Bộ Y tế cho biết, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp với số trường hợp mắc tăng nhanh tại nhiều nước trên thế giới trong đó có các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Hiện, nhiều người dân từ các nước có dịch đang đi qua Campuchia để vào Việt Nam. Vì thế, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam từ các nước thuộc EU và Camphuchia rất lớn.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện áp dụng khai báo y tế đối với COVID-19.
Hành khách nhập cảnh vào Việt Nam có thể khai báo y tế qua tờ khai y tế và khai báo y tế theo hình thức điện tử.
Để hỗ trợ hành khách khai báo y tế và sàng lọc tờ khai y tế, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị bố trí phiên dịch tiếng Anh, tiếng Khmer làm việc tại các cửa khẩu.
Theo Bộ Y tế, ngay khi hành khách nhập cảnh, kiểm dịch viên y tế phải làm thủ tục nhập cảnh chỉ dẫn hành khách đến bộ phận kiểm dịch y tế để khai tờ khai y tế khi làm thủ tục nhập cảnh đối với hành khách đến từ hoặc đi qua các nước thuộc EU và Camphuchia. Tại đây, kiểm dịch viên y tế và cán bộ phiên dịch có trách nhiệm hướng dẫn hành khách khai báo y tế và đóng dấu xác nhận theo quy định.
Khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh do COVID-19, kiểm dịch viên y tế áp dụng các biện pháp kiểm dịch y tế theo quy định.
Các Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng/Trung tâm Kiểm soát bệnh tật có hoạt động kiểm dịch y tế phải tổ chức in và cấp phát tờ khai y tế bảo đảm chất lượng và đủ về số lượng cho hành khách thực hiện khai báo y tế; cung cấp miễn phí tờ khai y tế tại các cửa khẩu.
Từ đó, triển khai khu vực dành cho khai báo y tế tại khu vực cửa khẩu đến (bố trí biển chỉ dẫn, bàn, ghế, bút, tờ khai, người hướng dẫn...); trang bị con dấu liền mực cho kiểm dịch viên y tế để xác nhận vào tờ khai y tế (con dấu nhảy được ngày, tháng, năm; có dòng chữ “đã kiểm tra”).
Kết thúc ngày làm việc, các đơn vị cần lập danh sách các trường hợp phải khai báo y tế gửi đến Trung tâm Y tế dự phòng/Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của các địa phương nơi các trường hợp này đến cư trú, tạm trú hoặc lưu trú để theo dõi sức khỏe hàng ngày (trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam) theo hướng dẫn của Bộ Y tế, báo cáo tổng số người được khai báo y tế đã thực hiện tại địa phương về Cục Y tế dự phòng tại địa chỉ website: http://baocaokdyt.com.
Cùng với đó, kiểm dịch viên y tế cần kiểm tra và hướng dẫn các hình thức khai báo y tế của hành khách theo quy định; đóng dấu xác nhận vào tờ khai y tế; lưu trữ tờ khai y tế theo quy định.
Khi phát hiện hành khách khai báo có triệu chứng sốt, ho, khó thở, viêm long đường hô hấp, kiểm dịch viên y tế cần yêu cầu hành khách cách ly ngay tại các cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
46 UBND tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Kon Tum, Khánh hòa, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Tây Ninh, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Điện Biên, Tiền Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Long An, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng tàu, Phú Yên, Kiên Giang, Lai Châu, Nghệ An, Đồng Tháp, Nam Định, Bình Phước, Sơn La, Cà Mau, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắc Lắc, Bình Dương, Trà Vinh, Vĩnh Long. |