Từ 'cú sốc' Hà Giang, CEO School@net đề xuất chuyển việc chấm cuối bài thi THPT về Bộ GD&ĐT

Trên cơ sở phân tích sơ hở dẫn đến gian lận điểm thi tại Hà Giang, CEO School@net Bùi Việt Hà cho rằng không nên để việc chấm cuối cùng, trực tiếp bằng máy bài thi THPT Quốc gia ở các địa phương, mà nên chuyển toàn bộ việc chấm cuối cùng này về Bộ GD&ĐT.

Ông Bùi Việt Hà, Giám đốc Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường - School@net (Nguồn ảnh: http://www.vnschool.net)

Sự việc điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 cao bất thường ở Hà Giang đã trở thành một “cú sốc” thực sự đối với ngành giáo dục cũng như dư luận cả nước. Từ vụ việc ở Hà Giang, nghi vấn gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm nay đã lan sang nhiều địa phương khác như Sơn La, Lạng Sơn, Điện Biên, Kon Tum, Lai Châu… Lãnh đạo một trường Cao đẳng nghề tại Hà Nội đã bình luận đây là một sự đổ vỡ niềm tin với ngành giáo dục nước nhà.

Những ngày vừa qua, nhiều chuyên gia giáo dục, chuyên gia CNTT đã bày tỏ sự băn khoăn, trăn trở về cách thức tổ chức, chấm thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT Quốc gia hiện nay và đưa ra những đề xuất, góp ý với Bộ GD&ĐT với mong muốn góp phần vào sự thay đổi để kỳ thi THPT Quốc gia những năm tới được bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch trong tất cả các khâu.

Theo phân tích của ông Bùi Việt Hà, Giám đốc Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường - School@net, vị chuyên gia đã có hơn 30 năm hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục và CNTT, việc gian lận, nâng điểm thi THPT Quốc gia cho hàng trăm thí sinh tại Hà Giang đã được cán bộ Sở GD&ĐT Hà Giang khai thác các sơ hở trong quy trình chấm thi. Quy trình chấm gồm các bước: Bài thi của thí sinh (1) --> Scan vào máy tính như 1 ảnh (2)--> Chuyển ảnh này sang dạng text file (3 - đây chính là pha nhận dạng ảnh và đưa kết quả ra) --> Chuyển text file này vào máy chấm (4) --> Chấm tự động và ra điểm (5). Ông Hà cho rằng, tồn tại sơ hở ở công đoạn từ bước 3 sang 4 và Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang Vũ Trọng Lương đã “thay đổi text file bài thi của thí sinh và chuyển tệp đã thay đổi này vào máy chấm”.

Qua tìm hiểu quy trình tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia hiện nay, ông Bùi Việt Hà cũng nhận xét: “Sơ qua cũng đủ thấy tất cả các khâu gian lận đều thường nằm ở các Sở GD&ĐT của các tỉnh. Vì vậy, ngay từ khi Bộ GD&ĐT có chủ trương làm kỳ thi 2 trong 1, đã có nhiều góp ý là cần bỏ cái gọi là Hội đồng thi địa phương do các Sở GD&ĐT chủ trì vì dễ bị tiêu cực nhưng Bộ vẫn duy trì các Hội đồng này”.

CEO Công ty School@net Bùi Việt Hà cũng cho biết, chốt lại có 2 điểm sơ hở rõ nhất, dễ gian lận nhất và cần phải thay đổi, trong đó có việc Phiếu thi không có phách nên thông tin thí sinh (SBD) luôn hiện trên màn hình trong suốt thời gian scan, nhận dạng, chỉnh sửa. “Điều này cần khắc phục ngay, làm sao để khi chuyển sang bước nhận dạng trước khi chấm thì thông tin thí sinh đã bị che mất khỏi màn hình. Điều này có rất nhiều cách giải quyết”, ông Hà nói.

