Trung Quốc dùng công nghệ AI để truy tìm quan chức tham nhũng

Trung Quốc đang thử nghiệm hệ thống AI giúp tìm ra biểu hiện bất thường của giới quan chức nước này. Dù hoạt động khá hiệu quả, hệ thống kiểm soát tham nhũng bằng AI không nhận được thiện cảm của chính quyền nhiều địa phương tại Trung Quốc.
Với quy mô dân số khổng lồ, Trung Quốc đang tích cực ứng dụng các công nghệ mới nhất trong việc quản lý xã hội, một trong số đó là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tìm ra quan chức tham nhũng.
Với quy mô dân số khổng lồ, Trung Quốc đang tích cực ứng dụng các công nghệ mới nhất trong việc quản lý xã hội, một trong số đó là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tìm ra quan chức tham nhũng.

Với diện tích quốc gia cực lớn và dân số nhiều nhất thế giới, Trung Quốc sở hữu một bộ máy chính quyền đồ sộ với khoảng 50 triệu người. Để có thể kiểm soát nguồn nhân lực khổng lồ này, chính phủ Trung Quốc đã phải sử dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc sớm thích nghi và cập nhật các công nghệ mới.

Một ví dụ cho điều này là việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã sử dụng công nghệ học máy (machine learning) để đánh giá rủi ro trước khi đưa ra quyết định đầu tư vào các nước bên ngoài. Bắc Kinh cũng đã phát triển một hệ thống nhận diện khuôn mặt khổng lồ, có thể nhận biết được bất cứ ai, từ đó đánh giá xếp loại công dân dựa theo điểm tín nhiệm.

Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã nhấn mạnh việc cần thiết phải ứng dụng các công nghệ mới như AI nhằm cải cách chính phủ. Điều này được triển khai bằng việc phát triển hệ thống AI chống tham nhũng với tên Zero Trust. Đây là hệ thống nhằm theo dõi, đánh giá công việc và đời tư của giới quan chức, từ đó tìm ra biểu hiện bất thường của nhóm người lãnh đạo xã hội này.

Được cấp quyền truy nhập với 150 hệ thống cơ sở dữ liệu, Zero Trust có thể vẽ ra các kịch bản tinh vi nhằm phân tích hành vi. Nhờ vậy mà hệ thống này có thể phát hiện rất nhanh các hoạt động chuyển nhượng tài sản, xây dựng cơ sở hạ tầng hay mua gom đất.

Một khi những điểm bất ngờ được tìm ra, hệ thống sẽ tiến hành tính toán để tìm ra khả năng đây là một hành động tham nhũng. Nếu kết quả vượt qua điểm đánh dấu đã được thiết lập trước, hệ thống sẽ ngay lập tức gửi cảnh báo đến các cơ quan chức năng.

Mặc dù tinh vi như vậy nhưng hệ thống này không hẳn có điểm yếu. Do nó chỉ có vai trò cảnh báo, việc kết luận một người có hành động tham nhũng hay không vẫn phụ thuộc vào yếu tố con người. Ở giai đoạn này, người biết thông tin hoàn toàn có khả năng phát tín hiệu cảnh báo tới quan chức bị nghi ngờ tham nhũng.

Trung Quốc dùng công nghệ AI để truy tìm quan chức tham nhũng
Kể từ khi đưa vào hoạt động năm 2012, Zero Trust đã giúp bắt giữ 8.721 nhân viên chính phủ có hành vi sai trái như tham ô, lạm quyền,...


Hiện tại, Zero Trust đang được thử nghiệm giới hạn tại 30 quận và thành phố trên khắp Trung Quốc. Đó đa phần là các địa phương xa trung tâm và thuộc những khu vực tương đối nghèo nàn. Một nhà nghiên cứu tham gia vào dự án này cho biết, điều đó nhằm tránh sự kháng cự quy mô lớn của các nhóm quan chức trong việc sử dụng hệ thống bot vào vận hành quản trị.

Kể từ khi đưa vào hoạt động năm 2012, Zero Trust đã giúp bắt giữ 8.721 nhân viên chính phủ có hành vi sai trái như tham ô, lạm quyền hay sử dụng trái phép tài sản công. Điều này đã khiến một số quan chức đi tù dù hầu hết phần còn lại chỉ bị cảnh cáo và vẫn giữ được chức vụ.

Theo Techinasia, một vài chính quyền cấp quận tại Trung Quốc đã tuyên bố ngừng sử dụng hệ thống này với lý do cảm thấy không thoải mái với công nghệ mới. Tuy vậy, Zero Trust hiện vẫn đang hoạt động tại nhiều địa phương khác.

Bình luận về Zero Trust, một quan chức thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, việc hoạt động của hệ thống này không phải nhằm trừng phạt các quan chức mà muốn cứu họ ngay từ giai đoạn đầu của hành vi tham nhũng.

Theo VietnamNet

https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/tin-cong-nghe/trung-quoc-dung-cong-nghe-ai-de-tim-ra-quan-chuc-tham-nhung-508014.html