Ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động ngân hàng:

Tất cả công nghệ mới trên thế giới, ở Việt Nam đều có!

VietTimes -- Đó là khẳng định của ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) tại hội thảo “Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt”, tổ chức vào sáng 15/1/2019.
Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: P.D)
Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: P.D)

Xử lý an toàn 137,6 triệu giao dịch

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), cho biết ngành ngân hàng đã đạt được một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực thanh toán trong năm 2018.

Cụ thể, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn 137,6 triệu giao dịch với giá trị lên tới 73 triệu tỷ đồng, gấp hơn 10 lần GDP, tương ứng với mức tăng trưởng lần lượt là 25% và 24% so với năm 2017.

Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) đang được gấp rút xây dựng, hoàn thiện để sớm đưa vào vận hành năm 2019. Tương tự, kết quả hoạt động thanh toán qua internet, thiết bị di động cũng đạt được các kết quả rất khả quan.

Hiện nay, trong số các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, có 76 đơn vị đã triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 41 đơn vị triển khai thanh toán qua di động. Một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã nghiên cứu, áp dụng hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như: xác thực sinh trắc học, mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán phi tiếp xúc (contactless).

Không chỉ ghi nhận về số lượng giao dịch, số lượng các điểm sử dụng máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS) và số lượng thẻ cũng gia tăng nhanh chóng.

Số liệu được ông Phạm Tiến Dũng (Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN) cho thấy, tính đến ngày 30/9/2018, cả nước có 18.170 ATM (tăng 4% so với cuối năm 2016); số lượng máy POS là 294.000 (tăng 11,8% so với cuối năm 2016) và sẽ còn phát triển hơn nữa khi mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có 300.000 máy POS. Số lượng thẻ cũng ghi nhận đà tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 101 triệu thẻ.

Bên cạnh đó, số lượng tài khoản ngân hàng cá nhân tiếp tục tăng, đạt gần 75 triệu tài khoản cá nhân, tăng 9,1% so với cuối năm 2016. Tính đến giữa năm 2018, trên 60% người từ 15 tuổi trở lên sử dụng tài khoản ngân hàng với 43 triệu người.

Trong các cơ quan Chính phủ, khu vực dịch vụ hành chính công hiện có trên 81% đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước (tương đương  80% cán bộ, công chức, viên chức) nhận lương qua tài khoản ngân hàng.

Ngoài ra, cũng theo chia sẻ của ông Dũng, hệ thống giao dịch liên ngân hàng mỗi ngày xử lý khoảng 280.000 tỷ đồng (khoảng 13 - 14 tỷ USD). Dự kiến trong năm 2019, NHNN sẽ đưa vào vận hành hệ thống bù trừ tự động.

Với công nghệ mới, chỉ cần 1 đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán kết nối với hệ thống này, lập tức sẽ tiếp cận được với hệ thống của tất cả các ngân hàng còn lại thay vì phải gặp gỡ, đặt mối quan hệ hợp tác với từng ngân hàng.

Những sự thay đổi trong cung ứng dịch vụ tài chính ngân hàng (Ảnh: P.D)
Những sự thay đổi trong cung ứng dịch vụ tài chính ngân hàng  (Ảnh: P.D)

Áp dụng nhiều biện pháp đảm bảo an toàn

Tuy ghi nhận các bước phát triển tốt trong các năm vừa qua, nhiều người dân vẫn tỏ ra e ngại với hình thức thanh toán này, đặc biệt là về vấn đề an toàn, bảo mật thông tin trong các giao dịch. Không chỉ riêng Việt Nam, tại một số nước có tỷ lệ sử dụng hệ thống thanh toán phi tiền mặt cao, công chúng cũng đặt nhiều sự quan tâm tới vấn đề này.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN) nhận định "hệ thống thanh toán của Việt Nam đảm bảo an toàn".

Bên cạnh các quy trình, nghiệp vụ, NHNN cũng đánh giá các rủi ro mà hệ thống thanh toán gặp phải để có những giải pháp đảm bảo an toàn. Các hệ thống thanh toán của ngành ngân hàng đều áp dụng biện pháp bảo vệ nhiều tầng, sủ dụng công nghệ để nhận biết các hành vi của khách hàng nhằm phát hiện các rủi ro.

Theo đó, NHNN đã thường xuyên, liên tục rà soát, ban hành mới hoặc sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc tăng cường đảm bảo an ninh, bảo mật các giao dịch ngân hàng và hệ thống thanh toán.

Cơ quan này cũng đóng vai trò đầu mối thường xuyên tiếp nhận các cảnh báo về lỗ hổng bảo mật, gây nguy cơ mất an toàn thông tin từ các Bộ, ngành và các công ty về công nghệ thông tin.

