Chặng đường 50 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, các thế hệ thầy, trò và nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn tự hào về ngôi trường giàu truyền thống, có bề dày thành tích, có vai trò quan trọng trong đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn lao động cho địa phương và cho đất nước.
Những năm tháng không thể nào quên
Thầy giáo Nguyễn Minh Tuân (cựu học sinh khóa 1986-1989), Hiệu trưởng Nhà trường, điểm lại những dấu mốc trong lịch sử 50 của Trường: Sau 22 năm Văn Bàn được giải phóng, ngày 08/10/1972 Trường phổ thông cấp 3 Văn Bàn được thành lập theo quyết định của UBND Tỉnh Yên Bái (khi đó Văn Bàn thuộc tỉnh Yên Bái) nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong huyện.
Lãnh đạo Huyện Văn Bàn, Phòng Giáo dục chụp ảnh cùng các thầy cô giáo năm học 1983-1984. Ảnh: tư liệu Trường THPT Văn Bàn |
Nhà trường được thành lập trong những năm tháng giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc ác liệt nhất, với tên khai sinh là phổ thông cấp III Văn Bàn. Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường là thầy giáo Ngô Văn Thư. Cùng đến trường ở khóa học đầu tiên còn có các thầy: Nguyễn Văn Cúc; Hán Văn Nghị. Đó là lớp thầy giáo đầu tiên đến từ các miền quê Nam Định, Hoà Bình, Phú Thọ, hội tụ về đây cùng nhau chung tay, góp sức xây dựng nên một ngôi trường mới bằng tranh, tre, nứa, lá tại bản Thuông xã Khánh Yên Thượng trong điều kiện muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Năm học đầu tiên của khoá học 1972 - 1975, nhà trường chỉ có 01 lớp 8 với 27 học sinh và 3 thầy cô giáo. Sau 03 năm được thành lập, đến năm 1975 nhà trường có 03 lớp với 72 học sinh và cán bộ giáo viên….
Năm 1974, trường di chuyển về vị trí hiện tại, trên một khu đồi cao thuộc trung tâm huyện (giờ là thị trấn Khánh Yên), cơ sở vật chất vẫn là tranh tre nứa lá. Những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, thầy và trò rất vất vả trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc dạy và học, tự vào rừng chặt gỗ, chặt vầu, chặt nứa, xin lá cọ về làm phòng học, dựng ký túc xá. Nhà trường phát động phong trào cùng nhau trồng rau, nuôi gà, lợn để cải thiện bữa ăn, tình thầy trò càng thêm gắn bó, ấm áp. Đồng thời, trường chú trọng xây dựng nền nếp, kỷ cương, tuyển sinh, tổ chức giảng dạy, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục của nhà trường và ngành giáo dục tỉnh Yên Bái (Văn Bàn trong những năm 1972-1976 thuộc tỉnh Yên Bái).
Khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, thầy và trò nhà trường đã thực hiện tốt phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”. Những học sinh đầu tiên của nhà trường thi đỗ đại học, sau này đều thành đạt và có nhiều cống hiến cho quê hương như anh Lục Phúc Toán – Đại học Tổng hợp Văn (năm học 1974-1975); anh Trần Bình – Đại học Kinh tế Quốc dân, chị Bùi Thị Kim Dung – Đại học Y khoa, chị Nguyễn Thị Quyến – Đại học Nông nghiệp 3, anh La Văn Tiên – Đại học Lâm nghiệp (năm học 1975-1976) v.v.
Năm học 1978-1979, Trường phổ thông cấp 3 Văn Bàn đã bước sang một giai đoạn mới, nhà trường được xây một dãy nhà cấp 4 với 6 phòng học, khang trang hơn với một khí thế mới, diện mạo mới. Mặc dù cơ sở vật chất vẫn còn hết sức khó khăn, thiếu thốn song quy mô số lượng học sinh của nhà trường tiếp tục phát triển, số lượng học sinh giỏi, học sinh tiên tiến không ngừng tăng qua các năm. Nhiều năm liên tục, trường đạt danh hiệu “Trường tiên tiến”, tổ chức Công đoàn “Vững mạnh”, Đoàn thanh niên được xếp loại “Xuất sắc”, Chi bộ nhà trường đạt danh hiệu “4 tốt”.
Tháng 2 năm 1979 xảy ra chiến sự biên giới, cùng với cả nước và nhân dân huyện Văn Bàn, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường đã tích cực hưởng ứng tham gia các hoạt động phục vụ mặt trận như tham gia tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác sẵn sàng chiến đấu; nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc; đào hào, tham gia hướng dẫn nhân dân tuyến 1 sơ tán về địa bàn và một số xã trọng điểm trong huyện, góp phần xây dựng địa phương thành tuyến phòng thủ vững chắc. Trong các cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến sự bảo vệ biên giới phía Bắc, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lớp lớp các thế hệ học sinh của nhà trường đã nối tiếp nhau lên đường nhập ngũ, chiến đấu lập nhiều chiến công xuất sắc. Nhiều người con của Văn Bàn trong đó có học sinh của Trường phổ thông cấp 3 Văn Bàn đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc như: liệt sỹ Nguyễn Văn Lừng, liệt sỹ Bùi Văn Đông,...
