Trung Quốc tăng mạnh số lượng "Mãnh long" J-20, biên chế cho các lữ đoàn không quân tiêm kích

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Lực lượng Không quân Trung Quốc được biên chế máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 với số lượng tăng vọt kể từ năm 2021, khi loại máy bay này được đưa vào sản xuất dây chuyền với quy mô lớn.

Máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20. Ảnh Military Watch
Máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20. Ảnh Military Watch

Trung Quốc là quốc gia có lực lượng không quân đang được trang bị và vận hành rộng rãi máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 ở cấp độ phi đội, cùng với F-35 của Mỹ.

Máy bay J-20 được cho là sẽ có số lượng giao hàng tăng lên đến 120 chiếc vào năm 2025, đạt 250% so với tốc độ giao máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 5 F-35 cho Không quân Mỹ mặc dù J-20 là máy bay hai động cơ lớn hơn nhiều.

Tốc độ sản xuất ngày càng tăng đã cho phép nhiều lữ đoàn nhận được J-20 hơn hàng năm. 8 lữ đoàn không quân Trung Quốc được xác nhận đã triển khai máy bay J20 vào cuối năm 2022 và 5 lữ đoàn khác đã nhận được máy bay vào năm 2023, trong đó 2 lữ đoàn được xác nhận biên chế đầy đủ số lượng.

Không có lực lượng không quân nào trên thế giới có được số lượng máy bay chiến đấu thế hệ 5 nào có quy mô bằng một nửa so với số lượng máy bay mà Không quân Trung Quốc đang tiếp nhận và sản lượng J-20 vẫn ngày càng tăng, dự kiến khoảng 30 lữ đoàn không quân tiêm kích Trung Quốc sẽ được trang bị loại máy bay này vào cuối thập kỷ. Đến cuối năm 2023, có thể đã có thêm 4 lữ đoàn khác được trang bị đầy đủ theo biên chế J-20.

tiem-kich-j2002-3890.jpeg
Các máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 trên sân bay. Ảnh Military Watch

Cuối tháng 12/2023, 2 lữ đoàn mới, được đồn đoán từ lâu sẽ chuyển loại sang J-20 được xác nhận bắt đầu máy bay, đó là Lữ đoàn không quân số 97 tại Căn cứ không quân Dazu ở Trùng Khánh gần thành phố Thành Đô và Lữ đoàn không quân số 4 tại Căn cứ không quân Phật Sơn gần Thâm Quyến.

Những chiếc J-20 được thay thế các máy bay tiêm kích hạng nhẹ thế hệ ba J-7E, lớp máy bay này hiện đang được loại biên nhanh chóng, thay thế bằng các loại máy bay mới J-20, J-16 và J-10C, được chuyển giao với tốc độ cao.

Lữ đoàn không quân 97 là đơn vị đầu tiên thay thế J-7 bằng J-20. Đồng thời, Lữ đoàn không quân số 4 tiếp nhận ​​J-20 thay thế cho tiêm kích J-11, phiên bản sản xuất có giấy phép Su-27 của Nga từ giữa những năm 1990.

Vị trí chiến lược của Căn cứ Không quân Phật Sơn cho phép các máy bay J-20 thực hiện nhiệm vụ phòng không trên không phận Thâm Quyến và Hồng Kông, Căn cứ Hải quân Longpo trên đảo Hải Nam cách đó 500km về phía Tây Nam, đây cũng chính là căn cứ trọng yếu của hạm đội tàu ngầm tên lửa hạt nhân Hải quân Trung Quốc. Căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam cách Đài Loan 700km, điểm nóng tiềm ẩn về nguy cơ xung đột với Mỹ và các đồng minh châu Á.

tiem-kich-j2003-8674.png
Máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 của Lữ đoàn Không quân 176. Ảnh Military Watch

J-20 lần đầu tiên được chuyển giao cho Không quân Trung Quốc vào mùa xuân hoặc mùa hè năm 2016. Lữ đoàn không quân số 176 tại Căn cứ huấn luyện và thử nghiệm bay Dingxin ở sa mạc Gobi là đơn vị đầu tiên nhận được loại máy bay này. Tháng 2/2018, lữ đoàn không quân 172 tại Căn cứ huấn luyện và thử nghiệm bay Cangzhou gần thành phố Thiên Tân và Bắc Kinh tiếp nhận J-20.

11 tháng sau, lữ đoàn không quân số 9 tại căn cứ không quân Vu Hồ gần Thượng Hải được chuyển giao các máy bay chiến đấu tàng hình J-20. Lữ đoàn không quân số 9 là đơn vị cuối cùng nhận được J-20 mới trong vòng hai năm và là đơn vị cuối cùng nhận được các mẫu cơ bản, sử dụng động cơ AL-31FM2 của Nga, trước biến thể J-20A, được trang bị động cơ WS-10C do Trung Quốc sản xuất. Những J-20A được trang bị động cơ nội địa mới đầu tiên được chuyển giao cho Lữ đoàn Không quân số 1 tại Căn cứ Không quân An Sơn tháng 1/2021.

Các nhà phân tích Trung Quốc vào thời điểm đó bình luận, việc triển khai J-20 nhằm gửi một tín hiệu rõ ràng tới Nhật Bản và Hàn Quốc, cảnh báo không can thiệp vào xung đột tiềm ẩn trên eo biển Đài Loan.