Theo ông Hùng, nhiều TCTD trong nước đã triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh bảo mật như ISO 27001, PCI DSS. Số lượng các tổ chức tín dụng đạt các tiêu chuẩn này đã tăng lên hàng năm.

Cụ thể, tính đến tháng 10/2018, hơn 60% các tổ chức tín dụng đã và đang triển khai áp dụng tiêu chuẩn an ninh dữ liệu thẻ PCI DSS, trong đó có 12 tổ chức tín dụng đạt chứng chỉ PCI DSS.

Đối với tiêu chuẩn ISO 27001, hiện có trên 64% các tổ chức tín dụng đã và đang triển khai áp dụng, trong đó có 13 tổ chức tín dụng đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn này. Đối với các giao dịch điện tử, để đảm bảo an toàn cũng như thuận tiện cho khách hàng, nhiều ngân hàng đã triển khai các giải pháp xác thực mới như xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, tĩnh mạch lòng bàn tay, giọng nói, mống mắt...), chữ ký số trên mobile; thanh toán sử dụng QR code.

Xu hướng ứng dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ thanh toán (Ảnh: P.D)
Xu hướng ứng dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ thanh toán (Ảnh: P.D)

"Tất cả các công nghệ mới trên thế giới, ở Việt Nam chúng ta đều có"

Tại phiên đối thoại, ông Phạm Tiến Dũng cho biết quan điểm của NHNN cũng “rất mở” trong việc áp dụng công nghệ vào thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, NHNN có phương châm “lấy khách hàng là trọng tâm, lấy ứng dụng về mặt công nghệ là nhân tố quyết định”.

Với định hướng như vậy, bên cạnh việc ban hành thẻ chip, NHNN cũng ban hành các quy định về thanh toán phi tiếp xúc (contactless). Tương tự là quá trình ban hành các quy định liên quan tới thanh toán thông qua ví điện tử và thanh toán trên điện thoại di động.

“Các ngân hàng có thể triển khai công nghệ thanh toán tiếp xúc và thanh toán phi tiếp xúc ngay từ hôm nay” - ông Dũng khẳng định.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN, các bộ,ngành ghi nhận việc các ngân hàng Việt Nam đang ứng dụng rất mạnh mẽ công nghệ 4.0. Đối với vai trò quản lý, NHNN tiếp cận dưới góc độ pháp lý, còn các ngân hàng thương mại đang tiếp cận dưới góc độ quản trị và cung ứng dịch vụ.

“Theo thống kê, nhiều quốc gia coi việc ứng dụng công nghệ là một dự án. Ở Việt Nam, hơn 30% ngân hàng được khảo sát coi ứng dụng công nghệ 4.0 là một nhân tố chiến lược trong hoạch định chiến lược phát triển. Điều đó thể hiện khát khao triển khai công nghệ 4.0 trong thực tế của các ngân hàng. Do đó, tất cả các công nghệ mới trên thế giới, ở Việt Nam chúng ta đều có” - ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh. 

Về định hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đại diện NHNN cho biết, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai một số giải pháp lớn nhằm thúc đẩy lĩnh vực này, qua đó giúp định hình và từng bước tạo dựng một xã hội không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Theo đó, NHNN sẽ triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 năm 2019 của Chính phủ.

Đồng thời, NHNN cũng sẽ triển khai có hiệu quả một số đề án chiến lược thuộc lĩnh vực thanh toán; đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); nghiên cứu, áp dụng các ứng dụng giải pháp, công nghệ mới trong thanh toán điện tử tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán như mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc, xác thực trinh sắc học nhằm tăng cường đổi mới, tạo sự phát triển bứt phá trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ thanh toán.

Xã hội không dùng tiền mặt hay xã hội phi tiền mặt dùng để chỉ tình trạng kinh tế mà ở đó, hầu hết các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt hay thanh toán điện tử. Nhờ những lợi thế về tốc độ, bảo mật tăng cường, hiệu quả xử lý và khả năng truy vết, thanh toán điện tử có khả năng tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn vừa mở rộng tài chính toàn diện đến những người dân chưa có tài khoản ngân hàng.

Với việc ứng dụng những thành tựu của công nghệ, nhiều quốc gia đã và đang tiến tới xã hội không dùng tiền mặt. Tại Việt Nam, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.

Mục đích nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về TTKDTM trong nền kinh tế, thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông và tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán.

Trong năm 2018, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và các chương trình an sinh xã hội; Ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và Bộ tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng nhằm tăng khả năng thanh toán liên thông, tăng cường an toàn, bảo mật giao dịch khách hàng./.