
Vào mùa Xuân năm 1953, Chiến tranh Lạnh đang gần đến đỉnh điểm và Mỹ đã để mắt đến khu định cư xa xôi Uummannaq, cách Vòng Bắc Cực hơn 700 dặm về phía bắc. Đồng bằng rộng lớn ở rìa tảng băng được coi là địa điểm lý tưởng để mở rộng căn cứ Không quân nhằm phòng thủ chống lại tên lửa của Liên Xô. Nhưng 116 thường dân sống gần đó sẽ phải rời đi.
Theo lệnh của chính phủ Đan Mạch, khi đó cai trị Greenland như một thuộc địa, dân làng vội vã thu dọn đồ đạc và tạm biệt vùng đất nơi tổ tiên họ được chôn cất. Họ đi bằng xe trượt tuyết do chó kéo đến một bán đảo đá cách đó 80 dặm về phía bắc, nơi họ đã dành nhiều tháng sống trong lều trong khi chờ đợi một thị trấn mới, được gọi là Qaanaaq, được xây dựng.
"Những người còn nhớ về sự kiện này đến giờ vẫn chưa nguôi", Toku Oshima, một nhà lãnh đạo cộng đồng ở Qaanaaq, nói với tờ Washington Post vào năm 2023. "Họ vẫn còn đau đớn".

Việc di dời cưỡng bức là một trong những di sản mà Mỹ đã để lại ở Greenland trong Chiến tranh Lạnh. Và giờ đây, di sản đó một lần nữa được nhắc lại, khi Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance đến thăm căn cứ được xây dựng tại nơi từng là Uummannaq.
“Có hai câu chuyện đã cùng tồn tại trong diễn ngôn chính trị của Greenland trong một thời gian dài”, Ulrik Pram Gad, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, cho biết. "Một mặt, Mỹ là một cánh cửa tiềm năng mở ra thế giới. Nhưng mặt khác, Mỹ cũng xâm phạm chủ quyền và đất đai của chúng tôi".
Trong suốt Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã xây dựng hơn một chục cơ sở quân sự ở Greenland. Nhiều cơ sở cuối cùng đã bị bỏ hoang, nhưng một số cơ sở khác đã trở thành nền tảng cho cơ sở hạ tầng của Greenland khi giành được quyền tự chủ từ Đan Mạch. Một căn cứ không quân cũ trên Vịnh Kangerlussuaq từng là sân bay lớn nhất của Greenland cho đến khi một đường băng mở rộng ở thủ đô Nuuk được khánh thành vào cuối năm ngoái.
Trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu nói về việc mua lại lãnh thổ của hòn đảo, nhiều người trong số 56.000 công dân của Greenland hy vọng rằng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ sẽ mang lại cơ hội cho du lịch và đầu tư, ông Gad cho biết. Nhưng ông cho biết những bình luận của Tổng thống và chuyến thăm của ông Vance đã gợi lại nhiều ký ức tiêu cực về hành động của Mỹ trong quá khứ.
"Tâm trạng chung hiện nay giống như kiểu: 'Được rồi, các anh là mối đe dọa đối với chúng tôi'", ông Gad nói.
Thư ký báo chí của ông Vance, Taylor Van Kirk, cho biết các nhà lãnh đạo Mỹ trước đây và chính quyền Đan Mạch hiện tại đã bỏ bê an ninh của Greenland.
"An ninh của Greenland rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh cho phần còn lại của thế giới và Phó Tổng thống mong muốn tìm hiểu thêm về hòn đảo này", Van Kirk viết trong một tuyên bố.