Trong những năm 80 của thế kỷ XX, tình hình kinh tế hết sức khó khăn do đất nước bị bao vây cấm vận, hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại và cơ chế bao cấp kéo dài. Tuy nhiên, thầy và trò nhà trường đã vượt qua khó khăn, đoàn kết một lòng; được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm, nhân dân đồng thuận ủng hộ nên nhà trường phát triển nhanh chóng. Quy mô lớp, số học sinh tăng nhanh, chất lượng giáo dục được giữ vững, số học sinh giỏi các cấp tăng dần qua các năm. Nhà trường nhiều năm liền được công nhận là trường tiên tiến, là điểm sáng về văn hóa của các huyện vùng cao tỉnh Hoàng Liên Sơn khi đó.
Các thầy cô đã giúp chúng tôi trưởng thành
“Năm mươi năm - một nửa thế kỷ, tôi thầm cảm ơn các thầy giáo của Trường cấp 3 Văn Bàn đầu tiên (nay đã là 4 trường rồi) đã giúp chúng tôi trưởng thành. Nếu không có cái cốt của những năm học cấp 3 ấy, với những tri thức đầu đời ấy, chắc gì chúng tôi đã là của ngày hôm nay. Tôi thầm cảm ơn các thầy cô giáo của Trường THPT số 1 Văn Bàn hôm nay đã tạo điều kiện để chúng tôi được về Hội trường, được gặp lại thầy cô, bạn bè, được hàn huyên tâm sự. Tôi chúc các thầy cô giáo và học trò của thế hệ 4.0 có tài, đức song toàn; có niềm vui và hạnh phúc, tiếp bước cha anh vun đắp cho các thế hệ tương lai của đất nước Việt Nam tươi đẹp. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Chúc các bạn của tôi hãy nhớ về mái trường xưa như là một kỉ niệm đẹp đẽ nhất, tự hào nhất, tin yêu nhất, kiêu hãnh nhất và hãy kể lại cho con cháu mình cùng niềm tự hào và hãnh diện” – Bà Bùi Thị Kim Dung (Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai,Cựu học sinh khóa học 1973-1976)
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Tuân tự hào cho biết, vinh dự cho nhà trường, trong số học sinh tốt nghiệp có 03 học sinh đạt học sinh giỏi Quốc gia hàng trăm em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Hàng nghìn học sinh đã đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trở thành những giám đốc, bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo... Trong đó, nhiều người đã hoặc đang giữ các chức vụ quan trọng ở các cơ quan Trung ương; các ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện: Chị Bùi Thị Kim Dung – Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; anh Nguyễn Trí Tuệ – Nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan doanh nghiệp tỉnh Lào Cai; thầy Đỗ Minh Tâm – Phó Giám đốc Sở GD&DT Lào Cai; chị Lù Thị Nga – Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú, Giám đốc trung tâm giám định y khoa tỉnh Lào Cai; anh Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH SHE CENTER; anh Trần Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bồi dưỡng, UBKT Trung ương; chị Đỗ Thu Hằng – Tiến sĩ kinh tế - Giảng viên khoa Đầu Tư, Học Viện Ngân hàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư Thái Bình Dương; anh Hoàng Tuấn Minh – Tiến sĩ Kinh Tế - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Tây Nguyên, Trưởng phòng kinh doanh XNK Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; anh Trần Tiến Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm tái thẩm định Hội sở, Ngân hàng TMCP Quốc Dân…
Và còn biết bao người con đã được học dưới mái trường THPT số 1 Văn Bàn, trưởng thành trở lại phục vụ quê hương và bay đi muôn phương đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Cùng đất nước đổi mới, trường phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu
Tháng 10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập (chia tách từ tỉnh Hoàng Liên Sơn). Đất nước chuyển bước mạnh mẽ vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển. Cùng với hệ thống giáo dục trong toàn tỉnh, trường THPT Văn Bàn còn rất nhiều khó khăn, nhưng nhà trường đã đoàn kết, nỗ lực chú trọng xây dựng kỷ cương, nền nếp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các thầy cô giáo tập trung nâng cao chất lượng giờ dạy, tích cực tìm tòi, nghiên cứu, tự học để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục. Từ năm 1995 đến 1998 quy mô nhà trường tăng hàng năm về số lớp và số học sinh. So với năm học 1991-1992 quy mô số lớp tăng 4,7 lần; số học sinh tăng 10,5 lần. Năm 1998 nhà trường được xây thêm 12 phòng học cấp 3 đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trong huyện.
