Từ vụ thuốc ung thư giả của VNPharma: Thuốc giả ở Việt Nam nhiều hay ít?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vụ án thuốc ung thư giả của VNPharma đã làm rúng động dư luận xã hội, đặc biệt là mới đây, một Thứ trưởng Bộ Y tế đã bị khởi tố vì liên quan. Điều này khiến dư luận lo lắng: Thuốc giả ở ta nhiều hay ít?
Nguyễn Minh Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP VN Pharma – bị xử tù vì tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh (ảnh: PLO)
Nguyễn Minh Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP VN Pharma – bị xử tù vì tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh (ảnh: PLO)

30 - 70% dược phẩm ở các nước đang phát triển là thuốc giả

Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ thuốc giả và thuốc kém chất lượng được ghi nhận cao nhất ở châu Phi (18,7%) và châu Á (13,7%). Tuy nhiên, WHO cho rằng châu Á là nơi có số lượng thuốc giả lớn nhất thế giới. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là các nước cung cấp tới hơn 50% thuốc giả cho khắp thế giới.

Còn Viện nghiên cứu quốc tế chống hàng giả ở Pháp cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ là đầu mối sản xuất và đưa gần 88% thuốc giả và thuốc kém chất lượng vào châu Phi.

Ấn Độ là nền kinh tế xuất xứ chính của dược phẩm giả, là nguồn gốc của 53% tổng giá trị thu giữ dược phẩm và thuốc giả trên toàn thế giới trong năm 2016. Tiếp theo là Trung Quốc với 30% trong giai đoạn 2014-2016, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là 4% và Hồng Kông (Trung Quốc) là 4%.

Một số ước tính khác đưa ra con số tới 30 - 70% các loại dược phẩm ở các nước đang phát triển là thuốc giả. Ở các nước phát triển, tỉ lệ này là khoảng 7%.

Các loại dược phẩm giả thường bị cơ quan hải quan thu giữ trên toàn thế giới gồm thuốc điều trị bệnh sốt rét, tiểu đường, động kinh, bệnh tim, dị ứng, huyết áp, ung thư và bệnh loét dạ dày, thuốc gây mê cục bộ.

Phần lớn các thương hiệu Hoa Kỳ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi buôn bán thuốc giả. Tiếp theo là các nước Anh, Pháp, Áo, Đức và Thụy Sĩ.

Kiểm tra hàng giả tại các quầy thuốc bán lẻ (ảnh: HNM)

Kiểm tra hàng giả tại các quầy thuốc bán lẻ (ảnh: HNM)

Việt Nam làm gì để chống thuốc giả?

Hậu quả của thuốc giả ai cũng biết, là nó ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ người bệnh, gây thêm bệnh tật, thậm chí, gây chết người.

Để chống lại “làn sóng” thuốc giả xâm nhập vào Việt Nam, đặc biệt là sau vụ án VNpharma với những bài học đau lòng để lại, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc ở cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm.

Bộ Y tế đã ban hành Bộ tiêu chuẩn về thực hành tốt, đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc từ khâu sản xuất, kiểm tra chất lượng, bảo quản, phân phối đến lưu hành sử dụng thuốc. Đặc biệt, Bộ này quy định tất cả thuốc của các cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài đã có “tiền sử” vi phạm về chất lượng đều phải được cơ sở kiểm nghiệm Nhà nước kiểm nghiệm trước khi lưu hành.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hàng năm, hệ thống kiểm nghiệm kiểm tra chất lượng khoảng 40.000 mẫu thuốc lưu hành trên thị trường. Kết quả cho thấy, tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng và tỷ lệ thuốc giả phát hiện giảm mạnh qua các năm (hiện tại khoảng 0,8% và 0,02% năm 2020).

Hiện, Việt Nam là một trong số các nước có tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng và thuốc giả thấp nhất.

Ngoài ra, Bộ Y tế đang rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng thuốc, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là công tác hậu kiểm, quản lý nhà thuốc.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kiện toàn hệ thống kiểm nghiệm, kiểm định nhà nước về thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối thông tin đến hệ thống bán lẻ, hệ thống bán buôn trên toàn quốc sẽ được tăng cường. Bộ Y tế cũng sẽ tập trung thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu ngành dược quốc gia đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và công khai, minh bạch giá mua vào/bán ra.

Dùng cơ chế “siết” giá thuốc

Sau một thời gian dài để giá thuốc “nhảy múa”, gây bức xúc trong dư luận, những năm gần đây, tình trạng này đã được ngành y tế kiểm soát bằng nhiều biện pháp.

Bộ Y tế đã ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, giúp cho việc quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc vào cơ sở y tế có hành lang pháp lý rõ ràng trong việc triển khai thống nhất, minh bạch và hiệu quả.

Thị trường dược phẩm các năm qua luôn được bình ổn, giá thuốc duy trì ở mức hợp lý, chỉ số CPI nhóm hàng thuốc luôn thấp hơn so với CPI chung (CPI nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế năm 2020 là 2,15% (chung là 3,23%); 9 tháng đầu năm 2021 là 0,2% (chung là 1,82%).

Những năm gần đây, giá thuốc tại Việt Nam luôn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Giá nhóm thuốc biệt dược gốc và nhóm thuốc generic của các thuốc sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam đều ở mức thấp so với các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Phillipines, Maylaysia) ở hầu hết các nhóm tác dụng điều trị (thuốc điều trị bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường, điều trị tăng mỡ máu, kháng sinh, ung thư).

Từ 2018, tất cả các thuốc lưu hành trên thị trường đều thực hiện kê khai giá theo cơ chế hậu kiểm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động phương án sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh.

Thuốc giả đang là vấn nạn ở nhiều nước

Thuốc giả đang là vấn nạn ở nhiều nước

Bộ Y tế đã công khai giá thuốc kê khai từ năm 2008, công khai giá thuốc trúng thầu từ năm 2011 trên Cổng thông tin điện tử. Đến nay, đã công khai trên 76.000 lượt mặt hàng thuốc kê khai giá được tích hợp lên Hệ thống dịch vụ công cấp độ 4 (từ năm 2019 đã thực hiện dịch vụ công cấp độ 4 đối với các thủ tục kê khai giá); Bộ Y tế cập nhật thường xuyên giá thuốc trúng thầu với số lượt mặt hàng thuốc trúng thầu công bố lần lượt các năm 2018, 2019, 2020 là 61.976, 65.664, 68.479).

Bộ Y tế cũng đã triển khai hiệu quả công tác đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá thuốc: Năm 2019, đấu thầu tập trung cấp quốc gia 238 mặt hàng thuốc tiết kiệm 1.550 tỉ đồng so với giá trúng thầu trung bình năm 2017- 2018; mở rộng và đẩy nhanh tiến độ đấu thầu tập trung quốc gia (tăng từ 5 thuốc lên 50 thuốc) và đàm phán giá (tăng từ 4 thuốc biệt dược gốc lên 681 thuốc), góp phần giảm giá thuốc.

Bộ Y tế cũng ban hành các chính sách ưu tiên trong đấu thầu với các thuốc nội có chất lượng, tăng tỷ trọng sử dụng thuốc nội trong các cơ sở y tế. Tính tổng thị trường thì thuốc nội chiếm khoảng 50% giá trị sử dụng, nếu tính theo số lượng thì thuốc nội chiếm trên 60%, do có giá rẻ.