường hợp này hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra, nên rất cần thận trọng”.
BS. Trương Hữu Khanh cảnh báo về việc sử dụng Tamiflu và hướng dẫn chi tiết để theo dõi cúm A. Ảnh: Hòa Bình |
Chính vì hậu quả quá nặng nề như vậy, BS. Trương Hữu Khanh nhấn mạnh: Cho dù dịch cúm A đang hoành hành, khi thấy bản thân hoặc người thân có biểu hiện mắc cúm, tốt nhất hãy theo dõi chặt chẽ và đưa bệnh nhân nhập viện nếu là trẻ dưới 1 tuổi, hoặc người lớn có bệnh mãn tính về đường hô hấp, hoặc các trường hợp khác cần nhập viện ngay khi có biểu hiện trở nặng. Quan sát thấy bệnh nhân có hai biểu hiện gồm thở khó và rút lõm lồng ngực là cần nhập viện rồi. Đừng để bệnh diễn tiến nặng đến mức môi và tứ chi tím tái, co giật hoặc li bì, vì đấy có thể là thêm biểu hiện của các biến chứng về phổi hoặc các bệnh nền khác nữa.
“Hãy đưa bệnh nhân nhập viện hoặc đến các cơ sở y tế, thăm khám cẩn thận, bác sĩ chuyên khoa sẽ quyết định cho bệnh nhân sử dụng loại thuốc điều trị nào. Nếu bệnh nhân mắc tiểu đường mà mắc thêm cúm A thì có thể sử dụng Tamiflu. Nhưng cũng còn tùy thuộc vào việc bệnh nhân có đúng mắc cúm A hay không, nếu không thì tuyệt đối không được uống Tamiflu.
"Bệnh nhân đúng chỉ định uống Tamiflu cũng vẫn cần cân nhắc xem có bệnh nền hay không và là bệnh nền gì? Thời điểm bệnh nhân mắc cúm A tới lúc nhập viện đã quá trễ để uống Tamiflu hay chưa, do loại thuốc này chỉ có tác dụng trong 2 ngày đầu tiên sau khi mắc cúm A. Biểu hiện của cúm A và các loại cúm khác rất giống nhau, đều là sốt, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, ho…; thậm chí bây giờ biểu hiện của mắc COVID-19 cũng không khác nhiều lắm so với cúm mùa, nên bệnh nhân cần được thăm khám, xét nghiệm cẩn thận, tuyệt đối không tự mua Tamiflu về uống” – Bác sĩ Trương Hữu Khanh hướng dẫn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo: “Đa phần các trường hợp mắc Cúm A nếu không có biểu hiện tăng nặng thì có thể khỏi bệnh trong vòng từ 2 đến 7 ngày điều trị tại nhà. Người thân không cần quá lo lắng, chỉ cần cho bệnh nhân uống đủ nước, uống nước trái cây tươi, ăn uống vừa phải, chia thành nhiều bữa với mức độ dinh dưỡng hợp lý là được”.