Một năm sau, lữ đoàn Không quân số 5 tại Căn cứ Không quân Quế Lâm bắt đầu được chuyển giao J-20. Năm 2022 là năm đầu tiên J-20 được chuyển đến nhiều lữ đoàn không quân tiêm kích. Tháng 3/2022, lữ đoàn không quân số 6 tại Căn cứ không quân Zhengzhou trở thành đơn vị thứ 6 được biên chế máy bay chiến đấu mới.

Tháng 4/2022 lữ đoàn không quân 111 có trụ sở tại Tân Cương nhận được J-20, Tháng 8/2022, lữ đoàn không quân số 8 tại Căn cứ không quân Trường Hưng gần Bán đảo Triều Tiên là đơn vị thứ 8 nhận máy bay tiêm kích tàng hình đa nhiệm thế hệ 5.

tiem-kich-j2004-2999.jpeg
Máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20A thuộc Lữ đoàn không quân 111. Ảnh Military Watch

Năm 2022, 3 lữ đoàn không quân Trung Quốc được nhận đầy đủ theo biên chế J-20. Do đó, với tốc độ mở rộng sản xuất, khả năng ít nhất 4 lữ đoàn không quân khác của Trung Quốc sẽ được biên chế đầy đủ J-20 trong năm 2023.

Cùng với các Lữ đoàn Không quân số 97 và 4, Lữ đoàn Không quân 131 đóng tại Căn cứ Không quân Nam Ninh gần Hải Nam, Lữ đoàn Không quân 41 tại Căn cứ Không quân Vũ Di Sơn và Lữ đoàn Không quân 95 tại Căn cứ Không quân Liên Vân Cảng đều có thông tin nhưng chưa được xác nhận là đã được nhận máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.

Phù hiệu của các phi công thuộc Lữ đoàn không quân 131 có biểu tượng máy bay J-20, cho thấy đơn vị này có khả năng đã nhận được các máy bay này. Do đó, số lượng các lữ đoàn được biên chế J-20 được xác nhận là ít nhất là 10, nhưng rất có thể sẽ là 12 do số các lữ đoàn nhận được J-20 không thể thấp hơn năm 2022.

Căn cứ theo những tính năng kỹ chiến thuật, J-20 có thể được coi là tiêm kích hàng đầu thế giới chiếm ưu thế trên không, được trang bị các loại vũ khí có tầm bắn gấp đôi bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào của phương Tây và radar lớn hơn với tầm quan sát xa hơn, đồng thời hệ thống điện tử hàng không của J-20 được các chuyên gia Trung Quốc khẳng định ngang bằng hoặc vượt trội hơn F-35 về các chức năng và cấp độ tinh vi. Chương trình thay thế quy mô lớn J-20 đang có xu hướng làm thay đổi cán cân quyền lực trên Thái Bình Dương.

tiem-kich-j2005-4353.jpeg
J-20 bay biểu diễn tại Triển lãm hàng không Chu Hải 2022. Ảnh Military Watch

J-20 được trang bị các tên lửa không đối không PL-10 và PL-15, có những thông số kỹ thuật vượt trội so với những đối thủ hàng đầu của Mỹ và Nga. Những tên lửa này được đưa vào sử dụng từ giữa những năm 2010, nhưng chỉ đến nay, không quân Mỹ mới tìm cách thu hẹp khoảng cách bằng kế hoạch mua sắm hạn chế các tên lửa AIM-260 mới được phát triển đặc biệt để đáp trả.

J-20 vượt trội hơn chiếc F-35 một động cơ, có hiệu suất bay rất hạn chế, tầm bay chưa bằng một nửa J-20 và không có khả năng bay siêu âm kéo dài. J-20 còn vượt trội về năng lực chiến đấu do được trang bị 2 động cơ, cho phép mang nhiều tên lửa hơn và hiệu suất bay cao hơn, đồng thời J-20 cũng có khả năng cơ động linh hoạt.

Không có máy bay chiến đấu nào trên thế giới được sánh ngang bằng về mặt công nghệ đối với J-20. F-22 cũ, niềm tự hào của không quân Mỹ sử dụng hệ thống điện tử hàng không và cảm biến lạc hậu, thiếu tính năng tác chiến tập trung vào mạng và những công nghệ hiện đại như kính ngắm tích hợp trên mũ bảo hiểm hoặc hệ thống khẩu độ phân tán quang điện tử, khiến F-22 sẽ gặp bất lợi nghiêm trọng trước các máy bay chiến đấu như J-20 hoặc F-35.

Những tính năng kỹ chiến thuật của J-20 đang được nâng cấp nhanh chóng giữa các đợt sản xuất. J-20 trang bị động cơ đẩy vector mới WS-15 đã được đưa vào sản xuất hàng loạt vào đầu năm 2023, những máy bay này ​​sẽ bắt đầu được biên chế cho các đơn vị thường trực chiến đấu từ giữa năm 2025.

WS-15 sẽ cung cấp cho J-20 tốc độ hành trình Mach 2, tăng cường hiệu suất bay ở mọi tốc độ, cho phép thực hiện các hoạt động chiến đấu ở độ cao cao hơn giới hạn Armstrong và mở rộng hơn nữa phạm vi hoạt động của J-20 nhờ hiệu quả sử dụng nhiên liệu cao hơn.

Theo Military Watch