Sau khi hoàn thành vào năm 1953, Căn cứ Không quân Thule – hiện được gọi là Căn cứ Không gian Pituffik – đã trở thành địa điểm diễn ra một số hoạt động bí mật và kỳ lạ nhất của Mỹ tại Bắc Cực. Đây là nơi dàn dựng "Dự án Iceworm", một nỗ lực không thành công nhằm xây dựng một cơ sở vũ khí bên trong một tảng băng. Đây cũng là điểm đến của một máy bay ném bom B-52 đã đâm vào băng trên biển, giải phóng vật liệu phóng xạ vào Vịnh Baffin.
Vì Đan Mạch chính thức cấm vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình nên các hoạt động này được tiến hành mà không có sự nhận thức đầy đủ của chính quyền Đan Mạch hoặc thường dân Greenland. Những hậu quả tiềm tàng của chúng đối với các cộng đồng xung quanh chỉ trở nên rõ ràng sau nhiều thập kỷ, khi các chương trình được giải mật.
Các cuộc khảo sát đáy biển tại địa điểm máy bay ném bom bị rơi đã phát hiện ra tình trạng ô nhiễm plutonium ở các sinh vật sống dưới đáy biển, chẳng hạn như động vật có vỏ. Một nghiên cứu năm 2016 về vật liệu còn sót lại của "Dự án Iceworm" đã cảnh báo rằng nhiên liệu bị bỏ lại và các vật liệu độc hại khác có thể ngấm vào các tuyến đường thủy của Greenland khi lớp băng tan chảy trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang leo thang.
Ngày nay, căn cứ Pituffik đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giám sát không gian và phòng thủ tên lửa; khoảng 150 nhân viên làm việc toàn thời gian tại đây.
"Về mặt chiến lược, vị trí địa lý của Căn cứ Không gian Pituffik rất quan trọng đối với các sáng kiến an ninh quốc tế do Lực lượng Không gian Mỹ và các đối tác trong sứ mệnh của họ thực hiện", một phát ngôn viên của Lực lượng Không gian cho biết trong một tuyên bố.
Năm 2023, cơ sở nằm ở phía tây bắc Greenland này đã được chuyển giao cho Lực lượng Không gian và đổi tên thành Pituffik, theo thuật ngữ mà người bản địa dùng để chỉ khu vực này. Các quan chức cho biết sự thay đổi này nhằm mục đích tôn vinh những người Greenland từng sống ở đó.

Tuy nhiên, một số cư dân Qaanaaq cho biết họ vẫn cảm thấy đau đớn vì phải sống lưu vong. Mặc dù ngôi làng tổ tiên của họ đã được trả lại cho chính quyền Greenland vào năm 2002, hầu hết các công trình đã bị đốt cháy và dân làng bị cấm quay trở lại. Họ cũng bị ngăn không được tiếp cận khu vực săn bắn cũ của mình, Adolf Simigaq, phó chủ tịch của liên đoàn thợ săn địa phương cho biết, thêm rằng khu săn bắn cũ dồi dào hơn nhiều so với nơi họ đang sống hiện nay.
“Trước khi bị di dời, chúng tôi sống ở nơi có nhiều động vật”, ông Simigaq, có cha mẹ nằm trong số những người bị buộc phải rời khỏi Uummannaq, cho biết. “Giờ đây, tôi phải ở đây chỉ vì căn cứ của người Mỹ”.
Cư dân Qaanaaq bắt đầu đòi bồi thường trong vòng vài năm sau khi bị ép di dời, nhưng mãi đến đầu những năm 2000, chính phủ Đan Mạch mới xin lỗi về những gì đã xảy ra. Cuối cùng, cộng đồng này đã nhận được 500.000 kroner (tương đương khoảng 100.000 USD ngày nay) từ Đan Mạch, và chính quyền tự quản của Greenland đã được thêm vào thỏa thuận quốc phòng năm 1951 cho phép Mỹ hiện diện tại Pituffik.

"Thông điệp" của ông Trump gửi tới quân đội Mỹ tại Greenland có gì?

Ông Putin lần đầu đưa ra cảnh báo về kế hoạch kiểm soát Greenland của ông Trump

Đan Mạch hoan nghênh việc Mỹ thay đổi chuyến thăm Greenland
Theo Washington Post
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu