Nếu như mã số bưu chính được sử dụng, việc phân loại thư từ, bưu kiện mới có thể thực hiện tự động bằng máy, không phải thực hiện thủ công. Có như vậy, việc chuyển thư từ, bưu kiện tới các địa chỉ người nhận mới rút ngắn được thời gian. Tuy nhiên, trên thực tế việc này ở Việt Nam vẫn hoàn toàn không thể ứng dụng tự động hóa do người gửi dường như chẳng ai biết và ghi ra mã số bưu chính của người nhận lên bì thư, bưu kiện của mình.
Bà Trần Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Thời gian qua, để đáp ứng yêu cầu đời sống kinh tế - xã hội, hầu hết các nước trên thế giới đã xây dựng hệ thống mã bưu chính của mình và các hệ thống mã bưu chính đều được phổ cập rộng rãi trong đời sống nhân dân. Mã bưu chính quốc gia Việt Nam được xây dựng từ năm 2004, có cấu trúc 6 ký tự, trong triển khai đã nảy sinh một số bất cập. Ví dụ, cấu trúc mã bưu chính chưa thực sự dễ nhớ, dễ sử dụng cho mọi người dân. Bên cạnh đó, việc quảng bá, phổ biến cho người dân biết cách sử dụng mã bưu chính chưa hiệu quả như mong muốn. Mã bưu chính chưa đi vào thực tiễn sử dụng của toàn xã hội. Người dân và nhiều cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, tổ chức chưa thực sự hiểu và biết đến mã bưu chính. Việc ứng dụng mã bưu chính trong lĩnh vực kinh tế - xã hội thể hiện nhiều sự hạn chế.
Từ những bất cập đó, sau một thời gian nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BTTTT quy định bộ mã bưu chính quốc gia mới với cấu trúc 5 ký tự. Việc này nhằm giúp người dân dễ nhớ, thuận tiện sử dụng hơn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp bưu chính trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, theo những người trong cuộc, việc tuyên truyền, phố biến tới người dân và doanh nghiệp, tổ chức mới là quan trọng nhất. Việc này đương nhiên cũng phải tốn nhiều chi phí và có thể khẳng định chắc chắn là một mình ngày bưu điện không thể tự làm được.
Ai cũng thấy, mã bưu chính là gắn với địa phương và cụ thể là tới tận cấp xã, phường, thị trấn. Vì thế, để việc sử dụng mã bưu chính được phổ cập tới toàn dân, ngành bưu điện phải có sự hợp tác của chính quyền cơ sở và đó phải được coi là trách nhiệm của chính họ. Mỗi xã, phường, thị trấn và nhỏ hơn là các thôn, tổ dân phố đều phải gắn với một mã số bưu chính cụ thể, rõ ràng. Người dân và doanh nghiệp, tổ chức đóng trên địa bàn đó phải luôn nhớ và ý thức được việc sử dụng mã số bưu chính của mình để thông tin tới các đối tác, bè bạn. Có như vậy, những lá thư, bưu kiện được gửi đến cho họ mới có thể có thêm được những mã đó được ghi lên và việc phân loại bằng máy của các bưu cục mới thực hiện được.
Nhìn vào, có thể thấy đây là việc không khó về mặt kỹ thuật nhưng cái khó nằm ở chính nhận thức của cộng đồng. Hy vọng, các bưu điện địa phương và chính quyền 63 tỉnh, thành phố sẽ sớm vào cuộc để tuyên truyền việc này vì một trách nhiệm chung. Tin rằng, nếu thực hiện được thì chính người dân, doanh nghiệp, tổ chức sẽ chính là đối tượng được hưởng lợi vì những lá thư, bưu phẩm gửi đến cho họ sẽ có hành trình nhanh hơn.