Một số thành tích nổi bật của Trường THPT số 1 Văn Bàn giai đoạn 2005-2022
*Năm 2009 được Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen.
*Năm 2010 được công nhận Trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
*Năm 2011được công nhận Trường THPT đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ 3.
*Năm 2012 được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
*Năm 2016 được công nhận trường THPT đạt chuẩn quốc gia lần 2.
*Năm 2022 được công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia lần thứ 3, đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ 2; tổ chức Đoàn thanh niên được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; tổ chức Công đoàn nhà trường được tặng Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai; là tập thể tiêu biểu, xuất sắc dẫn đầu khối thi đua các trường THPT, được khối suy tôn đề nghị tặng Cờ thi đua của Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ.
Từ năm 2002 đến năm 2005, trường tiếp tục tăng mạnh về quy mô: 28 lớp với 1.166 học sinh, đáp ứng mọi nhu cầu học tập của con em các dân tộc huyện Văn Bàn. Năm 2004 trường được xây dựng bổ sung 10 phòng học 2 tầng đáp ứng để tổ chức học 2 ca và các hoạt động giáo dục. Năm 2006 trường tiếp tục được xây dựng bổ sung 14 phòng học và phòng chức năng, đáp ứng học 1 ca. Đội ngũ hàng năm được bổ sung về số lượng và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Từ năm 2012 đến nay, nhà trường dần ổn định, quy mô 20 lớp với khoảng 800 học sinh và trên 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Giai đoạn 2011-2021, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, với quyết tâm cao, bằng những việc làm thiết thực, sáng tạo Chi bộ trường THPT số 1 huyện Văn Bàn đã đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng giáo dục. Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên của nhà trường đều nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới. Nhiều giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, các cuộc thi như: Giai điệu Tuổi hồng, An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai, Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội Thể dục - Thể thao,... Năm học 2013-2014, nhà trường có học sinh đạt 01 giải Nhì Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia.
Lễ khai giảng năm học 2022 – 2023. Ảnh: NT |
Từ năm 2005 trở lại đây, nhà trường luôn đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến và tập thể lao động xuất sắc. Năm 2009, nhà trường được Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2010 nhà trường vinh dự được công nhận Trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Năm 2011 nhà trường được công nhận Trường THPT đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ 3. Năm 2012, nhà trường vinh dự được Chủ tịch Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương lao động hạng Ba. Năm 2016 nhà trường được công nhận trường THPT đạt chuẩn quốc gia lần 2.
Chặng đường mới
Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển nửa thế kỷ qua, từ khoá học đầu tiên chỉ với 01 lớp học, đến nay trường đã duy trì bền vững 20 lớp với khoảng 800 học sinh. Đến hôm nay, nhà trường đã đào tạo được 47 khoá học sinh hệ phổ thông với tổng số trên 10.000 nghìn học sinh đã tốt nghiệp...
Lễ Tổng kết, tri ân và Trưởng thành cho học sinh lớp 12 (năm học 2021- 2022). Ảnh: NT |
Năm 2022 nhà trường được công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia lần thứ 3, đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ 2; tổ chức Đoàn thanh niên được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; tổ chức Công đoàn nhà trường được tặng Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai; là tập thể tiêu biểu, xuất sắc dẫn đầu khối thi đua các trường THPT và được khối suy tôn đề nghị tặng Cờ thi đua của Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ.
Kế thừa, phát huy truyền thống của các thế hệ thầy và trò trong suốt 50 năm xây dựng và phát triển, một chặng đường mới của trường đang mở ra ở phía trước. Trường THPT số 1 Văn Bàn quyết tâm tiếp tục khẳng định và nâng cao uy tín, vị thế để xứng đáng với sự quan tâm, tin tưởng của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn, đúng như kỳ vọng của lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo tỉnh Lào Cai, các thế hệ thầy trò và nhân dân vùng quê nơi đây.
Xây dựng Trường THPT số 1 Văn Bàn thành trường trọng điểm
“Một trang sử mới đang mở ra trong bối cảnh hội nhập, hợp tác và đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông. Nhà trường cần triển khai thực hiện tốt Kế hoạch chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 xây dựng Trường THPT số 1 huyện Văn Bàn trở thành trường trọng điểm giáo dục bậc Trung học phổ thông trên địa bàn huyện Văn Bàn; thực hiện tốt sứ mệnh tạo dựng môi trường học tập nề nếp, kỷ cương, hiện đại, chất lượng, hiệu quả; đáp ứng nhu cầu về nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và phát triển con người; tạo điều kiện cho mỗi học sinh có cơ hội phát triển tài năng, tư duy sáng tạo, trở thành những công dân toàn cầu, có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Tổ quốc; có trình độ, ham học hỏi, độc lập sáng tạo; có sức khỏe, tự tin và luôn có khát vọng vươn lên” - Bà Dương Bích Nguyệt (Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh Lào Cai, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai)