Năm 2023, Mỹ kiếm được số tiền kỷ lục 238 tỉ USD nhờ bán vũ khí

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 29/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết doanh số bán vũ khí thiết bị quân sự của Mỹ cho các chính phủ nước ngoài năm 2023 đã tăng 16% đạt mức kỷ lục 238 tỉ USD. 

Hệ thống tên lửa phòng không NASAMS do Mỹ và Na Uy sản xuất Mỹ đã bán cho Ukraine (Ảnh: Wiki)
Hệ thống tên lửa phòng không NASAMS do Mỹ và Na Uy sản xuất Mỹ đã bán cho Ukraine (Ảnh: Wiki)

Nguyên nhân giúp Mỹ kiếm được số tiền khổng lồ qua bán vũ khí là do các nước đang cố gắng bổ sung cho kho vũ khí mà họ đã cung cấp cho Ukraine hoặc mua sắm chuẩn bị cho một cuộc xung đột lớn có thể xảy ra trong tương lai. Những con số này củng cố kỳ vọng doanh số bán hàng mạnh mẽ hơn của các công ty vũ khí như Lockheed Martin, General Dynamics và Northrop Grumman. Giá cổ phiếu của các công ty này dự kiến ​​sẽ tăng mạnh trong bối cảnh bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng việc bán và chuyển giao vũ khí được coi là “một công cụ chính sách đối ngoại quan trọng của Hoa Kỳ với những tác động lâu dài tiềm tàng đối với an ninh khu vực và toàn cầu”.

Các vụ giao dịch bán vũ khí được Mỹ phê chuẩn năm ngoái đáng chú ý nhất bao gồm các hệ thống tên lửa nhiều nòng cơ động cao, còn được gọi là HIMARS, trị giá 10 tỉ USD bán cho Ba Lan; các tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) AIM-120C-8 trị giá 2,9 tỉ USD bán cho Đức cùng các tên lửa đất đối không quốc gia tiên tiến (NASAMS) trị giá 1,2 tỉ USD bán cho Ukraine.

HIMARS do Lockheed Martin sản xuất, Raytheon trước đây gọi là RTX, sản xuất AMRAAM; còn NASAMS do RTX và Kongsberg của Na Uy sản xuất.

he-thong-ten-lua-himarks-7586.png
Hệ thống tên lửa cơ động cao HIMARS Mỹ đã bán cho Ba Lan (Ảnh: AP).

Lockheed Martin và General Dynamics dự kiến ​​ trong những quý tới sẽ có sự gia tăng đơn đặt hàng hàng trăm nghìn quả đạn pháo, hàng trăm hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot và số lượng lớn xe bọc thép, củng cố thành quả kinh doanh của họ.

Có hai phương thức chính được các chính phủ nước ngoài sử dụng để mua vũ khí từ Mỹ: thứ nhất là đàm phán trực tiếp việc mua bán thương mại với các công ty quân sự của Mỹ như Lockheed Martin và Raytheon; thứ hai, liên hệ với các quan chức quân sự Mỹ đóng tại các cơ quan ngoại giao địa phương để thảo luận về việc mua vũ khí thông qua việc bán vũ khí cho quân đội nước ngoài. Theo trình tự thủ tục này, một chính phủ nước ngoài thường sẽ liên hệ với quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô của nước sở tại. Cả hai phương pháp đều cần được sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.

Theo báo cáo, doanh số bán vũ khí trực tiếp của các công ty quân sự Mỹ đã tăng từ 153,6 tỉ USD trong năm tài chính 2022 lên 157,5 tỉ USD trong năm tài chính 2023, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; doanh số bán vũ khí được thu xếp thông qua chính phủ Mỹ đã tăng từ 51,9 tỉ USD trong năm tài chính 2022 lên 80,9 tỉ USD trong năm tài chính 2023, mức độ tăng là 55,9%.

Theo Reuters, Xinhua