Đây là thông tin từ Hội thảo tuyên truyền Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hôm 29/10.
Đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế đều khẳng định, các mục tiêu chính của Nghị quyết 128 là vừa bảo đảm kiểm soát dịch, vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Hợp nhất mã QR trên các ứng dụng phòng chống Covid-19
Tại hội thảo, nhiều ý kiến phản ánh về việc người dân vẫn gặp khó khăn khi quét mã QR vì mã QR của mỗi người trong mỗi ứng dụng (app) chống dịch khác nhau, trong khi các trạm kiểm soát vẫn yêu cầu các app khác nhau nên không khớp mã QR.
Thông tin vấn đề này, ông Đỗ Công Anh - Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cho biết Bộ đã phối hợp với Bộ Công an thống nhất việc triển khai mã QR trên các app chống dịch hiện nay. Từ ngày 1/11, có thể triển khai đồng bộ app PC-Covid và thống nhất mã QR trên các app liên quan chống dịch, triển khai trên cả nước.
“Sáng 29/10, Bộ TT&TT đã làm việc với Bộ Công an để thống nhất về vấn đề về kỹ thuật, dùng mã QR cho 2 ứng dụng. Người dân dùng mã QR-Code ở trên VNEID, PC-Covid, in ra hay dùng mã QR trên căn cước công dân, mã QR trên thẻ bảo hiểm xã hội thì PC-Covid đã đáp ứng được toàn bộ vấn đề này. Hiện trên cả nước có 2 triệu điểm quét mã QR PC-Covid. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Công an để thống nhất để 1/11/2021 dùng chung 1 mã QR cho 2 ứng dụng là VNEID và PC-Covid, 2 bên đều phải quét được nhau, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân”, ông Công Anh nêu rõ.
Được biết, đây là mã QR cá nhân trên các ứng dụng chống dịch đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập từ 11/9. Theo đó, mỗi người dân có một mã QR duy nhất dù sử dụng ứng dụng nào. Hiện PC-Covid, Sổ sức khỏe điện tử và một số ứng dụng của địa phương như Hue-S đã liên thông mã QR và có thể quét lẫn nhau. Tuy nhiên, VNeID vẫn sử dụng mã QR riêng. Nếu việc liên thông được hoàn thành đúng hạn, người dân có thể sử dụng bất cứ ứng dụng nào để nhận và quét mã QR từ tuần tới.
Đối với việc quét mã QR được triển khai tại các địa điểm đông người, các cửa hàng, trụ sở cơ quan…, các đơn vị có thể vào vào trang qr.tokhaiyte.vn hoặc qr.pccovid.gov.vn để đăng ký việc kiểm soát, sau đó là in mã QR dán ở cửa hoặc cho nhân viên lễ tân, nhân viên bảo vệ quét ứng dụng PC-Covid của người đi vào và khi đó sẽ kiểm soát đc việc di chuyển.
Mã QR trên các ứng dụng chống dịch hiện nay là phiên bản 1.1, chứa chuỗi thông tin gồm số CMND/CCCD, họ tên, ngày sinh, mã người dùng trên nền tảng QR quốc gia, kiểu dữ liệu (tự khai hay khai hộ), cùng một số thông tin mở rộng như: giới tính, số điện thoại, mã số thẻ bảo hiểm...
Lộ trình tiêm vaccine
Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện Việt Nam đã tiếp cận trên 107 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 và đã phân bổ hơn 78 triệu liều cho các địa phương. Việc tiếp cận vắc xin thời gian qua tuy rất tích cực nhưng số lượng vắc xin về nước ta chưa đạt yêu cầu. Trước đây, đối tượng ưu tiên tiêm chủng là người từ 50 tuổi trở lên. Hiện nay, Bộ Y tế tiếp tục mở rộng đối tượng tiêm chủng cho trẻ em.
"Lộ trình tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em phải ưu tiên cho khu vực nguy cơ cao trước. Căn cứ tình hình dịch và số lượng vắc xin, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch để phân bố vắc xin về các địa phương để tiêm cho trẻ 12-17 tuổi. Trước mắt, đang triển khai tiêm ưu tiên nhóm 16-17 tuổi. Hiện, nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch và rà soát đối tượng tiêm. Trong các loại vắc xin Covid-19 đã được cấp phép, mới có 2 loại có thể tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna của Mỹ", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng đề cập vấn đề hộ chiếu vaccine. Theo Thứ trưởng, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và Bộ TT&TT thực hiện. Đến nay, Việt Nam đã công nhận hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Việt Nam ngay từ đầu đã ban hành giấy chứng nhận tiêm đủ 2 mũi cả tiếng Việt và tiếng Anh. Bản chất "hộ chiếu vaccine" là giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine theo quy định. Bộ Y tế đã ban hành mẫu với 2 thứ tiếng (Anh-Việt), đồng thời cung cấp cho Bộ Ngoại giao và các đại sứ quán ở Hà Nội, dữ liệu tiêm vaccine này cũng sẽ được cập nhật vào nền tảng công nghệ thông tin để kiểm tra bằng mã QR”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Cùng với việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những điểm có người về từ thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương và các địa bàn dịch Covid-19 cấp độ 3, 4...