Những ngày gần đây, châu Âu nóng lên với cụm từ “người tị nạn”. Hàng trăm nghìn người tị nạn đang tuyệt vọng trên con đường thoát khỏi cuộc chiến ở quê nhà, tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở châu Âu.
Ở vùng đất mơ ước của người tị nạn, chính phủ các nước đang đau đầu trong việc làm thế nào để tất cả cùng đồng thuận về cách giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Nhiều quan điểm trái ngược về chuyện nên hay không nên chấp nhận làn sóng người tị nạn vào khu vực Schengen gồm 26 quốc gia đang hiển hiện.
Một bên, các nước châu Âu cho rằng một số lượng “khủng” dân di cư sẽ gây căng thẳng cho các nguồn lực của chính phủ, và danh sách những người thất nghiệp sẽ dài thêm. Trái lại, không nhận người nhập cư có thể gây nên cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Giữa cuộc khủng hoảng di cư hiện tại, hãng tin CNN đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy các quốc gia nhận thêm người tị nạn từ Syria, Iraq, Eritrea, Afghanistan… có thể nhận được một số lợi ích đáng kể.
Trước hết, các nước châu Âu có thể hưởng lợi từ nguồn lao động mới với tuổi đời đa số là còn trẻ - những người có khả năng trở thành nhiều ngôi sao sáng trong tương lai thế giới kinh doanh.
“Những người di cư chấp nhận lắm rủi ro để đến được nơi họ muốn thường là người có xu hướng sở hữu tính cách của doanh nhân… việc họ trở thành doanh nhân cũng có thể sôi động hóa một nền kinh tế đã già”, Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Berenberg nhận định.
Lịch sử đã chứng minh nhiều doanh nhân thành đạt từ xuất phát điểm là người di cư.
Nhà sáng lập Apple Steve Jobs - Ảnh: AFP |
Steve Jobs, nhà sáng lập hãng Apple, người đàn ông có tầm ảnh hưởng đáng kể trong giới công nghệ một thập niên vừa qua, là con của một người tị nạn từ Syria.
Năm 1954, mẹ Steve Jobs từ Syria chạy trốn đến San Francisco (Mỹ) để sinh con và tìm bố mẹ nuôi cho đứa bé. Mục đích của bà là để con mình có cuộc sống tốt hơn ở nền kinh tế số một thế giới, chứ không phải sống cuộc đời của một người tị nạn.
Tháng 9.2015, hãng Apple tiếp tục ra mắt dòng máy tính bảng và điện thoại thông minh mới, iPad và iPhone, những siêu phẩm công nghệ mà rất nhiều người trên thế giới đón chờ kể từ năm 2007.
Tỉ phú George Soros - Ảnh: AFP |
Tỉ phú đầu tư người Mỹ gốc Do Thái Hungary, ông George Soros, là một nhân vật nổi tiếng khác xuất thân là người tị nạn.
Tuổi thơ của nhà tỉ phú này gắn liền với những ngày kinh hoàng, khi phát xít Đức tàn sát người Do Thái trong Thế chiến thứ hai. Năm 1947, cậu bé Soros một mình chạy trốn sang London (Anh), bắt đầu cuộc đời khốn khó của dân nhập cư.
Ông từng làm bồi bàn, gác ga tàu hỏa, thu hoạch táo, sơn nhà thuê… trong lúc sống bằng trợ cấp xã hội ở Anh. Sau này, ông đến Mỹ và định cư hẳn tại đây.
Những năm đầu thập niên 1960, Soros khởi động một quỹ đầu tư. Năm 1992, Soros thu lợi lớn từ sự sụt giá của đồng bảng Anh, kiếm được đến 1 tỉ USD trong vòng một tuần. Khi châu Á chìm trong khủng hoảng tài chính 1997, doanh nhân này thu được hàng tỉ đô la Mỹ và hiện nay, tài sản của ông vào khoảng 26 tỉ USD.
Frank Lowy - Ảnh: AFP |
Frank Lowy, đồng sáng lập hãng Westfield Group, cũng từng là một người nhập cư. Lowy sinh ra ở Slovakia, sống những ngày tuổi trẻ ở thành phố Budapest (Hungary) và rời châu Âu trong những ngày hậu Thế chiến thứ hai.
Năm 1952, ông đến nước Úc và ngày nay, ở tuổi 84, ông vẫn thuộc top những người giàu nhất và là một trong những doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn nhất nước Úc.
George Weidenfeld - Ảnh chụp màn hình trangLa Stampa Cultura |
Những gương mặt khác trong danh sách doanh nhân thành đạt từng là người tị nạn gồm người gầy dựng đế chế xuất bản Anh Weidenfeld & Nicolson, ông George Weidenfeld; nhà đồng sáng lập đại gia công nghệ Google, ông Sergey Brin và người sáng tạo ứng dụng nhắn tin WhatsApp, ông Jan Koum.
Người tạo ra ứng dụng nhắn tin WhatsApp Jan Koum - Ảnh: Reuters |
George Weidenfeld , chủ nhân đế chế xuất bản Anh Weidenfeld & Nicolson, gầy dựng cơ đồ sau khi thoát khỏi Đức quốc xã và rời khỏi nước Áo, đến Anh quốc vào năm 1938. Ngoài việc kinh doanh, ông Weidenfeld còn là thành viên của Quốc hội Anh. Gần đây, ông thành lập một quỹ từ thiện hỗ trợ 2.000 gia đình người tị nạn từ Syria và Iraq.
Sergey Brin rời Nga vào cuối thập niên 1970 với gia đình khi còn là một đứa trẻ. Nhiều năm sau đó, ông gặp gỡ Larry Page ở Đại học Stanford và bộ đôi này bắt tay vào con đường nghiên cứu công cụ tìm kiếm trên internet hoàn hảo. Hiện nay, ông Brin đang lãnh đạo các dự án đặc biệt tại công ty. Tài sản của ông vào khoảng 30 tỉ USD.
Theo Thanh Niên