Lỗ hổng thứ 2 theo phân tích của ông Hà nằm ở khâu chấm tự động, đó là: dữ liệu đầu vào của chương trình chấm là text file nên dễ dàng bị hack, sửa đổi và vấn đề quan trọng hơn cả vẫn là con người, con người đã cố tình gian lận sẽ tìm mọi cách thực hiện. “Việc để các Hội đồng thi ở địa phương trực tiếp vận hành công tác chấm cuối cùng là một sơ hở lớn”, ông Hà nhấn mạnh.

Trên cơ sở phân tích, chỉ ra những sơ hở, lỗ hổng dễ dẫn đến gian lận, tiêu cực trong công tác thi, chấm thi THPT Quốc gia hiện nay, ông Bùi Việt Hà đưa ra những góp ý cụ thể Bộ GD&ĐT nên thay đổi trong quy trình chấm và công tác chấm thi.

Cụ thể, ông Hà cho rằng cần có thêm 1 kỹ thuật cho phép sau khi scan bài làm của thí sinh (gửi về Bộ GD&ĐT bản gốc) thì nhận dạng sẽ chia làm 2 giai đoạn: (1) nhận dạng phần thông tin chung (phách phía trên) và (2) nhận dạng phần bài làm phía dưới. Khi nhận dạng phần (2) thì thông tin thí sinh cần phải xóa đi, ẩn đi, che lấp đi trên màn hình (và có thể cả hình ảnh nữa). Như vậy qui trình sẽ phải tăng thêm được 1 bước bảo mật.

Bên cạnh đó, ông Hà cũng đề xuất, không nên để việc chấm cuối cùng, trực tiếp bằng máy ở các địa phương, Hội đồng thi nữa; mà nên chuyển toàn bộ việc chấm cuối cùng này về Bộ GD&ĐT và xử lý chấm tập trung trong phòng máy tính của Bộ GD&ĐT. Như vậy, các Hội đồng thi do các Sở GD&ĐT địa phương chủ trì sẽ chỉ đảm trách việc xử lý sơ bộ thông tin chấm thi.

Lưu ý về mức độ xử lý thông tin chấm thi của các Hội đồng thi trước khi chuyển về Bộ GD&ĐT, ông Hà gợi ý phương án các Hội đồng thi xử lý đến mức ra được các tệp bài làm của thí sinh. Nếu các tệp này là text file thì cần mã hóa ngay lập tức trước khi chuyển về Bộ GD&ĐT. Đồng thời, ông Hà cũng cho rằng, việc mã hóa này cần tiến hành tự động trong chương trình.

“Với những thay đổi kể trên, tôi nghĩ rằng việc gian lận sẽ khó hơn rất nhiều. Tất nhiên không có gì là tuyệt đối cả. Theo tôi, các yêu cầu trên, Công ty thực hiện chương trình chấm thi hiện nay sẽ dễ dàng nâng cấp để thỏa mãn các điều kiện trên”, ông Hà chia sẻ.

Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường School@net được thành lập tháng 12/1998 với mục đích thiết kế các giải pháp phần mềm ứng dụng Tin học trong Nhà trường. Cho đến nay, School@net đã hoàn thiện hơn 200 sản phẩm phần mềm đóng gói trên PC và hàng nghìn phần mềm, bài học, bài ôn luyện trên trang Cùng học (cunghoc.vn) cho ngành giáo dục. Các sản phẩm của School@net rất đa dạng từ các đĩa CD đóng gói phục vụ học tập, nâng cao kiến thức, thư giãn giải trí đến các phần mềm phục vụ chuyên sâu phức tạp như Learning Math, TKB, School Viewer, iQB, TKBU từ các sản phẩm đóng gói chạy trên PC đơn lẻ đến các giải pháp ứng dụng trên mạng máy tính. School@net cũng đã đăng ký bản quyền tác giả và nhãn hiệu thương mại với hơn 100 sản phẩm quan trọng của mình và là một trong những doanh nghiệp có số lượng bản quyền tác giả phần mềm được đăng ký nhiều nhất tại Việt Nam.

Theo ICT News

http://ictnews.vn/cntt/tu-cu-soc-ha-giang-ceo-school-net-de-xuat-chuyen-viec-cham-cuoi-bai-thi-thpt-ve-bo-gd-dt-170049.ict