Hãng tin Sputnik của Nga đưa tin cho biết, trước những thông tin tình báo từ phía Hàn Quốc nói trằng Bắc Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm nổ hạt nhân lần thứ 5, quân đội Trung Quốc triển khai 2.000 binh sĩ dọc biên giới với Bắc Triều Tiên.
Theo tờ báo Nga, việc Trung Quốc điều động quân đội áp sát biên giới với Bắc Triều Tiên là động thái chuẩn bị ứng phó với những tình huống có thể phát sinh một khi Bình Nhưỡng quyết tâm thực hiện vụ nổ tiếp theo - hành động có thể được xem là khiêu khích với không chỉ liên quân Mỹ - Hàn Quốc đang tham gia tập trận quy mô lớn mà nó trái với cả những mong muốn và toan tính của cả Nga và Trung Quốc.
Trước đó, Nga và Trung Quốc từng nhiều lần, thông qua nhiều kênh khác nhau đã trực tiếp hay gián tiếp lên án các hành động thử hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng.
Riêng Nga từng cảnh báo rằng việc Bắc Triều Tiên tiếp tục tiến hành thử tên lửa hay thử bom hạt nhân sẽ gia tăng căng thẳng, dễ châm ngòi cho xung đột quân sự với Mỹ và Hàn Quốc.
Gần đây, hôm 18/3, Đại sứ Nga tại Trung Quốc từng cho biết vụ phóng tên lửa đạn đạo mà Bắc Triều Tiên tiến hành cách đây là hành động mang tính chất khiêu khích.
Trước đó vài ngày, ngày 10/3, trong một thông điệp phát đi, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo ông Kim Jong Un hãy nghĩ đến những hậu quả từ lời đe dọa hạt nhân của mình.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng Bình Nhưỡng hoàn toàn không được phép đưa ra những thông điệp công khai chứa những lời đe dọa thực hiện tấn công hạt nhân phủ đầu chống lại kẻ thù.
Nga từng nói thẳng rằng "Bình Nhưỡng nên biết một thực tế là, nếu làm theo theo cách này, CHDCND Triều Tiên sẽ bị toàn bộ cộng đồng quốc tế phản đối, và sẽ tạo ra các lý do hợp luật pháp quốc tế cho sử dụng sức mạnh quân sự chống lại chính nước này, theo đúng quyền tự vệ của một nước được nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Về việc Trung Quốc triển khai 2000 quân đến gần biên giới lãnh thổ của Bình Nhưỡng lần này, giới quan sát cho rằng mục đích chính của Bắc Kinh là ra cảnh báo, răn đe Mỹ - Hàn chớ có hành động cương quyết nếu Bắc Triều tiếp tục thử bom hạt nhân, Trung Quốc muốn đánh đi tín hiệu rằng PLA sẵn sàng can thiệp nếu Seoul và Washington sử dụng sức mạnh quân sự nếu cần thiết để can thiệp.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai quân áp sát biên giới Bắc Triều Tiên khi bán đảo leo thang căng thẳng.
Hồi cuối năm 2013, Trung Quốc từng huy động quân đội để sẵn sàng đối phó mọi tình huống trong bối cảnh 1 quan chức là chú rể của lãnh đạo Kim Jong Un là ông Jang Sung Taek người thân Bắc Kinh bị Bình Nhưỡng hành quyết.
Khi đó, truyền thông Trung Quốc cho rằng việc điều quân đội đến biên giới Bắc Triều Tiên là sẵn sàng ngăn chặn dòng người di cư đến Trung Quốc xin tị nạn nếu bên kia biên giới có biến động quy mô lớn.
Mặc dù Trung Quốc từng nhiều lần ra mặt phản đối, bất bình với những hành động của Bắc Triều Tiên, quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đang ở trạng thái băng giá, thậm chí nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un kể từ khi lên nắm quyền thậm chí còn chưa sang thăm Trung Quốc để gặp mặt ông Tập Cận Bình nhưng Trung Quốc sẽ không để mất hoàn toàn khả năng kiểm soát Bắc Triều Tiên bởi nước này được xem như vùng đệm an ninh vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc ở Đông Bắc Á.
Trung Quốc cho rằng không thể không chuẩn bị cho những tình huống khó lường, đặc biệt là trên báo đảo Triều Tiên bởi trong những tuyên bố đáp trả những hành vi khiêu khích (thử hạt nhân, tên lửa đạn đạo) của Bắc Triều Tiên, các quan chức cao cấp nhất của quân đội và chính phủ Mỹ - Hàn đều khẳng định rằng họ sẽ hành động nếu chính quyền của ông Kim Jong Un tiếp tục thử vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
Lê Dũng