Tự động hóa toàn cầu: ai đã sẵn sàng, ai đang gặp rắc rối?

Một làn sóng tự động hóa giữa các ngành công nghiệp có thể dẫn đến sự biến động về việc làm, chính trị…, ít nhất là đối với các quốc gia chưa có sự chuẩn bị kỹ càng.

Theo ZDNet, đầu năm 2017, các cố vấn kinh tế và khoa học hàng đầu của Tổng thống Obama đã viết một báo cáo có tựa đề "Trí tuệ nhân tạo, Tự động hóa và Nền kinh tế" (Artificial Intelligence, Automation, and the Economy).

Bản báo cáo là một sự so sánh rõ ràng dữ liệu hiện tại với các dự đoán liên quan đến việc áp dụng công nghệ tự động hóa và AI bắt đầu từ khoảng năm 2010.

Các nhà phân tích nhận thấy rằng ngày mà robot thay thế tất cả công nhân vẫn còn rất xa. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu do công nghệ tự động hóa là không thể phủ nhận và không thể ngăn cản.

Lorenzo Fioramonti, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Pretoria, cho biết: "Sự khác biệt cơ bản giữa hiện tại so với quá khứ là các công nghệ tự động hóa ngày nay rất thông minh và có khả năng học hỏi".

Báo cáo của Nhà Trắng cũng phát hiện ra rằng các nhà lãnh đạo trên toàn cầu hầu hết không được thông tin và chưa có những sự chuẩn bị để đối phó với những hậu quả của biến động sắp tới.

Automation Readiness Index – chỉ số sẵn sàng tự động hóa - xếp hạng các quốc gia dựa trên mức độ sẵn sàng của họ cho sự phát triển của tự động hóa thông minh (một cụm từ có thể tạm hiểu là đại diện cho máy học và AI) và khả năng phát triển nó vào các lĩnh vực và hoạt động hiện có.

Trên thực tế, không một quốc gia nào cung cấp được một kế hoạch chi tiết khả thi để xử lý các vấn đề liên quan đến lao động, kinh tế và xã hội sắp tới do ảnh hưởng của tự động hóa.

Tuy nhiên, vẫn có một số quốc gia làm tốt hơn phần còn lại.

Cụ thể, Hàn Quốc, Đức và Singapore đã đầu tư vào các chương trình đào tạo lại nghề nghiệp, xem xét các sáng kiến giáo dục STEAM, ưu đãi thuế và cải cách với mục tiêu đáp ứng các thách thức do tự động hóa đặt ra.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi những nước này đứng đầu chỉ số sẵn sàng của ABB (là một tập đoàn dẫn đầu về ngành công nghiệp năng lượng và công nghệ tự động hóa – và cũng chính ABB đưa ra các tiêu chuẩn cho chỉ số sẵn sàng tự động hóa).

Theo bảng xếp hạng của ABB, Hoa Kỳ xếp thứ 9. Vương quốc Anh xếp thứ 8 và Úc xếp thứ 10. Việt Nam xếp thứ 24 trên 25 nước được chấm điểm, chỉ xếp trên Indonesia.

Báo cáo trên còn khẳng định các nước có mức thu nhập trung bình sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất bởi tự động hóa và sẽ có khả năng thích nghi kém hơn trước những khó khăn mà quá trình này đem lại.

Một phần nội dung bản báo cáo cho biết: "Những thiếu sót trong giáo dục kỹ năng cơ bản (cùng với các điểm yếu khác) sẽ cản trở nghiêm trọng các quốc gia ở Nam và Đông Nam Á khi họ cố gắng tận dụng cơ hội của tự động hóa".

Nhiều nước đã tìm cách thích ứng với quá trình tự động hóa thông qua con đường giáo dục. Nhưng nhìn chung, vẫn còn rất ít quốc gia trang bị cho các thế hệ công dân tương lai của họ kiến thức về tự động hóa thông qua giáo dục.

Theo Báo Diễn đàn đầu tư

http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/2471593/tu-dong-hoa-toan-cau-ai-da-san-sang-ai-dang-gap-rac-roi