- Hôm nay là một ngày đặc biệt, khi buổi ra mắt cuốn sách "Nơi đầu sóng" và triển lãm ảnh cùng tên được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 74 năm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2019). Là một người đã từng đặt chân tới Trường Sa - nơi đây đã để lại trong anh những kỷ niệm gì?
Tôi ra Trường Sa vào tháng 5/2016, cách đây vừa tròn 3 năm. Khi có tên trong danh sách đi Trường Sa, tôi có cảm giác như một chuyến đi công tác bình thường, lúc đó chưa có cảm giác gì đặc biệt.
Nhưng sau 2 ngày lênh đênh trên biển, và đặt những bước chân đầu tiên lên hòn đảo Cô lin của Trường Sa thì tôi vô cùng xúc động. Những bạn đi cùng tôi thậm chí đã bật khóc khi đặt chân lên đảo. Cảm giác của tôi và tất cả mọi người trong đoàn lúc đó thực sự rất khó tả. Tôi nhận thấy rằng mình đã đặt chân lên vùng đất, vùng lãnh thổ máu thịt của dân tộc và mỗi người cần phải có một phần trách nhiệm và sự gắn bó hết sức đặc biệt ở đó.
TS. Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc Nhà xuất bản Văn học tại lễ ra mắt sách "Nơi đầu sóng"
|
- Anh có cảm nhận như thế nào về cuộc sống của người dân và các chiến sĩ trên đảo Trường Sa?
Trong chuyến đi 3 năm trước, tôi đã được đi 10 đảo và 1 nhà giàn với 12 ngày lênh đênh trên biển. Cảm giác đầu tiên của tôi là sự khâm phục đối với những ngưởi lính đang ngày đêm canh giữ trên những hòn đảo của quần đảo Trường Sa. Đối với những đảo lớn, cuộc sống ở đó có thể nói là đầy đủ hơn so với những đảo nhỏ.
Khi ra ngoài khơi, giữa mênh mông của mặt biển tôi mới nhận thấy những hòn đảo ở Trường Sa giống như những "Đảo chìm" trong cuốn bút ký của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Từ đó, tôi có cảm nhận vô cùng sâu sắc về sự bất an, bấp bênh của những người lính đang ngày đêm canh giữ nơi tuyến đầu của tổ quốc.
Qua chuyến đi, tôi thấy rằng không phải đảo nào trên quần đảo Trường Sa cũng có người dân sinh sống, mà chỉ có một số đảo lớn mới có cư dân. Họ thực sự là những "cột mốc sống" của dân tộc trên bờ biển. Tức là họ chấp nhận sự biệt lập với đời sống xung quanh. Cuộc sống trên đảo diễn ra không khác nhiều so với đất liền, cũng có sinh hoạt, chăn nuôi, trẻ em đến trường,... nhưng thực sự vẫn luôn thiếu thốn vô cùng.
Trải nghiệm cuộc sống cùng những người dân trên đảo, tôi cảm nhận được sự bất an, những khó khăn, gian khổ của người dân sinh sống trên hòn đảo hằng ngày lênh đênh giữa biển khơi đầy sóng và gió.
- Đến Trường Sa, sau khi được trải nghiệm cuộc sống nơi đây, anh thấy khó khăn lớn nhất là gì?
Ở những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa tứ bề đều là nước mặn thì nước ngọt thực sự là "quý hơn vàng" đối với những người dân và chiến sĩ trên đảo. Trước đó, nước ngọt và rau xanh được đưa ra từ đất liền theo thời hạn định kỳ, nước mưa được tích trữ để tránh thiếu nước ngọt, còn các khoảnh đất được tận dụng để trồng rau. Có thể thấy đây là một sự thiếu thốn đối với hầu hết người dân và những anh em chiến sĩ ở những đảo nhỏ, ngoài khơi xa.
- Anh có nhắn nhủ gì đến độc giả sau khi cuốn sách "Nơi đầu sóng" được ra mắt?
Với cuốn sách "Nơi đầu sóng", tôi mong muốn độc giả sẽ có những cái nhìn bình dị, chân thật đến mức không thể chân thật hơn về đời sống của những người lính và cư dân đang ngày đêm bám biển để giữ vững cột mốc chủ quyền của dân tộc. Cùng với đó, lan tỏa tình yêu về biển đảo quê hương và chủ quyền của dân tộc đến với nhiều người, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Trong tương lai, tôi hy vọng sẽ có thật nhiều hơn nữa các tác phẩm thực sự viết về biển đảo, đến tận nơi "mắt thấy, tai nghe" ghi lại cho bạn đọc hôm nay và thế hệ mai sau, về cuộc sống của chiến sĩ và người dân như những "cột mốc sống" của dân tộc trên biển.
Thực hiện: Minh Thúy