Ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo ra mô hình giáo dục thông minh, giúp việc học và tiếp thu kiến thức đơn giản và dễ dàng hơn. Sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến việc hình thành thói quen tự học của người học mà không bị giới hạn về thời gian cũng như không gian.
Hiện nay, chuyển đổi số trong giáo dục được ứng dụng dưới 3 hình thức chính là: ứng dụng công nghệ trong phương pháp giảng dạy: lớp học thông minh, lập trình… vào việc giảng dạy; ứng dụng công nghệ trong quản lý: công cụ vận hành, quản lý; ứng dụng công nghệ trong lớp học: công cụ giảng dạy, cơ sở vật chất.
Trường Đại học Trà Vinh đã và đang từng bước thực hiện CĐS trong nhiều năm qua. Một số thành tựu nổi bật có thể được kể đến như: (1) Phát triển mô hình đại học thông minh; (2) Xây dựng và sử dụng các khóa học E-Learning trên hệ thống LMS như công cụ hỗ trợ cho việc giảng dạy trực tiếp trên lớp; và (3) Số hóa tài liệu tham khảo, học liệu, tài liệu nội sinh gắn với chương trình đào tạo (CTĐT).
Các giải pháp này áp dụng cho hơn 20.000 sinh viên, học viên từ hơn 40 tỉnh thành trong cả nước và sinh viên Campuchia theo học từ trình độ đại học đến sau đại học. Trường đào tạo 52 ngành bậc đại học, 25 ngành bậc thạc sĩ, 10 ngành bậc tiến sĩ và 5 ngành chuyên khoa cấp 1. Ngoài ra, cùng với hệ thống Trường Thực hành Sư phạm, Bệnh viện Đại học Trà Vinh, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo,… cung cấp hệ sinh thái đào tạo tương đối hoàn chỉnh cho tỉnh Trà Vinh và khu vực.
Mô hình đại học thông minh
Mô hình đại học thông minh được thiết kế và xây dựng nhằm cung cấp hệ thống quản trị thông minh, dịch vụ thông minh, môi trường sinh hoạt thông minh và môi trường học tập thông minh cho Nhà trường, cho sinh viên, học viên và cộng đồng.
Quản trị thông minh giúp Nhà trường phân tích, đánh giá số liệu trực quan, thời gian thực; hỗ trợ việc ra quyết định; tối ưu các quy trình nghiệp vụ; cũng như giúp lưu trữ, đánh giá hiệu quả công việc dựa trên tiến trình … Dịch vụ thông minh giúp Nhà trường cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến cho sinh viên, rút ngắn thời gian xử lý và mở rộng kết nối ra bên ngoài và quốc tế. Môi trường sinh hoạt thông minh giúp Nhà trường quản lý cơ sở hạ tầng cũng như cung cấp các tiện ích theo hướng hiện đại, thông minh.
Ngoài ra, với mô hình đại học thông minh, Nhà trường cũng cam kết cung cấp môi trường học tập thông minh thông qua việc tăng cường khai thác chức năng và hiệu suất của hệ thống LMS; bổ sung nhiều môi trường, công cụ học tập, hội thảo trực tuyến và từ xa; bổ sung nhiều chức năng cho cổng thông tin giảng viên và sinh viên; cũng như xây dựng phòng thí nghiệm ảo, các cụm máy tính tính toán mạnh.
Các khóa học E-Learning
Từ năm 2020, Nhà trường chính thức triển khai các khóa học E-Learning, mỗi học phần bắt buộc phải có một khóa học E-Learning trên hệ thống LMS để hỗ trợ cho việc giảng dạy trên lớp, nhằm tăng cường hiệu quả của việc tự học của sinh viên cũng như tăng sự tương tác giữa sinh viên với giảng viên và giữa sinh viên với nhau sau giờ học trên lớp.
Hiện nay, các khóa học E-Learning trên hệ thống LMS được tăng cường nguồn video học liệu nhằm phục vụ cho việc triển khai hình thức học tập đảo ngược (flipped learning) và học tập kết hợp (blended learning).
Số hóa tài liệu dạy và học
Nhà trường chú trọng việc số hóa nguồn tài liệu tham khảo cũng như xây dựng nguồn video học liệu. Việc số hóa tài liệu không chỉ phục vụ cho sinh viên chính quy tại trường, mà còn đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của sinh viên, học viên của các CTĐT trực tuyến.
Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư cho việc CĐS trong hoạt động thư viện, học liệu số để có thể cung cấp nhiều hơn các tiện ích thông minh nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên, học viên, giảng viên và bạn đọc.
Trường Đại học Trà Vinh nhận giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022 |
Bên cạnh các hoạt động nổi bật vừa nêu, Trường Đại học Trà Vinh đã đạt giải thưởng “Đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc năm 2022” với ba giải pháp “Hệ thống quản lý công tác nhân sự, đào tạo”, “Hệ thống quản lý đào tạo Kỹ năng mềm” và “Hệ thống hỗ trợ công tác đánh giá chuẩn đầu ra chương trình đào tạo phục vụ cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo”. Đây là một khích lệ to lớn đối với nỗ lực không ngừng nghỉ của Nhà trường trong công tác đào tạo với phương châm “Mang đến cơ hội học tập chất lượng cho cộng đồng”.