Tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng tiền mặt để thanh toán dự kiến giảm xuống dưới 10% vào năm 2020

VietTimes – Trong khuôn khổ hội thảo về tài chính ngân hàng trong nền kinh tế số tại Việt Nam (Banking Vietnam 2019), ông Nghiêm Thanh Sơn -Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cho biết trong vài năm trở lại đây người dân đã quen dần với các hình thức thanh toán phi tiền mặt.
Người dân đã quen dần với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (ảnh: ĐK)
Người dân đã quen dần với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (ảnh: ĐK)

Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, tính đến năm 2018, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán là 11,48%. Theo Quyết định 2545/QĐ-TTg về đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, dự kiến đến năm 2020, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%. Chính vì thế, công tác thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đang được quan tâm và tiến hành khẩn trương.

Từng bước triển khai có hiệu quả trong quý I năm 2019

Trong bài tham luận, Phó Vụ trưởng Nghiêm Thanh Sơn đã công bố thống kê quý I/2019 của Ngân hàng Nhà nước trong công tác thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Thống kê cho thấy Việt Nam có gần 270.000 thiết bị chấp nhận thẻ, 30.000 điểm chấp nhận mã phản hồi nhanh QR code, dự kiến sẽ phát triển hơn trong thời gian tới.

ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (ảnh: ĐK)
ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (ảnh: ĐK)

Cũng trong quý I, đã có 16 ngân hàng triển khai dịch vụ QR code. Thống kê giao dịch qua ATM và POS cũng tăng so với cùng kỳ năm 2018 là 12% đối với ATM và 2,6% với POS; giá trị giao dịch cũng tăng 13% với ATM và 34% với các thiết bị chấp nhận thẻ.

Sự tăng trưởng của kênh thanh toán qua moblie, internet, ví điện tử cũng diễn ra ổn định. Hiện tại cả nước có 76 ngân hàng cung cấp dịch vụ qua internet banking, 44 ngân hàng có dịch vụ mobile banking, 16 ngân hàng triển khai QR code và hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán phi tiền mặt. Bên cạnh đó, nhà nước cũng đã cấp phép cho 30 đơn vị trung gian thanh toán.

Với xu thế toàn cầu hóa sử dụng thiết bị di động, số lượng giao dịch qua những hình thức trên tăng đáng kể trong quý I năm 2019. Cụ thể, thanh toán qua di động tăng đến 98%, qua internet tăng 66%, qua ví điện tử tăng 56% so với cùng kỳ năm 2018. Thống kê riêng về dịch vụ ví điện tử mới phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây, hiện nay có 27 doanh nghiệp cung ứng trên 11 triệu ví điện tử. Trong tương lai, hình thức này tiếp tục mở rộng các đối tượng khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước trong phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Phát biểu về định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng còn lại năm 2019 và 2020, Phó Vụ trưởng Nghiêm Thanh Sơn cho biết: “Ngân hàng Nhà nước cũng quan tâm thúc đẩy lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính, đang trình Thủ tướng Chính phủ đề án về cơ chế thử nghiệm với các giải pháp tài chính mới, đồng thời triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại nghị quyết 02 về nghiên cứu xây dựng phương án nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản ngân hàng, triển khai thí điểm mobile money. Đồng thời ngân hàng nhà nước đã hoàn thiện dự thảo chiến lược tài chính toàn diện quốc gia Việt Nam 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ”.

Thanh toán không dùng tiền mặt qua thiết bị của VnPay (ảnh: ĐK)
Thanh toán không dùng tiền mặt qua thiết bị của VnPay (ảnh: ĐK)

Bên cạnh đó, Phó Vụ trưởng cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán điện tử. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo các tổ chức phát hành thẻ nghiêm túc, chủ động triển khai lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế chia sẻ cho các giao dịch thanh toán nội địa như ATM hay POS.

Ngoài ra, công tác nâng cao nhận thức người dân cũng là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt. “Ngân hàng Nhà nước đang tích cực đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục tài chính và tăng cường kiểm soát có hiệu quả để bảo vệ người dùng”, Phó Vụ trưởng Nghiêm Thanh Sơn cho hay.